Thứ 7, 04/05/2024, 02:08[GMT+7]

Người Phù Lá đón Tết cùng con đường mới

Thứ 7, 25/01/2020 | 12:27:14
608 lượt xem
Chớm Xuân, niềm vui rạng ngời trên gương mặt của mỗi người dân Phù Lá ở Hoa Si Pan. Cùng với con đường mới được mở, đồng bào Phù Lá đang tràn đầy hi vọng về ngày mai tươi sáng, về một năm mới tốt lành.

Những nóc nhà truyền thống của người Phù Lá ở Hoa Si Pan. Ảnh: CTV

Lên với người Phù Lá

Vượt qua đoạn đường đất vừa được san gạt, ông Nguyễn Quang Duẩn, Bí thư Đảng ủy xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang dừng xe bảo: “Đoạn đường vừa đi qua, trước kia chỉ rộng chừng 60cm, đi bộ còn phải lách nhau. Mới đây, nhờ nguồn ngân sách huyện và kinh phí huy động từ cán bộ huyện, đường mới được mở rộng. Cách đây khoảng 2 tháng thôi, nhà báo còn đi bộ dài dài”. 

Sau khoảng gần 20 phút đi bộ, những ngôi nhà trình tường truyền thống của các hộ đồng bào Phù Lá dần hiện ra trước mắt tôi, thấp thoáng dưới những tán cây. Không khí vẫn còn phảng phất mùi thơm dịu nhẹ của hương lúa sau thu hoạch. 

“Xã Bản Máy có 5 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có dân tộc Phù Lá - một trong những dân tộc thiểu số rất ít người (tổng số người Phù Lá trên cả nước chưa đến 11.000 người). Đồng bào Phù Lá sống trên cao, lại khá tách biệt, ít giao lưu nên đến nay, đời sống của họ còn rất vất vả. Cả bản Hoa Si Pan có 37 hộ dân với 157 nhân khẩu. Cho đến giờ, bà con vẫn giữ được những nét văn hóa đặc trưng riêng” - Ông Duẩn vừa thông tin, vừa chỉ cho tôi xem những nếp nhà trình tường truyền thống, hai mái, một cửa của người Phù Lá đang hiện ngay trước mắt.

Chúng tôi ghé vào ngôi nhà ở ngay đầu bản. Chủ nhà là ông Sùng Sào Chín, đảng viên người Phù Lá duy nhất của xã Bản Máy. Nhà ông Chín là một trong số ít hộ được xem là có kinh tế khá ở Hoa Si Pan vì có nhà xây. Giữ nếp cũ, vợ chồng ông tự bện chiếu ngủ, ghế ngồi bằng rơm. Ông Chín bảo rằng, để có được căn nhà, cả nhà ông miệt mài trước đó 2 năm trời. Gạch tự đóng, cát tự gùi dưới suối, chỉ thuê công thợ để xây. Giống như gia đình ông Chín, các hộ Phù Lá khác ở Hoa Si Pan cũng quanh năm gắn bó với nương ngô, ruộng lúa, chăn nuôi vài con trâu, bò, gà, lợn... 

Ông Chín phấn khởi bảo rằng: “Năm nay vui hơn mọi năm. Cả bản đã được thắp sáng bởi điện lưới quốc gia đã về”.

Trang mới ở Hoa Si Pan

Quanh năm gắn bó với nương rẫy, núi rừng…, nhiều người Phù Lá ở Hoa Si Pan hầu như không ra khỏi phạm vi xã Bản Máy; lầm lũi, an phận với cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đã kéo dài nhiều đời. Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, trẻ em không biết chữ đã từng là câu chuyện rất phổ biến ở Hoa Si Pan.

Là hộ được hưởng các chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, ông Chín ơn Đảng, ơn Nhà nước rất nhiều. Với ông, người dân Phù Lá vẫn còn nghèo so với những dân tộc khác, nhưng đời sống đã tiến bộ hơn rất nhiều. Từ khi có cán bộ về cầm tay chỉ việc, hỗ trợ con giống, cây giống; vận động con em đến trường…, Hoa Si Pan đã không còn tăm tối, người Phù Lá đã biết đâu là điều nên làm, đâu là cái nên bỏ…

Giọng nói lơ lớ, phát âm tiếng phổ thông chưa chuẩn, anh Chúng Văn Dũng, người con Phù Lá, trưởng thành từ bản Hoa Si Pan quả quyết: “Không sinh con thứ 3 đâu, sinh nhiều con không có tiền nuôi chúng ăn học. Sinh con nhiều cũng bị phạt đấy…”. 

