Thứ 6, 03/01/2025, 10:36[GMT+7]

Kon Tum: Nâng cao tiêu chí nhà ở dân cư trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 26/12/2022 | 17:36:42
697 lượt xem
Trong bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nâng cao tiêu chí về nhà ở dân cư là cơ sở quan trọng để đánh giá được sự đổi thay về đời sống kinh tế-xã hội của người dân. Để nâng cao tiêu chí này, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum đã tập trung nhiều giải pháp phù hợp, thu hút được sự vào cuộc tích cực của chính quyền và nhân dân, từ đó tạo diện mạo đổi mới ở nông thôn.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh (giữa) dự Lễ khởi công xây dựng nhà Đại đoàn kết cho gia đình bà Y Siêu tại thôn Đắk Duông, xã Ngọc Wang, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum.

Gần 10 năm nay, anh A Ghi tại thôn Đắk Wek, xã Đắk Pxi, huyện Đắk Hà cùng vợ phải ở nhờ trong căn nhà tre vách nứa xập xệ chưa tới 20m2 của người chị cho mượn. Chừng ấy năm, dù đã chịu khó lăn lộn nhiều nơi, làm đủ nghề nhưng cái nghèo khó vẫn đeo bám lấy gia đình nhỏ khi những đứa trẻ lần lượt ra đời.

Khi biết đến trường hợp A Ghi, chia sẻ với hoàn cảnh của người thanh niên chịu thương chịu khó, chi đoàn Công an huyện Đắk Hà đã kết nối, hỗ trợ cho gia đình nguồn vốn 50 triệu đồng. Ngoài ra, xã Đắk Pxi cũng huy động các đoàn thể, nhân dân trong thôn hỗ trợ thêm ngày công, giúp anh Ghi xây căn nhà mới.

Trong ngày chuyển lên ngôi nhà kiên cố, Chi đoàn Công an huyện Đắk Hà đến chia vui và hỗ trợ lợn sọc dưa giống, tạo sinh kế để gia đình phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo. A Ghi phấn khởi chia sẻ những dự định của mình: Có nhà ở kiên cố, mình sẽ cố gắng đi làm, tranh thủ thời gian rảnh rỗi để chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo để còn chăm lo cho con cái học hành.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đắk Pxi U Lý, với hơn 90% hộ đồng bào dân tộc thiểu số, xã Đắk Pxi vẫn còn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đắk Hà. Để hoàn thành và bảo đảm chất lượng tiêu chí nhà ở - dân cư, bên cạnh các chính sách hỗ trợ, tạo sinh kế cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xã chú trọng huy động nhiều nguồn lực để nâng cao chất lượng nhà ở nông thôn. Trong đó, chú trọng vận động người dân thực hành tiết kiệm, tính toán chi tiêu hợp lý để có nguồn vốn tích lũy, xây dựng nhà ở khang trang, kiên cố.

“Trong năm 2022, xã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Đắk Hà phân bổ hỗ trợ xây dựng 22 căn nhà cho các hộ có điều kiện khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó thì chúng tôi cũng đang tích cực vận động các mạnh thường quân, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm để có thêm nguồn hỗ trợ giúp cho các hộ dân đang ở nhà tạm bợ, dột nát có thể xây dựng nhà kiên cố hơn. Cố gắng hoàn thiện tiêu chí này để xã đạt nông thôn mới vào cuối năm 2023”, ông U Lý chia sẻ.

Còn xã Đắk Ui, huyện Đắk Hà đang tập trung các nguồn lực để hoàn thiện tiêu chí về nhà ở và thu nhập của người dân để cán đích nông thôn mới trong thời gian sớm nhất. Xã chú trọng vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay cùng chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Rà soát, đánh giá để các hộ dân có điều kiện khó khăn được tiếp cận nguồn hỗ trợ xây dựng nhà ở.

Chủ tịch UBND xã Đắk Ui Đinh Thư cho biết, hiện nay, qua huy động, xã đã nhận được sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng doanh nghiệp nên đã hoàn thành được hai tiêu chí cuối cùng là nhà ở-dân cư và tiêu chí thu nhập. Xã đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, đang làm hồ sơ chờ tỉnh ra quyết định công nhận, qua đó tạo điều kiện để các hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn “an cư - lạc nghiệp”.

Không chỉ riêng tại các xã đặc biệt khó khăn, tại các xã đã cán đích nông thôn mới, việc nâng cao chất lượng tiêu chí nhà ở trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được huyện Đắk Hà đặc biệt chú trọng. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã hỗ trợ xây dựng 279 căn nhà Đại đoàn kết cho 279 hộ nghèo chưa có nhà và đang ở nhà tạm trên địa bàn huyện với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh và các đơn vị tài trợ.

Khởi công xây dựng ngôi nhà mới cho gia đình anh A Ghi, thôn Đắk Wek, xã Đắk Pxi, huyện Đắk Hà.

Triển khai Chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2015 của Thủ tướng Chính phủ cho 1.088 hộ vay với tổng nguồn vốn gần 11 tỷ đồng. Chương trình cho vay mua trả chậm nhà ở đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên theo Quyết định 154/2003/QĐ-TTg cho 400 hộ vay với tổng nguồn vốn gần 3 tỷ đồng... Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 22,49% thời điểm cuối năm 2016 xuống còn 5,44% vào đầu năm 2022. Tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn có nhà ở kiên cố đạt trên 85%.

Từ sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp, sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị-xã hội, nhiều gia đình chính sách, các hộ nghèo trên địa bàn huyện Đăk Hà đã xây dựng mới nhà ở khang trang, kiên cố hơn. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng tiêu chí nhà ở-dân cư - một tiêu chí không chỉ là yếu tố đánh giá được sự phát triển về kinh tế-xã hội mà còn là thước đo để nhìn nhận, đánh giá sự đổi mới trong tư duy, đời sống vật chất tinh thần của người dân.

Theo nhandan.vn