Thứ 7, 15/02/2025, 08:54[GMT+7]

Vĩnh Phúc: Tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Thứ 6, 14/02/2025 | 16:01:50
283 lượt xem
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tỉnh đang nỗ lực tập trung thực hiện. Để hoàn thành cao nhất mục tiêu Chương trình xây dựng NTM theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và năm 2025 đề ra, các sở, ngành đang tích cực phối hợp với địa phương tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí.

Xã Liên Châu là địa phương đầu tiên của huyện Yên Lạc được tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Nguyễn Lượng

Được tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2023 đã tạo khí thế mới khích lệ người dân xã Hải Lựu (Sông Lô) hăng hái thi đua lao động sản xuất, nâng cao đời sống. Thực hiện Nghị quyết số 1287 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh, giai đoạn 2023 - 2025, xã Bạch Lưu đã được sáp nhập vào xã Hải Lựu thành xã Hải Lựu mới.

Với địa bàn rộng và quy mô dân số tăng, cấp ủy, chính quyền xã Hải Lựu mới đã và đang tiếp tục phát huy các thành quả và kinh nghiệm để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, tạo tiền đề xây dựng đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu trong thời gian tới, đưa miền quê này trở thành nơi đáng sống.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và chung tay, góp sức của người dân, đến nay, toàn tỉnh có 231 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, 34 thôn đạt chuẩn thôn thông minh; 37 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện Yên Lạc đã hoàn thành các tiêu chí huyện NTM nâng cao.

Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc nhất đối với các xã trên địa bàn tỉnh hiện nay là nguồn lực để duy trì đạt chuẩn NTM theo quy định giai đoạn 2021 - 2025 đối với các tiêu chí. Hiện, còn 17 xã chưa duy trì đạt chuẩn tiêu chí trường học; cơ sở vật chất văn hóa, nhất là các nhà văn hóa thôn chưa đảm bảo quy mô, diện tích theo quy định; nhà văn hóa thôn xây dựng từ giai đoạn trước đã xuống cấp, chưa được sửa chữa, nâng cấp. Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung còn thấp do phụ thuộc vào tiến độ triển khai các công trình, dự án.

Đối với các huyện Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch gặp khó khăn trong việc hoàn thành các chỉ tiêu như có công trình xử lý nước thải sinh hoạt áp dụng biện pháp chưa phù hợp; hệ thống thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu. Riêng huyện Tam Dương khó khăn trong việc lập và triển khai dự án nâng cấp Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện đảm bảo đạt chuẩn theo quy định...

Tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Chương trình MTQG về xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025 đề ra với mục tiêu xây dựng 39 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, 11 thôn đạt chuẩn thôn thông minh, 7 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 1 xã thông minh; huyện Bình Xuyên duy trì đạt chuẩn huyện NTM, đạt chuẩn 9/9 tiêu chí theo quy định của Bộ tiêu chí huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025, 2 thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên tiếp tục duy trì tối thiểu 80% số tiêu chí (4/5 tiêu chí) quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025; 2 huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện NTM, huyện NTM nâng cao theo quy định của Bộ tiêu chí huyện NTM, huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 sau khi được công nhận, nhiều giải pháp đã được tỉnh đề ra.

Xã Cao Phong (Sông Lô) đã và đang nâng cao chất lượng các tiêu chí, tạo tiền đề xây dựng đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh: Nguyễn Lượng

Đó là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền giải quyết các vấn đề còn bức xúc, tồn tại trong xây dựng NTM như cảnh quan môi trường, chất lượng môi trường sống, nước sạch nông thôn, an toàn thực phẩm, phát triển kinh tế nông thôn, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã…, gắn kết quả thực hiện xây dựng NTM với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân nông thôn; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua trong xây dựng NTM. Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đã được ban hành như hỗ trợ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã; hỗ trợ đầu tư, xây dựng nhà máy xử lý rác, nhà máy cung cấp nước sạch tập trung cho khu vực nông thôn...

Đồng thời rà soát, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình trong giai đoạn tiếp theo đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế theo hướng nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu NTM, đi vào chiều sâu và bền vững thông qua cơ chế, chính sách để phát huy, khuyến khích người dân và cộng đồng chủ động, tích cực đóng góp nguồn lực, tham gia thực hiện chương trình.

Tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện chương trình. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả; công khai, minh bạch trong sử dụng các nguồn lực thực hiện chương trình theo phương châm “Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”...

Theo baovinhphuc.com.vn