Thứ 7, 21/12/2024, 19:42[GMT+7]

Quảng Bình: Để nông thôn mới thêm đổi mới

Thứ 6, 10/02/2023 | 16:03:58
646 lượt xem
Xác định vai trò quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, chính quyền các cấp và nhân dân các địa phương tỉnh Quảng Bình đã xây dựng lộ trình, triển khai hoạt động nhằm hoàn thiện các tiêu chí NTM. Tuy vậy, bên cạnh những thuận lợi thì nhiều địa phương gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Nhiều địa phương đã nỗ lực cân đối ngân sách để đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Nỗ lực xây dựng NTM 

Theo thống kê của Văn phòng điều phối NTM tỉnh, hiện toàn tỉnh có 85 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 66,4% tổng số xã; 36 khu dân cư NTM kiểu mẫu, tăng 10 khu dân cư so với năm 2021; 44 vườn mẫu, tăng 10 vườn so với năm 2021 và 2 thôn, bản đạt chuẩn NTM tại các xã đặc biệt khó khăn. Hiện nay, một số huyện đang tiếp tục thẩm định các vườn, khu dân cư và thôn, bản đăng ký năm 2022. 


Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 7 xã đạt chuẩn NTM, 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới); 14 thôn, bản đạt chuẩn NTM; 37 khu dân cư NTM kiểu mẫu; 87 vườn mẫu NTM.


Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, năm qua, hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình NTM cơ bản đầy đủ; kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được giao cụ thể cho các địa phương. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp các địa phương thuận lợi hơn trong tổ chức triển khai, thực hiện, cũng như có căn cứ để xây dựng, ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn theo quy định.

Công tác chỉ đạo thực hiện chương trình được quan tâm sát sao. UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến hướng dẫn tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và định hướng, chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của chương trình. Bên cạnh đó, công tác phối hợp triển khai giữa cơ quan chủ trì với các sở, ngành và địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn về kinh phí do Trung ương giao kế hoạch chậm, ngân sách tỉnh hạn chế nhưng một số địa phương đã chủ động cân đối, bố trí ngân sách và các nguồn huy động hợp pháp khác để tiếp tục triển khai thực hiện chương trình. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM năm 2022 là 18.420,4 tỷ đồng; trong đó: Vốn ngân sách nhà nước 1.325,2 tỷ đồng (chiếm 7,2%); vốn tín dụng 16.876,0 tỷ đồng (chiếm 91,6%); vốn doanh nghiệp 13,7 tỷ đồng (chiếm 0,1%); đóng góp của cộng đồng dân cư 205,5 tỷ đồng (chiếm 1,1%).

Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân, cũng như kinh nghiệm hơn 10 năm triển khai chương trình, các địa phương đã chủ động hơn trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là cụ thể hóa các quy định, cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh để triển khai ở cơ sở.

Vẫn còn lắm bộn bề

Theo kế hoạch, số xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2022 là 22 xã; trong đó, NTM kiểu mẫu 3 xã, NTM nâng cao 19 xã. Tuy nhiên đến đầu năm 2023, chỉ có 1 trong 22 xã nộp hồ sơ để thẩm định xét công nhận NTM nâng cao, các xã còn lại hiện vẫn chưa nộp hồ sơ.

Bà Bùi Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP. Đồng Hới cho biết: Nhiều xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu nhưng do gặp khó ở một số tiêu chí nên đã ảnh hưởng đến thời gian thực hiện. Ở TP. Đồng Hới, nhiều xã, phường do gặp khó đối với các tiêu chí, như: Nước sạch, sản phẩm OCOP, quy hoạch...nên chưa thể hoàn thành kế hoạch đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và NTM nâng cao như đã đăng ký.  

Lý giải về việc nhiều xã đăng ký đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao trong năm 2022, nhưng đến nay vẫn chưa đạt các tiêu chí,Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết thêm: Mục tiêu về số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu không đạt kế hoạch đề ra do hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình ban hành chậm, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình, đặc biệt là đối với các xã phấn đấu đạt chuẩn trong năm. Hầu hết các xã chưa đáp ứng kịp bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là nội dung tiêu chí về tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng. Đây là tiêu chí cứng của Trung ương, tuy nhiêntỉnh ta chưa có cơ sở hỏa táng, phong tục của người dân cũng chưa quen với việc hỏa táng mà chủ yếu thực hiện theo hình thức địa táng. Do đó, các xã không đáp ứng được nội dung này để đạt xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. 

Bên cạnh đó, một số tiêu chí đã đạt nhưng ở mức tiệm cận nên tính bền vững chưa cao, ảnh hưởng không nhỏ đến việc giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí. Thực tế rà soát theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, có nhiều xã chưa đáp ứng yêu cầu của bộ tiêu chí mới, trong đó hơn 60% số xã đã đạt chuẩn giai đoạn trước nhưng không đáp ứng được yêu cầu bộ tiêu chí mới.

Để thực hiện tốt lộ trình xây dựng NTM, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Tuấn cho biết thêm: Đối với các xã đạt chuẩn cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể để giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới mục tiêu xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đối với các xã đạt chuẩn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của bộ tiêu chí mới cần khẩn trương triển khai kế hoạch thực hiện các tiêu chí bị sụt giảm; chủ động huy động các nguồn lực khác, không có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước đồng thời căn cứ văn bản hướng dẫn của các sở, ngành có liên quan để xem xét tính cần thiết đối với các nội dung đề xuất, tránh đầu tư không hiệu quả, lãng phí. Với các xã phấn đấu đạt chuẩn năm 2023, phải bảo đảm chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích; chủ động rà soát, đánh giá thực trạng, xây dựng lộ trình, kế hoạch và khẩn trương triển khai các tiêu chí chưa đạt, nhất là đối với hạng mục có khối lượng công việc lớn, thời gian thi công dài cần khẩn trương triển khai sớm.

Theo baoquangbinh.vn