Thứ 6, 22/11/2024, 11:55[GMT+7]

Nam Định: Kết quả Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Thứ 4, 28/12/2022 | 19:12:57
2,159 lượt xem
Sau những thành tựu đạt được trong xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020, là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước về đích NTM, tỉnh Nam Định xác định giai đoạn 2021 - 2025 tập trung duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, phấn đấu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và Chương trình OCOP.

Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP và sản phẩm nông sản an toàn tỉnh Nam Định.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Nam Định, Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu nhận được sự quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là sự vào cuộc của người dân và toàn xã hội. Trong những năm qua, các cấp, các ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao và đạt được nhiều kết quả tốt. Đến tháng 9/2022, toàn tỉnh đã có 182 xã, thị trấn (89% tổng số xã, thị trấn) đạt chuẩn NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao của tỉnh và 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2022 nổi trội về lĩnh vực Giáo dục. Tuy nhiên đến nay, tiến độ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của các địa phương còn chậm, nhất là các xã đã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022.

Đề án xây dựng thí điểm mô hình huyện NTM kiểu mẫu “Sáng, xanh, sạch, đẹp để phát triển bền vững” tại huyện Hải Hậu đã hình thành cơ bản 4 tuyến đường kiểu mẫu cấp huyện, chiều dài 16km (có hệ thống điện chiếu sáng riêng biệt, bằng cột đúc, đèn led, dây điện ngầm, đường có bồn hoa, trồng cây bóng mát đồng chủng loại). Trung tâm văn hóa, thể thao huyện đạt chuẩn quốc gia; Trung tâm Y tế huyện đạt chuẩn hạng III; Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu đạt tiêu chuẩn hạng II và đang nâng cấp trở thành bệnh viện thân thiện, bệnh viện kiểu mẫu. Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của huyện đạt cấp độ I; có 6/8 trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 lần đầu. Đã hình thành 4 cụm công nghiệp và 1 cụm làng nghề thu hút trên 25.000 lao động. Có các vùng sản xuất hàng hóa tập trung: lúa chất lượng, nuôi trồng thủy sản, cây dược liệu. Có 2,27km tuyến đê kiểu mẫu tại xã Hải An, Hải Giang. Lò đốt rác thải của các xã đều được quan tâm cải tạo, nâng cấp đảm bảo thân thiện với môi trường.

Từ những kết quả đó, Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG đánh giá, Nam Định là một trong những tỉnh thực hiện tốt Chương trình xây dựng NTM nâng cao và Chương trình OCOP. Trong 2 ngày 12-13/12/2022 tại Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022 (gọi tắt là Hội đồng) họp đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022 cho 100 sản phẩm của 68 cơ sở sản xuất (trong đó có 8 sản phẩm đề nghị công nhận lại vì hết thời hạn công nhân và có 5 sản phẩm đề nghị đánh giá nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao) tại 8 huyện và thành phố Nam Định (Huyện Ý Yên không có sản phẩm đăng ký); các huyện có nhiều sản phẩm đề nghị đánh giá: huyện Giao Thủy 32 sản phẩm; Xuân Trường 19 sản phẩm, Trực Ninh 18 sản phẩm, Hải Hậu 11 sản phẩm. Ngày 27/12, văn phòng điều phối NTM tỉnh Nam Định tăng cường chuyển đổi số trong truyền thông với chương trình OCOP - Ngày hội Livestream nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong việc phát triển, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Gạo sạch, gạo nếp là một trong những sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh Nam Định. 

Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP năm 2022 có chất lượng sản phẩm tốt, có sự chuẩn bị tốt về hồ sơ và có nhiều cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm đẹp, phù hợp với thị trường. Mặc dù vậy, một số sản phẩm mẫu mã bao bì thiết kế còn đơn giản chưa đẹp hoặc chưa chuẩn về từ ngữ trên nhãn, thiếu hồ sơ minh chứng, câu chuyện sản phẩm chưa hay, chưa đặc sắc, chưa để lại ấn tượng cho khách hàng...

Kết quả đánh giá và phân hạng 100 sản phẩm của Hội đồng, cụ thể: Có 91 sản phẩm đạt 50 điểm trở lên (trong đó có 14 sản phẩm đạt từ 70 điểm trở lên (sản phẩm OCOP đạt 4 sao và 77 sản phẩm đạt số điểm từ 50 đến 69 điểm (sản phẩm đạt OCOP 3 sao) và 9 sản phẩm đạt dưới 50 điểm (sản phẩm không đủ điều kiện công nhận sản phẩm OCOP 3 sao).

Hầu hết, các sản phẩm OCOP của Nam Định có nguyên liệu từ nông nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp, do chính nông dân, ngư dân, diêm dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp ở địa phương làm ra.

Thời gian tới, Nam Định cũng quyết tâm thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trong xây dựng NTM; đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng nhanh và bền vững dựa trên khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống và phúc lợi của người dân; xây dựng các mô hình thôn, xóm thông minh, xã thông minh; củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở; nâng cao năng lực bộ máy quản lý Nhà nước, đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp ở nông thôn; tập trung huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa để xây dựng NTM; khuyến khích các mô hình người dân tự chủ, tự làm, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác các cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa cơ sở.

Theo baoxaydung.com.vn