Chủ nhật, 04/08/2024, 07:19[GMT+7]

“Nghề viết” gắn kết gia đình ba thế hệ

Thứ 3, 30/06/2020 | 18:50:45
1,557 lượt xem

Bác Đặng Văn Cao và cháu nội đọc Báo Thái Bình.

Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, ít có gia đình nào còn đọc báo giấy và truyền tay nhau những tờ báo. Vậy mà, gia đình ông Đặng Văn Cao, tổ 10, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình) vẫn còn gìn giữ được nếp sống ấy. Hễ có dịp được quây quần, tụ họp, các thành viên trong gia đình lại cùng nhau trò chuyện rôm rả về những bài viết của mình được đăng trên báo hay chia sẻ về những ý tưởng mới. Bởi thế mà niềm vui, tiếng cười của con cháu đều xoay quanh câu chuyện viết báo.

Ở tuổi 81, mặc dù đôi mắt đã mờ, đôi tay đã run nhưng ông Đặng Văn Cao vẫn cần mẫn và say mê với nghề viết. Có lẽ vì thế mà gần 20 năm qua, trên mỗi chặng đường, chuyến công tác của Hội Khuyến học Thái Bình, tài sản ông trân trọng nhất chính là chiếc máy ảnh du lịch nhỏ gọn. 

Ông Đặng Văn Cao chia sẻ: Đi đến đâu tôi cũng chụp ảnh, vừa làm tư liệu vừa để viết bài. Bài viết đầu tiên tôi viết và được đăng Báo Thái Bình vào năm 2002. Lúc ấy, tôi đã nghỉ hưu và làm thêm tại Hội Khuyến học Thái Bình. Nhận thấy việc tuyên truyền của Hội còn hạn chế nên trong một lần đi cơ sở, tôi đã nảy ra ý tưởng viết tấm gương về một gia đình hiếu học. Nghĩ là làm, về đến nhà, tôi lấy giấy bút ra viết. Cảm xúc lúc ấy hồi hộp lắm bởi nếu được đăng báo thì đây sẽ là tác phẩm đầu tay của tôi. Viết xong, tôi đến tòa soạn Báo Thái Bình và nộp tận tay tác phẩm cho anh Trần Kim Dung, Trưởng phòng Thư ký toà soạn. Những lời động viên, khích lệ của anh Dung đã khiến tôi có thêm động lực để thực hiện nhiều tác phẩm sau này. 

Gần 20 năm qua, ông Đặng Văn Cao có trên 500 tác phẩm được đăng trên Báo Thái Bình, Báo Dân trí điện tử, Cổng thông tin điện tử Thái Bình, trong đó có nhiều tác phẩm chất lượng cao. Năm 2007, tác phẩm “Một gia đình hiếu học ở ven đô” của ông xuất sắc đoạt giải Ba giải Báo chí tỉnh Thái Bình. Đặc biệt, phạm vi tác động của tác phẩm không chỉ dừng lại trong tỉnh, bài viết của ông đã ảnh hưởng sâu rộng đến phong trào khuyến học, khuyến tài cả nước khi bác và thành viên gia đình trong tác phẩm được Đài Truyền hình Việt Nam mời tham gia giao lưu về chủ đề gia đình hiếu học.

Niềm vui khi gắn bó với nghề viết của ông Đặng Văn Cao được nhân đôi mỗi khi người con rể Đoàn Hải Châu sang trò chuyện. Ông Đoàn Hải Châu trước đây công tác tại Công an tỉnh Thái Bình, kể cả khi còn làm việc hay nghỉ hưu, ông luôn hết mình với những tác phẩm báo chí của mình. Khác với đề tài khuyến học, khuyến tài của bố vợ, ông tập trung viết theo đúng lĩnh vực mà mình công tác đó là an ninh trật tự. 

