Thứ 6, 03/05/2024, 06:00[GMT+7]

Chủ động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Thứ 6, 12/07/2019 | 08:39:11
804 lượt xem
Theo dự báo, năm 2019 tiếp tục là năm thiên tai có nhiều diễn biến phức tạp, bất thường. Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão năm nay, thành phố Thái Bình đã và đang tập trung chuẩn bị các phương án cụ thể với phương châm “4 tại chỗ”.

Trạm bơm Sa Lung (phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình) đáp ứng tốt việc tiêu thoát nước.

Trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN), thành phố luôn xác định và coi công tác phòng là chính, chống phải tích cực ngay từ giờ đầu, ngày đầu. Vì vậy, UBND thành phố chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, các xã, phường nêu cao tinh thần chủ động phòng ngừa; tổ chức rà soát số lượng, phương tiện hiện có nhằm bảo đảm kịp thời cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và nguyên tắc phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương. Củng cố, kiện toàn và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố, các phòng, ban, các xã, phường để thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ PCTT và TKCN. Tổ chức diễn tập ứng cứu tai nạn, sự cố và TKCN tại các địa bàn trọng điểm xảy ra thiên tai. Lập kế hoạch đầu tư, mua sắm các phương tiện, trang thiết bị thông dụng và chuyên dụng cho các đơn vị chuyên trách, các địa phương để thực hiện nhiệm vụ khi xảy ra thiên tai. Phòng Kinh tế phối hợp với Hạt Quản lý đê điều thành phố, UBND các xã, phường, các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra chất lượng đê, kè, cống và các công trình phục vụ công tác PCTT và TKCN, xác định rõ các khu vực trọng điểm, xung yếu cần bảo vệ, các công trình có nguy cơ mất an toàn như kè Vũ Đông 1, kè Nhân Thanh, kè Sa Cát. Các xã, phường thành lập đội xung kích PCTT và TKCN từ 100 - 120 người để canh giữ đê gắn với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đê, kè, vận hành đóng mở cống kịp thời; tuyên truyền, vận động các hộ dân ở những vị trí có nguy cơ sạt lở chủ động di dời.

Thành phố xác định nhiệm vụ quan trọng nhất sau khi bão đổ bộ là ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; khắc phục nhanh hậu quả và hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Theo đó, trong và sau khi xảy ra thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố phân công các thành viên khẩn trương xuống địa bàn đã được phân công, phối hợp và chỉ đạo các địa phương ứng phó với mưa bão, úng ngập, thiên tai theo phương án đã được xây dựng như khắc phục hệ thống điện lưới, giải tỏa cây đổ trên các tuyến đường, tuyến phố, vệ sinh môi trường. Điện, nước cũng cần được nhanh chóng cấp lại; khống chế dịch bệnh phát sinh và triển khai giúp đỡ những khu vực, những gia đình bị thiệt hại nặng, đặc biệt là gia đình chính sách, hộ neo đơn, khó khăn; nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất.

Phường Hoàng Diệu là một trong những địa bàn xung yếu với tuyến đê dài 5,7km nên rất dễ bị thiệt hại nặng do mưa, lũ tràn đê. Để hạn chế thiệt hại xuống mức thấp nhất do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN phường đã xác định các khu vực trọng điểm có thể bị ảnh hưởng cao. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá, theo dõi, quản lý các công trình đê, kè, cống và hệ thống tiêu úng trước mùa mưa bão. 

Chủ tịch UBND phường Trương Văn Luyến cho biết: Ngay từ đầu tháng 5, UBND phường đã xây dựng và triển khai kế hoạch PCTT và TKCN trên địa bàn nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động đề phòng và sẵn sàng ứng phó kịp thời với bão, lũ, bảo vệ an toàn tính mạng con người, các công trình phúc lợi, tài sản, hoa màu của nhân dân trong mùa mưa bão. Xây dựng phương án hộ đê, phương án di dân vùng ngập lụt, tổ chức lực lượng canh đê 24/24 giờ trong các đợt mưa bão. Tổ chức lực lượng phát quang cây cỏ, vệ sinh trên toàn tuyến đê, quét vôi, kẻ vẽ khẩu hiệu tuyên truyền và làm vệ sinh các điểm gác nước. Hướng dẫn nhân dân chủ động PCTT, bố trí kinh phí đầu tư các trang thiết bị, cơ sở vật chất bảo đảm đúng theo yêu cầu. Phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố thường xuyên kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về đê điều, công trình thủy lợi. Thành lập đội xung kích gồm 150 người, tiếp vận 120 người, cừ sách 60 người, y tế 3 người, giao thông hỏa tốc 3 người; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện cần thiết phục vụ tốt cho công tác PCTT như: áo phao, phao cứu sinh, máy phát điện, xe tải và các phương tiện cần thiết khác. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể, từng thành viên trong ban chỉ huy, sẵn sàng ứng phó với bão, lũ, bảo vệ an toàn tính mạng người dân, tài sản của nhà nước và nhân dân.

