Thứ 2, 20/05/2024, 20:56[GMT+7]

Bắc Cạn: Giúp xã nghèo xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 22/04/2019 | 15:19:09
742 lượt xem
Tỉnh Bắc Cạn có 59 trên tổng số 122 xã, phường, thị trấn thuộc diện khó khăn và đặc biệt khó khăn. Việc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở những xã này ì ạch bởi thiếu cả nguồn lực và cán bộ có trình độ. Với phương châm “giúp xã là giúp tỉnh”, năm 2016, Tỉnh ủy Bắc Cạn đã chỉ đạo, phân công các đơn vị cấp sở, ngành giúp đỡ xã khó khăn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020.

Cán bộ Tỉnh đoàn giúp Trường tiểu học xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới (Bắc Cạn) đổ bê-tông sân trường.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Cạn Trần Thị Lộc cho biết, có 68 đơn vị được phân công giúp đỡ 59 xã bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó, hướng dẫn là chủ yếu, hỗ trợ vật chất là quan trọng, để huy động đóng góp của tập thể, cá nhân, chung sức xây dựng NTM. Mỗi đơn vị với lợi thế của mình sẽ cụ thể hóa thành việc làm thiết thực, phù hợp thực tiễn địa bàn được phân công giúp đỡ.

Quảng Chu là xã khó khăn của huyện Chợ Mới, kết cấu hạ tầng còn thiếu, cản trở phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 31%. Chủ tịch UBND xã Lê Phúc Lâu chia sẻ: “Bước vào xây dựng NTM, tập thể lãnh đạo xã ban đầu có nhiều lúng túng. Tuy nhiên, chúng tôi đã được Tỉnh đoàn giúp đỡ tích cực, như hỗ trợ xây bốn cây cầu dân sinh (mỗi cầu trị giá 30 triệu đồng), cán bộ Tỉnh đoàn cùng tập thể lãnh đạo xã xây dựng kế hoạch, tìm giải pháp xây dựng NTM. Tỉnh đoàn còn giúp thành lập Hợp tác xã 26-3, chuyên canh chè, nuôi trâu, nuôi cá…, tạo việc làm ổn định cho thanh niên”.

Được phân công giúp đỡ xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, lãnh đạo Sở Công thương đã trực tiếp xuống xã để trao đổi, nắm tình hình, tiếp thu ý kiến người dân. Nhận thấy xã có sản phẩm măng khô chất lượng tốt nhưng thị trường tiêu thụ hẹp, Sở quyết định đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, giúp người dân phát triển sản phẩm này. Sở hỗ trợ Hợp tác xã Cao Phong xây dựng nhãn mác, bao bì sản phẩm “Măng khô Mẩy Puốc Xuân Lạc”; hướng dẫn phát triển vùng nguyên liệu, quy trình thu hái, chế biến, bảo quản. Đồng thời, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tích cực đưa sản phẩm đi quảng bá trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, sản phẩm măng khô Mẩy Puốc Xuân Lạc đã được bán ra các tỉnh khác.. Xã phát triển được hơn 300 ha cây mai lấy măng ở bảy trong tổng số 14 thôn. Năng suất măng đạt 40 tạ/ha; mỗi năm toàn xã thu hơn một nghìn tấn măng tươi, chế biến được khoảng 87 tấn măng khô; với giá thành trung bình 120 nghìn đồng/kg, cho thu nhập một năm khoảng 10 tỷ đồng.

