Thứ 5, 02/05/2024, 22:05[GMT+7]

Đông Hưng: “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai

Thứ 4, 29/05/2019 | 09:43:29
1,492 lượt xem
Để chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, làm tốt công tác tìm kiếm cứu nạn, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản cho nhân dân, huyện Đông Hưng thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) theo phương châm “4 tại chỗ”.

Khơi thông dòng chảy bảo đảm tiêu thoát nước trong mùa mưa bão.

Năm nay, công tác PCTT và TKCN của huyện Đông Hưng gặp nhiều khó khăn. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết ngày càng có những diễn biến bất thường, khó lường. Năm 2019, do tác động của hiện tượng El Nino, dự báo số lượng cơn bão ít hơn nhưng cường độ mạnh và dị thường hơn, số lượng trận mưa lớn không nhiều nhưng sẽ khốc liệt hơn năm 2018. Trong khi đó, hệ thống đê, kè, cống trên địa bàn huyện xây dựng đã lâu, nhiều công trình đã xuống cấp, khó có thể chống đỡ với những trận bão to, gió lớn kết hợp triều cường. Một số đoạn đê qua các xã Đông Huy, Đông Á, Đông Lĩnh, Đông Hoàng chưa thi công xong. Nhiều trường hợp xây dựng nhà cửa, làm hàng quán, làm cẩu tải, chất vật liệu lên bãi, đỉnh kè mái đê và vi phạm các quy định bảo vệ công trình thủy lợi mặc dù chính quyền huyện và các địa phương đã nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn vi phạm. Thêm vào đó, hệ thống các công trình điều tiết nước những năm qua đã bàn giao cho các xã quản lý không có kinh phí bảo dưỡng, tu sửa nên nhiều công trình hiện không hoạt động được, không chủ động đóng, mở điều tiết nước khi cần thiết. Một số điếm canh đê xây dựng từ lâu đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Trước thực trạng trên, mùa mưa bão năm nay huyện Đông Hưng chỉ đạo quyết liệt công tác PCTT và TKCN; chủ động xây dựng các phương án cụ thể ứng phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra; huy động cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc tham gia PCTT và TKCN. 

Ông Hoàng Đức Kiếm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Cấp ủy, chính quyền từ huyện tới cơ sở đã tổ chức quán triệt sâu sắc đến cán bộ và các tầng lớp nhân dân nắm vững phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng, chỉ huy, phương tiện, hậu cần) để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, có hiệu quả khi có thiên tai. Chuẩn bị sớm và đầy đủ mọi mặt, nhất là về lực lượng, vật tư dự trữ cho công tác PCTT và TKCN, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Ngoài vật tư dự trữ hiện có trên địa bàn, các xã huy động vật tư trong nhân dân, kể cả vật tư của doanh nghiệp, cơ quan đóng trên địa bàn nếu có thiên tai xảy ra. Kiên quyết giữ vững hệ thống đê sông ở mức nước lũ thiết kế, hệ thống đê cửa sông bảo đảm ứng phó với bão cấp 10, triều cường trung bình. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng phương án, tổ chức ký cam kết với các hộ nuôi trồng thủy sản ngoài đê chính sơ tán người khi có bão, lũ xảy ra, bố trí lực lượng tuần tra, canh gác đê theo cấp báo động...

Đến nay, Đông Hưng đã trồng tre chắn sóng ở khu vực ven đê, cứng hóa 11km mặt đê, rải đá cấp phối 10,4km, rải đá láng nhựa 1km đê. Tổ chức lực lượng phát quang mái đê tả sông Trà Lý qua địa bàn, giải tỏa nhiều vi phạm làm hàng rào và trồng cây trong phạm vi hành lang bảo vệ đê, giúp mái đê thông thoáng. Tổ chức thu dỡ và cưỡng chế 132 hộ vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi. Toàn huyện đã chuẩn bị gần 5.000m3 đá hộc, 44.137 bao nilon, 200 rọ thép, 100,8m3 đá dăm, 1.382,5m2 vải lọc, 10 bộ nhà bạt, 5.300m3 đất dự trữ. Các ngành, các địa phương trong huyện khẩn trương chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện theo kế hoạch của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện; lựa chọn hàng nghìn người có đủ sức khỏe, hiểu biết về sông nước, có kinh nghiệm trong công tác PCTT và TKCN vào lực lượng hộ đê. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện cùng Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức lực lượng thường xuyên ra quân thu dỡ các vật cản, giải tỏa các điểm lấn chiếm dòng chảy, vi phạm các quy định bảo vệ các công trình thủy lợi. Hạt Quản lý đê điều phối hợp với chính quyền các địa phương kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về bảo vệ đê điều, các công trình thủy lợi; tiến hành sửa chữa kịp thời bờ vùng, bờ thửa, trạm bơm, cống đập, nạo vét các sông trục, sông dẫn phục vụ điều tiết nước bảo vệ sản xuất.

Ông Nguyễn Tiến Lộng, Chủ tịch UBND xã Hoa Nam cho biết: Hoa Nam có 2,2km đê, hiện mặt đê đang bị hư hỏng nặng. Để ứng phó với thiên tai, xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN, xây dựng và triển khai phương án PCTT và TKCN tới toàn thể cán bộ, nhân dân. Huy động các nguồn lực để gia cố mặt đê. Lựa chọn 300 người vào lực lượng hộ đê; chuẩn bị 500 cây tre, luồng, 200 bao tải, 150 bó rào chắn sóng, 150 bó đuốc và rơm, đá hộc, đá dăm, cát vàng, phương tiện, dụng cụ theo đúng quy định. Giao mỗi hộ dân chuẩn bị bao tải, bạt, gạo, muối, đèn pin, thực phẩm khô sẵn sàng ứng cứu đê khi có lệnh. Phối hợp với Hạt Quản lý đê điều kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi. Tổ chức ra quân giải tỏa dòng chảy trên các sông trục chạy qua địa bàn xã bảo đảm thông thoáng để tiêu thoát nước kịp thời.

Với sự chỉ đạo tích cực của cấp ủy, chính quyền huyện, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm trong PCTT và TKCN cho nhân dân, chủ động xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”, Đông Hưng sẽ chủ động phòng tránh, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.


Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày