Thứ 6, 10/05/2024, 13:32[GMT+7]

Cuộc chuyển mình lịch sử

Thứ 7, 27/04/2019 | 10:28:07
659 lượt xem
Từ những xã vùng biên đò ngang cách trở, sau gần một thập kỷ xây dựng cuộc sống mới ở khu tái định cư (TĐC), người dân Hương Quang, Hương Điền đã biến “sỏi đá thành cơm”...

Nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập bạc trăm, bạc tỷ đã hình thành ở Hương Quang, Hương Điền

Suốt 5 thập kỷ (1960 - 2010) vượt gần 100 cây số ngược ngàn khai khẩn, 345 nóc nhà với 1.348 nhân khẩu thuộc 2 xã Hương Quang và Hương Điền, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) vẫn mãi luẩn quẩn trong vòng xoáy “nhà tranh vách đất”. Nhưng bây giờ - sau gần 10 năm di dời đến vùng đất mới, nhường lòng hồ cho nhà nước xây dựng “đại” công trình thủy lợi trọng điểm quốc gia Ngàn Trươi - Cẩm Trang, đời sống người dân nơi đây đã “một bước lên mây”.  

Cuộc di dân lịch sử

Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang với tổng mức đầu tư 9.165,6 tỷ đồng, gồm 3 hợp phần: Công trình đầu mối hồ chứa nước Ngàn Trươi; hệ thống kênh dẫn và di dời - tái định cư. Đại công trình này được xây dựng trên dòng sông Ngàn Trươi, với tổng diện tích lưu vực 408km2; dung tích chứa 932,7 triệu m3. Đây là hồ chứa lớn thứ 3 trong cả nước, chỉ sau hồ Dầu Tiếng và hồ Cửa Đạt.

Trước năm 2010, người dân muốn đi làm, đi sản xuất phải qua “ba khe, bảy suối”, hiểm nguy rình rập 

Sứ mệnh của công trình là cung cấp nước tưới cho hơn 32.000ha đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của 8 huyện, thị xã; kết hợp phát điện công suất 15MW; cấp nước sinh hoạt, đặc biệt là giảm lũ cho vùng hạ du các huyện Hương Khê, Vũ Quang và Đức Thọ. Theo báo cáo của Chủ đầu tư, sau gần 10 năm kể từ ngày khởi công, đến nay, công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Tầm quan trọng của dự án thì không còn phải bàn. Tuy nhiên, để “khai sinh” được một hồ chứa thủy lợi có một không hai ở khu vực Bắc Trung bộ, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chủ đầu tư, nhà thầu… thì vai trò đóng góp của người dân hai xã vùng lòng hồ (Hương Quang, Hương Điền) cũng hết sức quan trọng.

Những năm 1960 - 1961, hàng chục hộ dân rời mảnh đất quê hương huyện Đức Thọ, Hương Sơn ngược ngàn khai khẩn khu vực thượng nguồn dòng sông Ngàn Trươi, hình thành nên 2 xã Hương Quang và Hương Điền. Qua thời gian, mấy chục hộ dân sinh con, đẻ cái, gia tăng dân số xã Hương Quang lên 508 hộ; Hương Điền 335 hộ. Lúc bấy giờ, vùng đất này như một “ốc đảo” giữa đại ngàn biên giới. Mỗi lần người dân ra thị trấn, đi sản xuất, con em đi học… muốn về nhà phải vượt qua ba khe, bảy suối, “thủy thần” rình rập dưới chân. Đó là những “cửa tử” vực Thành, vực Cơn Da, thác Cơn Ổi, thác Làng, thác Lò Rèn... Đặc biệt, đời sống của bà con chỉ nhìn vào rừng rú và sản xuất cây màu ngắn ngày nên tỷ lệ hộ nghèo ở Hương Quang, Hương Điền có những năm chiếm đến gần 1/2 dân số toàn xã.

Sau khi Nhà nước có chủ trương vận động người dân di dời đến khu tái định cư (TĐC) nhường đất cho dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (năm 2007), đại bộ phận bà con ủng hộ. Tất nhiên, cũng có một số trường hợp lo ngại đến vùng đất mới “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”.

Hơn 2 năm sau, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, 305 hộ dân của xã Hương Quang và 195 hộ thuộc xã Hương Điền đăng ký di dân tự do; số còn lại (205 hộ của xã Hương Quang) được di dời, TĐC đến vùng đất Hói Trung, xã Hương Thọ; 140 hộ của xã Hương Điền di dời, TĐC đến Khe Ná, xã Sơn Thọ. 

Nhưng bây giờ, đường bê tông rải đến tận ngõ 

Quả ngọt vùng biên

9 năm sau, kể từ ngày hai dãy núi Hói Trung và Khe Ná được san phẳng phục vụ cuộc di dân lịch sử, chúng tôi trở lại các khu TĐC và thực sự ngạc nhiên trước tốc độ phát triển, diện mạo khang trang của Hương Quang và Hương Điền. Những bãi đất đỏ trống huơ trống hoác năm xưa nay đã được xây dựng nhà cửa kiên cố; trên đồi bạt ngàn cây ăn quả có múi, keo tràm; dưới ao hàng tấn cá đang chờ ngày gia chủ kéo lưới, xuất bán…

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cùng các đoàn thể hỗ trợ người dân vùng lòng hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang di dời đến khu TĐC 

Ông Hà Văn Yên, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hương Quang cho biết, năm 2014, sau khi công tác di dời dân, TĐC ổn định hoàn toàn, xã Hương Quang bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM). Lợi thế của địa phương là các công trình xây dựng cơ bản đã được nhà nước đầu tư. Tiêu chí khó nhất để đạt chuẩn NTM là thu nhập. Lúc bấy giờ, bình quân thu nhập đầu người mới chỉ đạt 10 triệu đồng/người/năm nhưng đến hôm nay đã tăng lên 33,3 triệu đồng/người/năm.

“Sở dĩ, đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trên phần lớn là do yếu tố nhận thức con người. Thời kỳ ở vùng đất cũ, bà con sản xuất theo kiểu “ăn xổi ở thì”, khi di dời đến khu TĐC, họ đã biết chuyển sang trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn, tập trung”, ông Yên nhấn mạnh.

Hương Quang bây giờ đã có hơn 400ha keo, 81ha cam chanh, cam bù và 7ha ổi Đài Loan. Trong đó, 4,2ha cam và 7ha ổi bắt đầu cho thu hoạch, riêng cây cam, bình quân thu nhập mỗi vụ đạt trên dưới 250 triệu đồng/ha. Đối với chăn nuôi, 500 đàn ong lấy mật mỗi năm tính sơ sơ đưa về hơn 700 triệu đồng cho các hộ dân; ngoài ra không ít mô hình chăn nuôi lợn, bò quy mô lớn cũng được đầu tư, phát triển hiệu quả … Đặc biệt, toàn xã đã có 40 người đi lao động ở Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, một tín hiệu tích cực mà trước khi TĐC hoàn toàn không có, góp phần giúp địa phương hoàn thành tiêu chí thu nhập, đạt chuẩn NTM vào năm 2018, trước lộ trình một năm.

Từ những xã vùng biên đò ngang cách trở, sau gần một thập kỷ xây dựng cuộc sống mới ở khu TĐC, người dân Hương Quang, Hương Điền đã biến “sỏi đá thành cơm”, xây dựng địa phương thành những xã NTM không thua kém các xã giàu nguồn lực ở miền xuôi của huyện Vũ Quang nói riêng, tỉnh Hà Tĩnh nói chung. 

Theo nongnghiep.vn