Hàng năm, xã Hồng Tiến (Kiến Xương) chủ động gia cố những đoạn đê xung yếu, bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.

* Với mục tiêu chuẩn bị sớm và đầy đủ mọi mặt cho công tác PCTT và TKCN, chống mọi biểu hiện chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, đến nay, huyện Kiến Xương đã xây dựng kế hoạch, phương án PCTT và TKCN năm 2019 cụ thể, sát tình hình thực tế của từng địa phương.

Xã Hồng Tiến được xác định là một trong những vùng trọng điểm, xung yếu trong phòng, chống lụt, bão của huyện, đến nay xã đã hoàn tất việc giao chỉ tiêu chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” cho các ban, ngành, đoàn thể, các thôn. Toàn xã đã chuẩn bị đủ 5.000 bao tải, 1.500 cây tre đã đánh dấu, 60 cuốc, xẻng, 12 thuyền, 6 xe tải và 120 người trong lực lượng xung kích. 

Theo ông Phạm Quang Hiệu, Chủ tịch UBND xã, ngoài việc chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhân lực theo phương châm phòng là chính, công tác hậu cần tại chỗ cũng đã sẵn sàng. Đến nay, từng tổ chức, cá nhân đều được phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể. Trong trường hợp cần thiết phải di dân, Hồng Tiến cũng đã sẵn sàng bởi xã đã có phương án và thống kê số dân, chuẩn bị phương tiện, nơi ở đầy đủ cho mọi tình huống có thể xảy ra.

Tại xã Bình Thanh - nơi đê Hồng Hà II còn nhiều trọng điểm xung yếu, công tác chuẩn bị để ứng phó với bão, lũ cũng đã được tiến hành chu đáo. 

Ông Đỗ Văn Phụ, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đến thời điểm này, xã đã tổ chức hội nghị triển khai công tác PCTT và TKCN năm 2019 tới các ban, ngành, đoàn thể với tinh thần chủ động và kịp thời trên cơ sở phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư theo phương châm “4 tại chỗ”. Hàng năm, xã đều đầu tư nguồn ngân sách tương đối lớn để tu bổ đê điều, thực hiện phương châm phòng là chính. Từ cuối năm 2018, ngoài việc đầu tư 130 triệu đồng để nâng cấp đê bối ven trục sông Hồng, đến nay xã còn chuẩn bị cát đen, đất, đánh dấu 1.000 cây tre, chuẩn bị 1.000 bao tải và ký hợp đồng với các đại lý, các doanh nghiệp, chủ sử dụng đất sẵn sàng đáp ứng về phương tiện, máy móc, vật tư khi có sự cố xảy ra. Địa phương cũng sẵn sàng phương án sơ tán người già, phụ nữ, trẻ em ở vùng nuôi trồng thủy sản vào khu vực đê chính khi có báo động 3 đồng thời phân công cụ thể lực lượng hộ đê, tuần tra bảo vệ đê...

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương cho biết: Trong tháng 4, UBND huyện đã họp đánh giá công trình đê điều, thủy lợi trước mùa lũ, bão năm 2019, phân loại trọng điểm xung yếu đê, kè, cống; giao chỉ tiêu chuẩn bị và đóng góp vật tư cho công tác PCTT... Theo đó, ở mỗi điểm xung yếu đều đã lập phương án cứu hộ đê tùy theo quy mô, kích thước của từng trọng điểm và chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng khi có sự cố xảy ra, xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu. Cụ thể, mỗi trọng điểm xung yếu sẽ chuẩn bị 2.000m3 đất dự trữ, 20.000 bao tải, 1.000 bó rào, cành cây và 1.000 cây tre. Các xã có phương án bảo vệ trọng điểm đều phải tổ chức lực lượng hộ đê, chuẩn bị đủ vật tư, phương tiện trước ngày 15/6. Huy động mọi nguồn lực của địa phương chủ động xử lý những sự cố đê điều, thủy lợi phát sinh đột xuất trước, trong mùa lũ, bão và tu bổ thêm các hạng mục cần thiết khác nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự cố có thể xảy ra. Ngoài số vật tư dự trữ của nhà nước hiện có trên địa bàn, huyện yêu cầu các xã có kế hoạch huy động vật tư trong nhân dân, bảo đảm đủ cơ số cần thiết khi cần huy động.

Với mục tiêu chủ động giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, qua kiểm tra cho thấy các địa phương trên địa bàn huyện Kiến Xương, nhất là những vùng được xác định là trọng điểm đều đã có sự chuẩn bị chu đáo, không để xảy ra tình trạng bị động, bất ngờ trước mọi diễn biến của bão, lũ.


Minh Nguyệt - Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày