Thứ 3, 06/08/2024, 21:27[GMT+7]

Chung sức xây dựng nông thôn mới: Động lực từ các mô hình khuyến nông

Thứ 3, 21/05/2013 | 09:10:21
1,113 lượt xem
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã và đang thực hiện chuyển đổi cơ chế khuyến nông từ đầu tư theo kế hoạch hằng năm sang đầu tư theo các chương trình, mô hình sản xuất tập trung nhằm tạo động lực cho xây dựng nông thôn mới.


Từ chương trình khuyến nông, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai xây dựng các mô hình tập trung ứng dụng kỹ thuật, giống mới vào sản xuất; qua đó, giúp nhiều địa phương tăng giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích. Xã Phú Mậu, huyện Phú Vang đã xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả như: Từ mô hình khuyến nông đã giúp các hộ dân trong xã có điều kiện phát triển vùng chuyên canh hoa rộng 13ha với gần 300 hộ tham gia. Việc trồng nhiều loại hoa cúc hầu như quanh năm cùng với các giống hoa mới, như: lan mokara, lay ơn, hoa ly... đã giúp các hộ dân tăng thu nhập. 

Ông Trần Vãng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mậu cho biết: chương trình khuyến nông đã giúp người dân trong xã có thêm vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm, thị trường... để phát triển vùng chuyên canh hoa. Thu nhập bình quân mỗi ha hoa đạt khoảng 140 triệu đồng/năm, so với trồng lúa thì cao hơn gấp 3 lần. Qua đó, giúp khoảng gần 1/3 số dân trong xã tăng thu nhập để nâng cao cuộc sống.

Từ chương trình khuyến nông, ngành nông nghiệp tỉnh cũng thực hiện đa dạng hóa các mô hình sản xuất như: nuôi giun quế; sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gia cầm, thủy sản; rau an toàn; gần đây nhất là thực hiện hỗ trợ hơn 450 triệu đồng xây dựng 4 mô hình "cánh đồng mẫu lớn" trong sản xuất lúa; xây dựng 43 mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng 5 mô hình an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm... 

Qua khảo nghiệm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đánh giá: các mô hình khuyến nông bước đầu mang lại hiệu quả cao, góp phần hướng nông dân phát triển sản xuất theo mô hình tổ, nhóm hợp tác... để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị. Điển hình như mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao hiện đang được nông dân ở các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang... đưa vào trồng đại trà với hơn 10.000 ha. 

Ông Phan Văn Hóa, Hợp tác xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền cho biết: so với lúa Khang dân, các giống lúa chất lượng cao có thời gian sinh trưởng ngắn nhưng lại chống chịu tốt hơn với sâu bệnh và phù hợp với đồng thấp trũng hay có mưa, lũ sớm; đồng thời, cho năng suất cao với hơn 60 tạ/ha. Giá lúa giống mới chất lượng cao bình quân bán được khoảng hơn 8.000 đồng/kg; trong khi giá một số giống lúa khác chỉ bán được khoảng 5.000 đến 6.000 đồng/kg. Ngoài lúa thì mô hình thâm canh lạc chất lượng cao như: L14, L18… cũng được nhân rộng ra các địa phương: Hương Trà, Hương Thủy... với diện tích khoảng 1.200 ha.

Tuy nhiên, việc nhân rộng ra những mô hình từ khuyến nông mang lại hiệu quả cao còn rất hạn chế, thậm chí là không thể thực hiện được. Vì vậy, đã xảy ra tình trạng là nhiều mô hình khi thí điểm thì mang hiệu quả nhưng thực hiện xong rồi lại để đấy. Điều đó, khiến người nông dân không thể tiếp cận được các kỹ thuật, giống mới... từ các mô hình để áp dụng vào sản xuất đại trà. Việc thực hiện các mô hình khuyến nông "nửa vời" như vậy cũng tạo ra sự lãng phí về vốn, kỹ thuật... 

Nguyên nhân là do kinh phí đầu tư cho các mô hình khuyến nông còn quá thấp. Kinh phí đã ít lại thường chỉ giải ngân vào cuối năm nên cũng khó khăn cho việc hỗ trợ triển khai nhân rộng. Mặt khác, do kinh phí quá thấp nên khi thực hiện các mô hình, dù mới ở mức thí điểm thì người nông dân đã phải tự bỏ ra hơn 50% kinh phí; trong khi chưa biết hiệu quả mang lại thế nào. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông còn thiếu và yếu nên rất khó triển khai chuyển giao kỹ thuật, giống mới đến hộ gia đình. 

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên - Huế, cần nâng mức đầu tư kinh phí mỗi năm lên 13 tỷ đồng thay vì vài tỷ đồng mỗi năm như hiện nay. Có như vậy mới đủ điều kiện để triển khai nhân rộng các mô hình khuyến nông đã thí điểm thành công. Chương trình khuyến nông cũng cần phối hợp với các địa phương quy hoạch phát triển sản xuất, sao cho phát huy được tiềm năng thế mạnh của từng vùng; đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư, liên kết với doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thị trường... để giúp nông dân sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, phong phú, đa dạng về chủng loại.

Nguồn dangcongsan.org.vn

  • Từ khóa