Thứ 3, 01/07/2025, 18:48[GMT+7]

Bắc Giang: Thêm nguồn lực cứng hóa kênh mương

Thứ 5, 28/11/2019 | 17:59:51
734 lượt xem
Việc kiên cố hóa kênh mương mang lại hiệu quả thiết thực đối với sản xuất nông nghiệp và là một tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh Bắc Giang đã quan tâm huy động nhiều nguồn lực đầu tư cứng hóa kênh mương.

Kênh N34 đã được thi công những hạng mục chính.

Gấp rút về đích 

Thời điểm này, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, hơn 40 cán bộ, công nhân của Công ty TNHH Phú Cát 88 đang khẩn trương hoàn thiện những hạng mục cuối công trình cải tạo nâng cấp kênh tưới N34 thuộc xã Ninh Sơn (Việt Yên). Công trình có tổng chiều dài 2,4km với kinh phí đầu tư hơn 5 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa.

Theo anh Lê Khánh Việt, cán bộ kỹ thuật đơn vị thi công, do công trình là cải tạo, nâng cấp từ kênh đất lên kiên cố do vậy việc bố trí, sắp xếp các hạng mục phải được tính toán kỹ lưỡng để vừa thi công vừa bảo đảm nước phục vụ sản xuất của người dân. Hiện nay, đơn vị đang tập trung máy xúc san lấp trả lại mặt bằng hai bên mép kênh và thực hiện một số hạng mục trên mặt kênh. Dự kiến trung tuần tháng 12 sẽ bàn giao công trình đưa vào sử dụng bảo đảm theo kế hoạch đã đề ra.

Cũng như công trình cải tạo nâng cấp kênh tưới N34, hiện nay cán bộ, công nhân Công ty cổ phần Xây dựng công trình thủy lợi và thương mại Thăng Long đang tập trung thi công 1,4 km thuộc dự án cải tạo nâng cấp kênh tưới trạm bơm Trúc Núi thuộc xã Tiên Sơn (Việt Yên). 

Do thời tiết thuận lợi, bảo đảm mặt bằng nên đơn vị đã thi công cơ bản xong các hạng mục chính và đang đi vào hoàn thiện, dự kiến đến đầu tháng 12 sẽ hoàn thành. Theo kế hoạch khi đưa vào sử dụng, tuyến kênh trên sẽ bảo đảm nước tưới cho 1.425 ha đất canh tác thuộc các xã: Tiên Sơn, Trung Sơn, Quảng Minh và Ninh Sơn.

Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT), gần đây bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh cứng hóa khoảng 60km kênh mương. Số lượng trên chủ yếu được thực hiện theo nguồn vốn hỗ trợ bảo vệ đất lúa và các chương trình lồng ghép xây dựng nông thôn mới. Đến nay, nhìn chung các địa phương đã triển khai cứng hóa kênh mương bảo đảm tiến độ và kế hoạch đề ra.

Cùng với triển khai cứng hóa, hiện nay các địa phương trong tỉnh cũng đang xây dựng kế hoạch cho việc nạo vét kênh mương nội đồng vào cuối tháng 12 để chuẩn bị sẵn sàng cho vụ mới.

Lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ

Xác định kiên cố hóa kênh mương là chủ trương đúng, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, đồng thời góp phần hoàn thành các chỉ tiêu trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, được sự quan tâm của T.Ư, tỉnh, các công trình công cộng, phúc lợi xã hội được xây dựng, đặc biệt là hệ thống kênh mương phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đã đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của bà con. 

Chỉ tính 3 năm trở lại đây, tỉnh đã lồng ghép chương trình từ các nguồn vốn: T.Ư, sự nghiệp ngân sách tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với số tiền 225,75 tỷ đồng để thực hiện đầu tư sửa chữa, cải tạo 31 công trình, 132 km kênh mương xuống cấp, thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế các công trình thủy lợi nói chung và hệ thống kênh mương nói riêng vẫn còn xuống cấp và có nguy cơ gây ảnh hưởng tới việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định thành lập đoàn công tác rà soát tổng thể các công trình thủy lợi trên địa bàn. 

Theo đó, có hơn 3,5 nghìn km kênh tưới và hơn 1,4 nghìn km kênh tiêu là kênh đất đã bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng do lòng kênh bị bồi lấp, mái trong và mái ngoài bờ kênh thường xuyên bị sạt trượt dẫn đến tổn thất nguồn nước tưới và chậm thời gian tiêu úng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của người dân. Từ thực tế trên Sở Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất với UBND tỉnh kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công trình thủy lợi trên địa bàn giai đoạn 2021-2015. Trong đó, ưu tiên các trục kênh tưới, tiêu bị xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Phạm Văn Đưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, trên cơ sở kế hoạch đề xuất với UBND tỉnh, thời gian tới đơn vị tiếp tục tăng cường kiểm tra, đánh giá, rà soát thực trạng hệ thống thủy lợi nói chung và mạng lưới kênh mương nói riêng. Xây dựng kế hoạch phân kỳ theo thứ tự ưu tiên, đặc biệt đối với các hạng mục xuống cấp, hư hỏng nặng.

Được biết, để tiếp tục đẩy mạnh phong trào kiên cố hoá kênh mương phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả, cùng với nguồn ngân sách địa phương, tỉnh rất cần sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn T.Ư như: Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA... 

Các địa phương trong tỉnh cũng cần chủ động kết hợp lồng ghép, sử dụng có hiệu quả vốn của các chương trình mục tiêu, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững… để ưu tiên, tạo bước đột phá trong quá trình phát triển thủy lợi nhỏ và kiên cố hóa kênh mương.

Cùng đó, hằng năm, các huyện, TP đều phát động phong trào làm thủy lợi nội đồng, người dân đóng góp ngày công, tiền của cứng hóa kênh, nạo vét dòng chảy. Nhờ vậy, những tuyến kênh cứng ngày càng được nối dài, rút ngắn thời gian đưa nước về đồng.

Theo baobacgiang.com.vn

  • Từ khóa