Thứ 5, 27/06/2024, 00:02[GMT+7]

Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 23/12/2019 | 22:22:48
1,177 lượt xem
Ngày 23-12, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội thảo tham gia xây dựng Đề án 'Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới'. Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban soạn thảo Đề án dự và chủ trì hội thảo.

Thứ trưởng Trần Duy Ngọc chủ trì Hội thảo.

Xây dựng nông thôn mới là chương trình tổng hợp có nội dung toàn diện bao gồm: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; trong đó, cấp ủy Đảng, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện, người dân đóng vai trò chủ thể cùng với các tổ chức chính trị xã hội tham gia xây dựng nông thôn mới.

Qua 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn Việt Nam đã có chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng cao.

Tính đến tháng 10-2019, cả nước có 4.665/8.902 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 109/664 đơn vị cấp huyện thuộc 39 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 7.216/8.902 xã đạt Tiêu chí 19.2 về xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên.

Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới” do Bộ Công an chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan địa phương liên quan xây dựng, nhằm đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn, tạo điều kiện cho người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu chung.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe đồng chí Trung tướng Trần Thị Ngọc Đẹp, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an trình bày tóm tắt dự thảo Tờ trình và Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới”.

Các đại biểu cũng đã dành nhiều thời gian phát biểu tham gia ý kiến đóng góp xây dựng nội dung, hoàn thiện dự thảo. Đồng thời, làm rõ những nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới; trên cơ sở đó, đề xuất những giải pháp, góp phần hoàn thiện Đề án, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Công an, thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020...

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới” trong thời gian qua.

Đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh, Đề án phải đảm bảo mục tiêu, những đơn vị đã đáp ứng tiêu chí an ninh, trật tự, hoàn thành xây dựng nông thôn mới phải tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện để duy trì, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, những đơn vị chưa hoàn thành, phải được đẩy mạnh, làm rõ trách nhiệm, giải pháp để đáp ứng tiêu chí, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo đúng lộ trình.

Để làm được điều này, đồng chí Thứ trưởng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án tập hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo; tiếp tục gửi xin ý kiến tham gia của các Bộ, cơ quan liên quan vào dự thảo Đề án, để bổ sung, hoàn thiện dự thảo trong thời gian sớm nhất. Từ đó, báo cáo Trưởng Ban soạn thảo Đề án, tiếp tục họp bàn, trước khi gửi xin ý kiến tham gia của các đồng chí lãnh đạo Bộ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng đề nghị, Ban Soạn thảo phải tiếp tục tập trung làm rõ thêm các nội dung trong Đề án; bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, đảm bảo lộ trình thực hiện Chương trình, Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Công an các địa phương làm rõ trách nhiệm của Công an các cấp trong thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự góp phần xây dựng nông thôn mới; tiếp tục khảo sát thực tiễn, đưa ra giải pháp phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền. Ban Soạn thảo tăng cường khảo sát, bám sát thực tiễn tại địa phương, tập trung nghiên cứu, trao đổi thông tin về những điểm mới, những điểm không phù hợp trong dự thảo Đề án; chỉ rõ những vấn đề gặp phải.

Trên cơ sở đó, các đơn vị và thành viên Ban Soạn thảo cho ý kiến đóng góp, đề ra chương trình, mục tiêu, kế hoạch, thời hạn thực hiện rõ ràng, đảm bảo Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới” đạt hiệu quả và chất lượng cao nhất...

Theo cand.com.vn