Thứ 5, 28/03/2024, 22:09[GMT+7]

Đầu tư nông thôn mới tại Hà Nội:Tránh tình trạng 'có tiền nhưng không tiêu được'

Thứ 2, 20/03/2023 | 20:21:56
1,616 lượt xem
Để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn hàng năm Hà Nội vẫn quan tâm, bố trí nguồn lực rất lớn để hỗ trợ các địa phương đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội.

Đường giao thông nông thôn tại xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì). Ảnh: Trọng Tùng.

Tỷ lệ giải ngân đạt gần 96%

Tháng 10/2022, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định về việc phân bổ kế hoạch vốn cho Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022. Theo đó, TP bố trí 1.226,7 tỷ đồng để thực hiện 98 dự án, trong đó có 13 dự án chuyển tiếp và 85 dự án mới.

Trong số 15 huyện, thị xã được phân bổ nguồn vốn, 3 huyện chưa hoàn thành xây dựng nông thôn mới được quan tâm, bố trí nguồn lực lớn nhất. Cụ thể, huyện Ba Vì được TP hỗ trợ 393,5 tỷ đồng; hai huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa được hỗ trợ lần lượt là 162,4 tỷ đồng và 92,5 tỷ đồng.

Dù nguồn vốn mới được bố trí ít tháng cuối năm 2022, tuy nhiên, các địa phương đã tập trung rốt ráo, tổ chức triển khai các dự án được phân bổ nguồn lực. Đến nay, 8/15 huyện, thị xã đã hoàn thành giải ngân 100% nguồn vốn gồm: Hoài Đức, Thanh Oai, Đông Anh, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Mỹ Đức và Sơn Tây.

Tiến độ giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Ứng Hòa đang đạt tỷ lệ thấp nhất với 72%. Tỷ lệ giải ngân của các huyện khác gồm: Chương Mỹ, Thường Tín, Thạch Thất, Mê Linh, Ba Vì, Đan Phượng lần lượt đạt: 81%, 89%, 95%, 98%, 98% và 99%.

Như vậy, trong tổng số 1.226,7 tỷ đồng được UBND TP Hà Nội phân bổ, 15 huyện, thị xã đã thực hiện giải ngân được 1.172,746/1.226,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 95,6% tổng nguồn vốn đã bố trí. Hàng chục dự án hiện vẫn đang được các địa phương tích cực triển khai, bảo đảm tiến độ theo kế hoạch.

Trường Tiểu học Tự Lập A (huyện Mê Linh) được đầu tư khang trang, rộng đẹp.

Đề xuất hỗ trợ hơn 8.000 tỷ đồng cho năm 2023

Nhờ nguồn lực đầu tư lớn của TP, kết quả xây dựng nông thôn mới năm 2022 và quý I/2023 của Hà Nội đạt được là rất tích cực. Tính đến tháng 3/2023, TP đã thẩm định có thêm 63 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 15 xã đủ điều kiện về đích nông thôn mới kiểu mẫu.

3 huyện còn lại của Hà Nội chưa về đích nông thôn mới là Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì cũng đang hoàn thiện hồ sơ; phấn đấu trình các cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, năm 2023, TP phấn đấu hoàn thành xây dựng 3 huyện nông thôn mới, 5 huyện nông thôn mới nâng cao. Cùng với đó là đưa 61 xã về đích nông thôn mới nâng cao và 33 xã hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt được mục tiêu trên, các huyện đề xuất ngân sách TP hỗ trợ 8.187 tỷ đồng.

Các địa phương kiến nghị TP Hà Nội hỗ trợ hơn 8.000 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2023.

Trong số 18 huyện, thị xã, chỉ có huyện Mỹ Đức đề nghị TP hỗ trợ 1.177 tỷ đồng, và huyện Hoài Đức kiến nghị được hỗ trợ 40 tỷ đồng. Ngoài ra, 54/61 xã đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao đề xuất hỗ trợ 4.803 tỷ đồng; 28/33 xã đăng ký hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu đề nghị được ngân sách TP hỗ trợ 2.167 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Văn Đức cho biết, hiện nay nguồn lực của TP rất khó khăn. Chính vì vậy, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, đơn vị sẽ phối hợp cùng Sở NN&PTNT, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp danh mục các dự án đầu tư.

“Tinh thần chung là cố gắng để nguồn lực đầu tư được tiết giảm tối đa nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả và hoàn thành các chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023…” - ông Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề giải ngân nguồn vốn từ ngân sách TP, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu lưu ý: Việc chậm giải ngân nguồn vốn các dự án sẽ ảnh hưởng lớn đến phân bổ nguồn lực cho năm kế tiếp. Chính vì vậy, các địa phương cần nỗ lực để bảo đảm tiến độ theo kế hoạch, tránh tình trạng “có tiền nhưng không tiêu được”.

Tính từ năm 2021 đến hết quý I/2023, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của Hà Nội là 42.903 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước là 2.598 tỷ đồng (chiếm 6,1% tổng nguồn lực đã huy động).

Theo kinhtedothi.vn