Chủ nhật, 05/01/2025, 00:08[GMT+7]

Phú Bình (Thái Nguyên) - huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên

Thứ 5, 02/01/2025 | 08:26:48
1,053 lượt xem
Năm 2022, Phú Bình là địa phương đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Tiếp nối thành quả đó, năm 2024, Huyện ủy, UBND huyện tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân để quyết tâm trở thành huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh.

Diện mạo nông thôn huyện Phú Bình có nhiều đổi mới với những ngôi nhà khang trang, kiên cố mọc lên san sát.

Lấy sức dân làm lợi cho dân

Xác định người dân vừa là chủ thể, vừa là người hưởng lợi trong xây dựng huyện nông thôn mới (NTM), thời gian qua, cùng với triển khai các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, Huyện ủy, UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng quê hương. Đồng thời phát động phong trào thi đua “Phú Bình chung sức xây dựng NTM” đến các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân.

Thông qua công tác tuyên truyền, phong trào xây dựng NTM đã lan tỏa mạnh mẽ, tác động làm chuyển biến nhận thức, hành động của mỗi người dân. Hiểu được ý nghĩa, lợi ích thiết thực của NTM, nhân dân ở khắp các địa phương đã đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương, hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu của huyện NTM nâng cao.

Sự đồng lòng của nhân dân thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2021-2024, huyện đã huy động được trên 8.700 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó nguồn lực huy động đối ứng từ nhân dân, xã hội hóa đạt 265 tỷ đồng. Thay cho tư tưởng trông chờ, ỷ lại, người dân ở nhiều địa phương đã chủ động góp công sức, hiến đất và kinh phí để mở đường giao thông, nâng cấp nhà văn hóa...

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Nhã Lộng: Trước đây, phần lớn đường giao thông trên địa bàn xã khá nhỏ hẹp, chỉ từ 3m. Hầu hết nhà dân đều đã xây dựng nhà ở, tường rào, công trình phụ sát mép đường. Để cán đích xã NTM nâng cao vào năm 2024, UBND xã đã xây dựng kế hoạch, huy động cán bộ xuống cơ sở để vận động, tuyên truyền nhân dân đồng thuận hiến đất mở đường. Hiểu được lợi ích của việc mở đường đối với gia đình, xã hội, hầu hết các hộ dân đã tự nguyện hiến đất và tháo dỡ tài sản trên đất; sẵn sàng đóng góp tiền để nâng cấp đường. 

Các tuyến đường giao thông được cứng hóa khang trang, sạch đẹp.

Không những vậy, sức dân còn được phát huy mạnh mẽ trong thực hiện tiêu chí môi trường. Đã trở thành thói quen, cứ vào Thứ 7 của tuần thứ 2 trong tháng, 100% các xóm, tổ dân phố trên địa bàn huyện lại tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom rác thải vào đúng nơi quy định, trồng và chăm sóc các tuyến đường hoa, cây xanh.

Tại các gia đình, ngày càng nhiều hộ dân đã thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn. Đến nay, toàn huyện có khoảng 340km đường giao thông được trồng hoa, cây xanh; gần 94% số hộ dân trong huyện thực hiện tốt cuộc vận động “5 không 3 sạch” do Hội phụ nữ các cấp phát động; trên 96% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn...

Sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các tiêu chí là minh chứng nổi bật cho công tác chỉ đạo đúng đắn, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền huyện Phú Bình. Qua đó đã tạo ra khối đoàn kết toàn dân vững chắc, nhân dân thực sự trở thành chủ thể trong quá trình xây dựng NTM.

Thành quả của sự nỗ lực không ngừng

Về Phú Bình hôm nay, diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi mới với những ngôi nhà khang trang, kiên cố mọc lên san sát; các tuyến đường làng, ngõ xóm đã được đổ bê tông sạch sẽ; hàng cây xanh, cây hoa nối dài trên nhiều tuyến đường; nhà văn hóa xóm rộn rã tiếng reo hò, cổ vũ thể thao vào buổi chiều, tối. Những hình ảnh trên cho thấy, xây dựng NTM đã là “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tính đến hết năm 2024, huyện Phú Bình đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí huyện NTM nâng cao. Về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, 100% đường giao thông liên huyện, xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa; khoảng 99% đường trục xóm, ngõ xóm được cứng hóa; 19/19 xã có nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn theo quy định và có điểm vui chơi, giải trí được lắp đặt dụng cụ thể thao phục vụ cho người dân; đường truyền kết nối internet băng thông rộng phủ sóng đến 100% các xóm, tổ dân phố.

Huyện Phú Bình tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm chủ lực, nâng cao thu nhập người dân.

Cơ cấu kinh tế của huyện cũng chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, dần hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Kinh tế phát triển đã giúp đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng cải thiện. Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 2,13%, giảm 2,05% so với năm 2022.

Những kết quả trên là trái ngọt của sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân để dựng xây những miền quê đáng sống và cán đích huyện NTM nâng cao trong năm 2024. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phú Bình đề ra, đó là: Xây dựng Phú Bình cơ bản hoàn thành các tiêu chí của thị xã vào năm 2025 và trở thành thị xã trước năm 2030.

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Lê Thanh Sơn chia sẻ: Thời gian tới, cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, huyện sẽ tiếp tục huy động sức mạnh của toàn dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra, đưa huyện Phú Bình trở thành một trong những cực kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh Thái Nguyên.

Theo baothainguyen.vn