Thứ 2, 06/01/2025, 00:36[GMT+7]

Bình Phước: Gỡ khó nông thôn mới

Thứ 3, 31/12/2024 | 08:05:31
615 lượt xem
BPO - Tân Hưng là xã vùng sâu, xa, có địa bàn rộng, tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số (DTTS) 25%, cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu nên để cán đích nông thôn mới (NTM) tiêu chuẩn cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Đó là lý do mà huyện Hớn Quản đưa Tân Hưng về đích NTM sau cùng để tập trung nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố khách quan nên nguồn vốn đầu tư cho Tân Hưng thời gian qua rất hạn chế, từ đó khó có thể đảm bảo các tiêu chí để về đích NTM năm 2024.

Loay hoay tiêu chí giao thông

Tân Hưng có địa bàn rộng, trải dài với hơn 204km đường giao thông, trong đó có 2 tuyến ĐT756 và ĐT758 chạy qua đã được đầu tư xây mới. Tuy nhiên, do hệ thống giao thông trải dài nên đến nay tỷ lệ đường giao thông trên địa bàn được cứng hóa đạt hơn 85%. Để đảm bảo lưu thông thuận tiện cần đầu tư xây dựng mới 22km, trong đó 12km thuộc thẩm quyền xã quản lý.

Nhà văn hóa ấp Sóc Ruộng được nâng cấp, sửa chữa từ vốn nông thôn mới năm 2024

Khu dân cư gặp khó khăn nhất trong hoàn thành tiêu chí giao thông của xã Tân Hưng là ấp Sóc Ruộng. Ấp hiện có 354 hộ, trong đó 65% là hộ DTTS nên việc vận động nhân dân đóng góp vốn đối ứng gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó, Sóc Ruộng có đến 26km đường giao thông. Từ năm 2016 đến nay, Nhà nước đã đầu tư làm 6km đường bê tông xi măng, số còn lại chưa được xây dựng. Ngoài các tuyến đường giao thông nông thôn thuộc xã quản lý thì ấp Sóc Ruộng còn hơn 8km đường liên huyện Tân Hưng - Long Tân chạy qua, với 100% là đường đất đỏ xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn chưa được đầu tư nâng cấp.

Ấp Sóc Ruộng có 26km đường giao thông, từ năm 2016 đến nay đã được bê tông xi măng 6km

Để cán đích NTM năm 2024, ấp đã vận động nhân dân đóng góp vốn đối ứng thực hiện một số tuyến quan trọng nhưng đang chờ nguồn vốn nhà nước. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Ngô Trọng Tướng cho biết: Trước đây, khu dân cư DTTS khó khăn được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí làm đường giao thông, tuy nhiên hiện nay chính sách này chỉ được hỗ trợ 80%, còn lại phải vận động nhân dân đóng góp 20% nên bước đầu gặp nhiều khó khăn. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích nên người dân hiểu và một số khu dân cư đã đóng góp vốn đối ứng chờ thi công. Tuy nhiên, nguồn ngân sách nhà nước (80%) thời điểm này chưa được phân bổ, do đó công tác xây dựng cơ sở hạ tầng nói chung cũng như xây dựng đường giao thông bị chững lại.

Cần cơ chế hỗ trợ vốn kịp thời

Ngoài giao thông, tiêu chí trường học trên địa bàn xã Tân Hưng cũng gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Xã có 4 trường học thì Trường THCS Tân Hưng cơ bản đảm bảo về cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, 3 trường còn lại đang cần được quan tâm đầu tư xây dựng các công trình, hạng mục.

Tại Trường tiểu học Tân Hưng B, các phòng học xây dựng từ năm 1998 đã xuống cấp trầm trọng, quá hạn sử dụng nên để đáp ứng nhu cầu dạy học cũng như hoàn thành tiêu chí trường học trong xây dựng NTM, UBND huyện Hớn Quản đã cấp vốn đầu tư giai đoạn 1 xây dựng 12 phòng học lầu kèm cổng, hàng rào, nhà để xe và nhà vệ sinh dùng chung. Tuy nhiên, để công nhận đạt chuẩn quốc gia cần đầu tư xây dựng thêm nhiều công trình, hạng mục khác như các phòng học bộ môn, khu hiệu bộ, khu hỗ trợ học tập…

Trường tiểu học Tân Hưng B được UBND huyện Hớn Quản đầu tư vốn xây dựng 12 phòng học lầu

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Ngô Trọng Tướng cho biết thêm: Không riêng Trường tiểu học Tân Hưng B mà các trường học khác trên địa bàn xã cũng đang gặp nhiều khó khăn cần được quan tâm hỗ trợ. Cụ thể, Trường tiểu học Tân Hưng A dù đã có trụ sở cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy học, tuy nhiên để đạt chuẩn về cơ sở vật chất thì cần đầu tư xây dựng thêm 16 phòng học, vì đây là trường học trung tâm, tập trung rất nhiều học sinh. Còn Trường mầm non Tân Hưng đã xây dựng và đưa vào hoạt động 10 năm nay, tuy nhiên trẻ dưới 5 tuổi huy động đến lớp đạt thấp (54%) do thiếu phòng học và thiếu biên chế giáo viên.

Cùng với đường giao thông, trường học thì cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa cũng là tiêu chí khó đối với xã Tân Hưng. Xã có 9 ấp thì 3 ấp (Sở Xiêm, Hưng Phát, Hưng Yên) chưa có nhà văn hóa cộng đồng do quỹ đất công 5% không còn để xây dựng. Do vậy, để có nơi sinh hoạt, hội họp, các ấp phải mượn tạm điểm các trường, hội trường nông trường cao su hoặc nhà dân... nên gặp rất nhiều bất cập.

Ông Trịnh Văn Năm, Trưởng ấp Sở Xiêm, xã Tân Hưng cho biết: Để có nơi sinh hoạt, hội họp, vào thứ Bảy, Chủ nhật ấp mượn tạm điểm trường 30/4, còn các ngày thường khác thì mượn nhà Bí thư Chi bộ ấp hoặc nhà dân nên khá bất tiện, nhất là không có không gian tổ chức các hoạt động tập thể, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Theo ông Năm, nguyện vọng của người dân trong ấp là nếu học sinh điểm trường này chuyển đến điểm chính học thì lãnh đạo tỉnh, huyện quan tâm bàn giao khu đất tại đây cho ấp xây dựng trụ sở hoạt động.

Lãnh đạo xã Tân Hưng cho biết, để giải quyết bài toán quỹ đất xây dựng nhà văn hóa cũng như điểm sinh hoạt, hội họp tại các ấp, UBND xã đã và đang linh động thực hiện nhiều phương án để sớm thu hồi diện tích đất cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam quản lý bàn giao về cho địa phương. Đồng thời lấy lại điểm trường cũ làm nơi sinh hoạt khu dân cư khi học sinh có trường học mới.

Dù gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện các tiêu chí NTM nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Hưng vẫn phát huy tối đa nội lực, phấn đấu về đích đúng lộ trình đề ra. Tuy nhiên, để cơ sở vật chất, hạ tầng được xây dựng đồng bộ, đảm bảo phát triển bền vững rất cần Nhà nước cấp vốn đầu tư kịp thời, bởi năm 2024 xã mới được phân bổ 8 tỷ đồng, trong khi tổng vốn cần đầu tư khoảng 45 tỷ đồng.

Theo baobinhphuoc.com.vn