Ông Đoàn Hải Châu chia sẻ: Viết về an ninh trật tự là lĩnh vựa khó, nếu không nắm bắt và phản ánh được đúng vấn đề thì rất dễ “bút sa gà chết”. Khi còn công tác, tôi viết nhiều hơn và một thời gian dài là cộng tác viên của Báo Thái Bình. Mặc dù giờ đây, ông Đoàn Hải Châu vừa bận rộn với nhiệm vụ mới đó là Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 5 (phường Trần Hưng Đạo), vừa trông cháu nội nhưng nghề viết trong ông vẫn còn nguyên vẹn niềm đam mê thủa nào. Gần đây nhất, nhân dịp kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh Thái Bình, ông đã dày công nghiên cứu và sưu tầm tài liệu, cho ra mắt cuốn sách dày hơn 300 trang để tham dự cuộc thi “Bác Hồ với Thái Bình – Thái Bình thực hiện di chúc của Bác”. Tuy chưa đạt giải nhưng đối với ông, đây là dịp để ông được tìm hiểu rõ hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các giai đoạn lịch sử của tỉnh Thái Bình và đặc biệt, đó là sự bứt phá trong quá trình phát triển quê hương năm tấn. 

Ông Đoàn Hải Châu chia sẻ thêm: Khi thực hiện cuốn sách này, nhiều lần tôi đã tìm đến người bố vợ để nghe ông kể về những dấu mốc lịch sử của quê hương bởi tôi không muốn chỉ tìm hiểu tài liệu mà tôi còn muốn được nghe từ chính những người được sống và làm việc trong những thời khắc lịch sử ấy. Ông Đoàn Hải Châu vui vẻ nói: Có lẽ vì thích viết mà tôi khá hợp với bố vợ.

Điều bất ngờ đối với gia đình ông Đặng Văn Cao nằm ở cô cháu gái. Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, chị Đặng Lan Anh đi dạy tại một trường cấp ba trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên chỉ sau một năm học, chị đột ngột chuyển sang nghề báo. Chị chia sẻ: Nghề dạy học không phát huy được khả năng sáng tạo nên khi thấy Báo Thái Bình đăng tuyển phóng viên, chị đã nộp hồ sơ dự tuyển. Sau 2 tháng thử việc, chị chính thức được nhận vào làm việc tại cơ quan và theo dõi mảng giáo dục. Thời gian đầu, bên cạnh việc học hỏi từ những anh chị lớn tuổi tại cơ quan, chị thường nhờ ông nội tư vấn về đề tài cũng như cách viết. Dần dần, chị tiếp cận với nghề và trưởng thành hơn sau mỗi bài báo. Điều mà chị cảm thấy tuyệt vời nhất đó là được làm việc trong một môi trường năng động, thỏa sức sáng tạo và thể hiện đam mê của mình. 

Ông Đặng Văn Cao chia sẻ: Chưa nói về chất lượng, trong 7 năm qua, tôi thấy cháu mình bắt nhịp nhanh với nghề bởi số lượng bài viết qua các năm tăng dần, có nhiều bài dài kỳ mà cháu và đồng nghiệp bắt tay thực hiện khá tốt, phản ánh đúng thực trạng của giáo dục hiện nay. Tôi mong chờ cháu tôi và các phóng viên trẻ sẽ góp phần xây dựng Báo Thái Bình ngày càng phát triển hơn nữa.

Mỗi ngày, ông Đặng Văn Cao đều dặn dò con cháu: Nghề báo không đơn giản và dễ dàng, nó đòi hỏi cái tài và cái tâm của người theo nghề. Đó là vinh dự đồng thời cũng là trách nhiệm đối với những ai quan tâm đến đời sống tinh thần của xã hội. Bởi thế, khi đặt bút viết, chúng ta cần phản ánh đúng, đủ và kịp thời. Có như thế, khi cầm nhuận bút, chúng ta mới tự hào về những “đứa con tinh thần”. Lời dạy của ông đã gắn kết niềm đam mê nghề viết trong gia đình ba thế hệ.

Bùi Phương