Thứ 7, 21/12/2024, 20:28[GMT+7]

Hà Nội: Giữ vững vị thế trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 06/02/2023 | 23:02:48
991 lượt xem
Sau khi hoàn thành mục tiêu 100% số xã về đích nông thôn mới, trong đó có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, năm xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, thành phố Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu đưa vùng ngoại thành trở thành những vùng quê đáng sống.

Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại Hợp tác xã Ðan Hoài, huyện Ðan Phượng. (Ảnh MINH HÀ)

Năm 2022, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đến nay, Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới thành phố đã thẩm định được 40 xã đủ điều kiện trình Hội đồng Thẩm định thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022. Ngay trong quý I/2023, công tác thẩm định tiếp tục được tiến hành tại các địa phương và dự kiến kết quả các xã đủ điều kiện vượt chỉ tiêu thành phố giao.

Những miền quê đáng sống

Những ngày đầu Xuân, không khí ở làng nghề trồng hoa Phù Ðổng, huyện Gia Lâm trở lại êm đềm khi vụ hoa giấy, cây cảnh phục vụ Tết vừa kết thúc thắng lợi. Các vườn hoa giấy, cây cảnh, cây bonsai được chăm sóc cẩn thận, tô điểm cho bức tranh làng quê thêm mầu sắc, thu hút nhiều du khách đến tham quan, du lịch, chụp ảnh lưu niệm.

Theo Bí thư Ðảng ủy xã Phù Ðổng Phùng Xuân Việt, năm 2021, địa phương được thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch của thành phố, trong đó Lễ hội Gióng đã được công nhận “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, di tích lịch sử đền Phù Ðổng là Di tích quốc gia đặc biệt và làng nghề hoa giấy Phù Ðổng với nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp có mô hình kinh doanh du lịch trải nghiệm. Vì thế, từ kết quả đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020, Phù Ðổng lựa chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên hai lĩnh vực du lịch và văn hóa, định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Nhờ sự vào cuộc tích cực của Ðảng ủy, chính quyền, các đoàn thể và người dân địa phương, đến nay mô hình nông thôn mới kiểu mẫu của xã bước đầu thành công. Năm 2022, lượng khách tham quan, du lịch đến với Phù Ðổng đạt hơn 70 nghìn người.

Không chỉ xã Phù Ðổng, diện mạo nông thôn mới tại 20 xã ở huyện Gia Lâm cũng đổi thay tích cực, gắn với hoàn thành các tiêu chí từ xã phát triển thành phường, từ huyện phát triển thành quận. Ba xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gồm Phù Ðổng, Dương Xá và Cổ Bi đều đạt đủ tiêu chí; tám xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao đạt từ 13 đến 17/19 tiêu chí, các tiêu chí còn lại đều cơ bản đạt.

"Ðể đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của giai đoạn mới, thành phố Hà Nội đã đưa ra Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có nhiều tiêu chí, chỉ tiêu cao hơn so với quy định của Chính phủ."

Huyện Ðan Phượng cũng đạt nhiều kết quả nổi bật, trở thành địa phương dẫn đầu thành phố về xây dựng nông thôn mới. Ba xã Tân Lập, Liên Trung và Ðồng Tháp của Ðan Phượng vừa được Ðoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội đánh giá đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu hai lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo.

Ðiểm nổi bật ở ba xã là kinh tế rất phát triển, thu nhập bình quân đầu người/năm đạt cao, trong đó xã Liên Trung đạt 84,2 triệu đồng, xã Tân Lập đạt 82 triệu đồng và xã Ðồng Tháp đạt 76,3 triệu đồng. Riêng xã Liên Trung vừa hoàn thành đầu tư xây dựng vườn hoa cây xanh khu trung tâm xã quy mô hơn 3ha, với số vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng, giúp người dân có thêm không gian xanh để nghỉ ngơi, thư giãn, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Các xã ở những huyện vùng xa của Hà Nội như: Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Ðức… cũng khẩn trương nâng cao chất lượng nông thôn mới. Ba Vì là huyện vùng cao, nhiều khó khăn nhất của Hà Nội. Thế nhưng, mới đây, Văn phòng điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội đã khảo sát, đánh giá, chấm điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022 đối với ba xã Sơn Ðà, Tản Hồng, Vạn Thắng và cả ba xã đều đạt chuẩn. Sự ủng hộ của nhân dân là một trong những nhân tố quyết định thành công của xây dựng nông thôn mới.

