Thứ 3, 14/01/2025, 22:23[GMT+7]

Tuyên Quang: Sắc xuân nông thôn mới

Thứ 3, 14/01/2025 | 08:49:56
309 lượt xem
Sắc xuân đang lan tỏa khắp các vùng quê Tuyên Quang, mang đến một bức tranh nông thôn tươi mới. Từ chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo các vùng quê đã thay đổi rõ rệt, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao.

Hòa quyện ý Đảng, lòng dân

Trở lại xã Phúc Ứng (Sơn Dương) vào những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay của một vùng quê. Những tuyến đường đất liên thôn, liên xóm, đi lại khó khăn ngày nào, giờ được bê tông phẳng lì, rộng rãi. Người dân 2 bên đường tất bật dọn dẹp, cắt tỉa cây xanh, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị đón Tết cổ truyền.

Chị Lương Thị Quế, thôn Khuôn Thê, xã Phúc Ứng phấn khởi nói: “Mừng lắm, vì sau nhiều năm xây dựng, xã chúng tôi cũng đạt chuẩn NTM. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ NTM, không chỉ kết cấu hạ tầng, các công trình khác được đầu tư, xây dựng mà người dân còn được hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập”.

Phúc Ứng đón nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Lưu thông trên tuyến đường từ thôn Khuôn Thê qua thôn Phúc Hòa, hai bên đường đã rực rỡ sắc hoa. Ông Lê Đức Vân, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khuôn Thê bộc bạch: “Trước đây, tuyến đường này nắng bụi, mưa lầy. Với sự chung sức, đồng lòng của người dân, tuyến đường được mở rộng, trải bê tông, trồng cây xanh, lắp đặt đèn chiếu sáng, tạo mỹ quan xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Được biết, tuyến đường gần 2 km này vừa được mở rộng, đổ bê tông với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng. Trong đó, nhân dân thôn hiến trên 3.000 m2 đất, hoa màu, cây cối; đóng góp gần 100 triệu đồng. Tuyến đường hoàn thành đã tạo điều kiện cho người dân đi lại, giao thương buôn bán dễ dàng hơn.

Mùa xuân năm nay, niềm vui, hạnh phúc người dân Phúc Ứng như được nhân lên bởi với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của người dân, xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. 

Chủ tịch UBND xã Phúc Ứng Dương Xuân Tuấn chia sẻ: Công cuộc xây dựng NTM thổi luồng sinh khí mới đến khắp vùng quê, góp phần cải thiện đời sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 53 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 6,35%; tỷ lệ đường liên xã được nhựa hóa, bê tông đạt 100%. Xã đã huy động các nguồn lực được trên 202 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 21 tỷ đồng. Nhiều công trình phúc lợi xã hội in đậm dấu ấn của cộng đồng: Đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa  được nâng cấp, xây dựng khang trang, đáp ứng kịp thời việc chăm sóc sức khỏe, vui chơi, học tập của người dân.

No ấm những vùng quê

Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, bắt tay vào xây dựng NTM, xã Xuân Vân (Yên Sơn) gặp nhiều khó khăn. Bởi địa phương vốn là xã thuần nông, nguồn thu nhập chủ yếu nhờ sản xuất nông nghiệp; nhiều tiêu chí xây dựng NTM cần huy động nguồn lực, kinh phí thực hiện. Sau hơn 10 năm nỗ lực thực hiện, diện mạo nông thôn của Xuân Vân có nhiều khởi sắc, hạ tầng được đầu tư nâng cấp đồng bộ, mức sống của người dân được nâng cao.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Vân Lê Hồng Việt, điều cốt lõi trong chương trình xây dựng NTM của xã là ưu tiên phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Khi cuộc sống khấm khá, người dân tự nguyện cùng cấp ủy Đảng, chính quyền làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa,...

Tết này, gia đình ông Đỗ Khắc Thỏa, thôn Soi Hà, xã Xuân Vân vô cùng phấn khởi vì bưởi trúng mùa, được giá. Với hơn 3 ha sản xuất bưởi Soi Hà, lá nhăn, Diễn, gia đình thu hơn 90.000 quả, giá bán từ 10.000 đến 17.000 đồng, thu lãi trên 600 triệu đồng/năm. Cũng nhờ thu nhập từ bưởi mà gia đình ông xây dựng nhà cửa khang trang.

Xuân Vân được biết đến là nơi chuyên trồng bưởi, cam, hồng, na, đây là cây “giảm nghèo”, được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Toàn xã hiện có trên 1.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó bưởi 950 ha, hồng 26 ha, cam 88 ha, na 13 ha.

Trái bưởi, cam, hồng, na không chỉ mang lại đời sống sung túc cho nông dân mà còn giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động. Nếu như 10 năm về trước, hộ nghèo của xã chiếm trên 15%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt trên 35 triệu đồng/người/năm thì hiện nay còn 5,4%, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 48 triệu đồng/người/năm. 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, toàn tỉnh có 70/94 xã đạt chuẩn NTM; 14 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu có ít nhất 95 xã đạt chuẩn NTM.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, các địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Từ việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; huy động nguồn lực xã hội; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đến việc phát triển du lịch, mỗi địa phương đều có những cách làm riêng, nhưng đều hướng tới mục tiêu chung là đưa nông thôn Tuyên Quang ngày càng khởi sắc.    

Theo baotuyenquang.com.vn