Thứ 2, 29/07/2024, 21:21[GMT+7]

Hà Giang: Trong năm 2016 có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Thứ 5, 05/01/2017 | 09:17:51
550 lượt xem
Trong năm 2016, tỉnh Hà Giang đã có thêm 5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có 01 xã thuộc huyện 30a, đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của Hà Giang đến cuối năm 2016 là 16 xã.

Đường giao thông liên thôn của huyện Yên Minh không ngừng được cứng hóa bằng bê tông.

 

Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có 6/11 huyện thành phố thuộc diện huyện nghèo được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Bên cạnh đó, Hà Giang còn là nơi cư  trú của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như: Mông, La Chí, Nùng, Pu Péo, Lô Lô, Sán Dìu, Hoa, Giấy…

 

Ở lẻ, manh mún nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao… Đây chính là một trở ngại lớn đối với Hà Giang khi bước vào triển khai xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bằng sự cố gắng của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, đến cuối năm 2015, toàn tỉnh Hà Giang đã có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 03 xã thuộc huyện 30a.

 

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2016, toàn tỉnh Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh các mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, trong năm 2016, tỉnh Hà Giang đã có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 01 xã thuộc huyện 30a. Đó là xã Khuôn Lùng huyện Xín Mần, xã Minh Ngọc huyện Bắc Mê, xã Bằng Lang và Xuân Giang huyện Quang Bình và xã Đồng Yên huyện Bắc Quang. Đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của Hà Giang đến cuối năm 2016 là 16 xã.

 

Theo thống kê của Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Giang, đến cuối năm 2016, các xã trên toàn tỉnh đã đạt được 1.518 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 8,6 tiêu chí; trong đó có 02 xã đạt được từ 15 – 18 tiêu chí; 22 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí; 133 xã đạt từ 5 – 9 tiêu chí và chỉ còn 03 xã đạt dưới 5 tiêu chí.


Để triển khai xây dựng thành công nông thôn mới, công việc khó khăn lớn nhất đối với tỉnh Hà Giang là công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Vì vậy, trong năm 2016, các cấp, các ngành và các huyện, thành phố trên địa bàn Hà Giang đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ cho các tổ chức và người nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất góp phần nâng cao thu nhập để ổn định cuộc sống. 

Trong năm 2016, ngành Nông nghiệp Hà Giang đã triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng Nông thôn mới và Chương trình phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo; triển khai chương trình tổ chức lại sản xuất cho người nông dân; áp dụng qui trình thực hành nông nghiệp tốt vào trong quá trình sản xuất; mở rộng chương trình cánh đồng mẫu lớn; đẩy mạnh sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu…Vì vậy, trong năm 2016, tổng diện tích cây trồng hàng năm của Hà Giang đã đạt trên 178.558 ha, sản lượng lương thực cây có hạt cả năm đạt 395.815 tấn, tăng trên 5.620 tấn so với năm 2015; giá trị thu nhập trên đơn vị đất canh tác cây hàng năm đạt 41,32 triệu đồng/ha. Trồng mới được trên 826 ha cam sành, đạt 236% so với kế hoạch; cấp chứng nhận cho 30 cơ sở sản xuất cam VietGAP với tổng diện tích trên 1.397 ha.

Về công tác phát triển chăn nuôi, tính đến cuối năm 2016, tổng đàn trâu của Hà Giang đạt trên 169.350 con, đàn bò đạt trên 104.100 con, đàn lợn đạt gần 530.700 con….

 

Cũng nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới, trong năm 2016, toàn tỉnh Hà Giang đã huy động được trên 412 tỷ đồng; người dân trong toàn tỉnh đã hiến được trên 504 nghìn mét vuông đất và đóng góp được trên 316 nghìn ngày công để xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương. Bên cạnh đó, trong năm 2016, toàn tỉnh Hà Giang đã mở mới được 331 km đường bê tông nông thôn; nâng cấp được trên 690 km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa được trên 25.000 km kênh mương; láng và bó nền nhà cho 1.997 hộ gia đình nghèo; xây dựng được trên 11.000 nhà tắm, nhà vệ sinh và bể nước sinh hoạt cho các hộ gia đình; triển khai xây dựng được 157 nhà văn hóa thôn bản…

 

Mặc dù còn là một tỉnh nghèo, thu nhập của người dân còn hạn chế, cuộc sống của đa số người dân còn gặp không ít khó khăn... nhưng những kết quả thu được trong quá trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2016 trên địa bàn tỉnh thực sự là một dấu ấn quan trọng, là niềm tự hào và cũng chính là động lực để giúp các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị của Hà Giang tiếp tục gặt hái những thành tựu mới trong những năm tiếp theo.

Theo dangcongsan.vn

 

  • Từ khóa