Năm 2022, nhân dân xã Sơn Ðà đã đóng góp 2,7 tỷ đồng tiền mặt và hiến đất trị giá 3,55 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí. Xã Tản Hồng đã huy động được gần 1,24 tỷ đồng và hơn 1.000 ngày công lao động của nhân dân để chỉnh trang đường làng, ngõ xóm. Người dân xã Vạn Thắng đóng góp hơn 2 tỷ đồng và nhiều hiện vật có giá trị để chung sức cùng chính quyền đưa xã về đích nông thôn mới nâng cao. Ba xã này đều hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Sản xuất gốm sứ tại làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm. (Ảnh DUY ÐĂNG)

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Ðể đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của giai đoạn mới, thành phố Hà Nội đã đưa ra Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có nhiều tiêu chí, chỉ tiêu cao hơn so với quy định của Chính phủ. Cụ thể bộ tiêu chí chung quy định đường, ngõ, xóm sạch, nhưng thành phố Hà Nội yêu cầu đường, ngõ, xóm được cứng hóa; hay tiêu chí chung quy định đường trục chính nội đồng bảo đảm vận chuyển hàng hóa thuận tiện, còn Hà Nội yêu cầu thêm tiêu chí được cứng hóa…

Theo đại diện Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, thành phố quy định nhiều tiêu chí cao hơn so với Bộ tiêu chí xã nông thôn mới của Chính phủ nhằm sát với thực tế phát triển xã đạt tiêu chí phường.

Các tiêu chí nông thôn mới được nâng cao chất lượng tại tất cả các huyện. Theo Trưởng thôn Từ Châu (xã Liên Châu, huyện Thanh Oai) Ðỗ Văn Sáng, Liên Châu là địa bàn sản xuất nông nghiệp, người dân rất đồng lòng ủng hộ xây dựng nông thôn mới và sẵn sàng tự nguyện đóng góp xây dựng quê hương. Thôn Từ Châu có hơn 800 hộ dân, nhưng thời gian qua đã đóng góp được gần 20 tỷ đồng để xây dựng giếng làng, nhà thờ Công giáo…, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Nhờ đó, vừa qua xã đã được thẩm định, đủ điều kiện công nhận xã nông thôn mới nâng cao.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ðồng Phú, huyện Chương Mỹ Phạm Văn Hải chia sẻ: Thời gian qua, nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ, phát huy vai trò của người dân, nguồn vốn xã hội hóa và người dân đóng góp đã đạt gần 29 tỷ đồng, tương đương gần 7,5% tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới. Phát huy kết quả này, xã Ðồng Phú lựa chọn hai tiêu chí nổi bật là giáo dục-đào tạo và phương thức tổ chức sản xuất để đăng ký xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo đại diện Văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Nội, đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã đạt hơn 54 triệu đồng/năm. Một số huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Ðan Phượng 66 triệu đồng/năm, Gia Lâm 65 triệu đồng/năm, Hoài Ðức 64 triệu đồng/năm… Diện mạo nông thôn Hà Nội ngày càng khang trang, giàu đẹp.

Tuy nhiên, theo Phó Chánh Văn phòng thường trực, Văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, khó khăn lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới nâng cao của Hà Nội là nguồn vốn hỗ trợ cho các xã còn hạn chế. Hơn hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu nhập của người dân bị giảm sút cho nên việc huy động đóng góp về vật chất của người dân cho xây dựng nông thôn mới nâng cao khó khăn. Cơ chế hỗ trợ phát triển nông nghiệp chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh, nhất là các chính sách về tích tụ đất đai, tín dụng, dẫn đến chưa thu hút nhiều doanh nghiệp, đơn vị đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

Năm 2023, Hà Nội sẽ tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nhất là các chỉ tiêu về trường học, nước sạch, y tế; đồng thời thường xuyên giám sát, định kỳ tổ chức kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao tại các đơn vị, địa phương để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giữ vững vị thế dẫn đầu trong xây dựng nông thôn mới cả nước.

Theo nhandan.vn