Để giúp xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Lường Đức Thắng cho biết, cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy tổ chức tuyên truyền tới người dân trong xã về mục tiêu, nội dung, cách thức xây dựng NTM, đóng góp ủng hộ xã một máy trộn bê-tông trị giá hơn 10 triệu đồng. Công đoàn văn phòng phối hợp Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh quyên góp, ủng hộ 80 triệu đồng để mua nguyên vật liệu đổ bê-tông đường thôn Nà Bưa; 75 triệu đồng hỗ trợ xây dựng ba nhà “Đại đoàn kết”. Đại diện lãnh đạo tỉnh và các cán bộ văn phòng xuống xã trực tiếp lao động, đổ bê-tông cùng người dân. Phó Bí thư Đảng ủy xã Thượng Ân Doanh Thiêm Duy cho biết, đường Nà Bưa hoàn thành đáp ứng mong mỏi lâu nay của người dân trong xã, chấm dứt cảnh đường nhỏ, hẹp, lầy lội, người dân đi lại thuận lợi, yên tâm phát triển kinh tế.

Việc giúp đỡ xây dựng NTM ở các xã khó khăn đạt hai mục đích: Địa phương được hướng dẫn, hỗ trợ về vật chất và tinh thần; cán bộ các sở, ngành có điều kiện gần gũi với người dân, cọ xát thực tiễn, tiếp thu được nhiều phản hồi quý báu và nâng cao trách nhiệm hơn. Thí dụ, sau một năm hỗ trợ xã làm đường giao thông, các sở, ngành qua tổng hợp ý kiến từ các xã thấy rằng đối với thôn, bản vùng cao, không nhất thiết phải làm đường bê-tông cứng, rộng 3 m như quy định trong bộ tiêu chí. Từ đó, các sở, ngành đã tham mưu tỉnh kiến nghị Trung ương điều chỉnh tiêu chí “cứng” thành “mềm”. Theo đó, tùy điều kiện địa hình, năng lực mà tiến hành đổ bê-tông chiều rộng linh hoạt, phù hợp với các tỉnh miền núi, giúp việc xây dựng giao thông nông thôn thuận lợi hẳn lên. Việc từng đồng chí lãnh đạo, cán bộ trực tiếp lao động cũng góp phần thay đổi cách nhìn của người dân đối với đội ngũ cán bộ tỉnh.

Theo đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các đơn vị được phân công giúp đỡ đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, giúp công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu, đồng thời đôn đốc các xã khẩn trương thực hiện tiêu chí NTM theo lộ trình kế hoạch. Từ năm 2017 đến 2018, các sở, ngành của tỉnh đã giúp đỡ bê-tông hóa gần 5.600 m đường thôn, liên thôn, xây dựng chín nhà văn hóa thôn, hai nhà tình nghĩa, năm cây cầu dân sinh…, với tổng trị giá gần 14 tỷ đồng. Nhiều đơn vị tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng, sản xuất gừng, nghệ, vỗ béo trâu, bò, thành lập tổ hợp tác, chuyển giao khoa học - kỹ thuật… Nhờ đó, bình quân mỗi xã đạt 10,9 tiêu chí NTM. Năm 2019, dự kiến có thêm 6 xã “cán đích”, nâng tổng số xã trong toàn tỉnh đạt chuẩn NTM là 15 xã.

Đồng chí Trần Thị Lộc, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết thêm, trong quá trình thực hiện, nhiều sở, ngành còn nặng về hỗ trợ vật chất mà chưa có nhiều định hướng phù hợp; một số xã dựa vào việc được sở, ngành giúp đỡ sẽ xin được nhiều vốn để triển khai, cho nên chưa phát huy tinh thần tự lực. Do đó, tỉnh chỉ đạo, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị và các xã cần tập trung xác định rõ thực trạng, nguyên nhân những tiêu chí chưa hoàn thành để việc giúp đỡ có hiệu quả. Đồng thời, xem xét các xã yếu tiêu chí nào thì bố trí sở, ngành liên quan giúp đỡ xã đó. Các đơn vị được phân công giúp đỡ chú trọng định hướng sản xuất bảo đảm phát triển kinh tế bền vững cho xã, hướng dẫn giúp thay đổi tư duy, nhận thức của người dân. Cùng với đó, tăng cường trách nhiệm, tạo chuyển biến tích cực trong hành động của mỗi tổ chức, cá nhân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chương trình xây dựng NTM.

Theo nhandan.com.vn