Thực tế, mấy năm trở lại đây, người Phù Lá ở Hoa Si Pan chỉ sinh 2 con, rất ít trường hợp sinh con thứ 3. Đây cũng là một trong những nội dung được đưa vào hương ước với quy định, nếu sinh con thứ 3 sẽ bị phạt, phải nộp thóc để sử dụng trong lễ hội của bản làng. Việc tổ chức đám hiếu của người Phù Lá đến nay cũng rất văn minh, người chết không để quá 48 tiếng và không tổ chức ăn uống kéo dài. 


Hát kể trong đám cưới - một phong tục độc đáo của người Phù Lá. Ảnh: CTV 

Đến nay, 37 hộ người dân tộc Phù Lá đã có một vài hộ có con theo học hết trung học phổ thông. “So với mặt bằng chung, các em học sinh Phù Lá học tập vất vả hơn do nhà xa trường, bố mẹ không thể kèm cặp sát sao. Hiểu được hạn chế này, nhà trường và chính quyền xã thường xuyên tuyên truyền, vận động các em đi học đều và dành sự quan tâm đến các em nhiều hơn” - Cô giáo Hoàng Thị Vy, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Bản Máy cho biết. 

Xuất phát là cán bộ nông nghiệp, chân đi, miệng nói, tay làm, Bí thư Nguyễn Quang Duẩn thấu hiểu hơn hết những hạn chế khiến người dân Phù Lá còn nghèo khó, lạc hậu. Sau khi đảm nhận công việc Bí thư Đảng ủy xã Bản Máy, ông đã dành nhiều thời gian ở Hoa Si Pan để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con. Từ đó, ông tham mưu cho Huyện ủy Hoàng Su Phì về những giải pháp để kéo Hoa Si Pan đi lên. Với sự tâm huyết, quyết liệt của những người đứng đầu, sự chung tay của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bản Máy, sự đồng thuận của người dân, chỉ trong một thời gian rất ngắn, ngay cả người Phù Lá ở Hoa Si Pan cũng ngạc nhiên về chính những thay đổi lớn lao trên mảnh đất quê hương.

Thay vì con đường chỉ có thể đi bộ, nay xe máy, xe ô tô đã đi vào được tận đầu cụm dân cư. Với hệ thống nước sạch đang được kéo về từ đầu nguồn, dự kiến, sang năm 2020, người Phù Lá không chỉ đủ nước sinh hoạt quanh năm, mà còn có cả nước tưới cho đồng ruộng, cho những vườn rau trồng theo quy hoạch. Trẻ em Phù Lá không còn phải ngược dốc, lội bộ đến trường mà đã có đường lớn để đi, có phòng nội trú khang trang, quy củ… Nói như ông Sùng Sào Chín, có nằm mơ ông cũng không nghĩ Hoa Si Pan sẽ đổi thay từng ngày như hôm nay!

Năm hết, Tết đến, tôi ngồi ghi lại câu chuyện đổi thay ở Hoa Si Pan, nghe dự báo Hoàng Su Phì đang rất lạnh, bèn nhấc máy điện thoại gọi cho Bí thư Nguyễn Quang Duẩn. Đầu dây bên kia, ông Duẩn hồ hởi nói: “Đường lên Hoa Si Pan đã mở rộng vào tận  bản rồi. Mời nhà báo lên chơi đón Tết cùng đồng bào” - Nghe tiếng ông Duẩn cười, tôi bỗng thấy vui lây với niềm vui của Hoa Si Pan, mừng cho đồng bào Phù Lá đã có con đường mới. Con đường mở ra những tầm nhìn xa, hiện thực hóa những ước mơ, để người Phù Lá ngày thêm tiến bộ, hạnh phúc và no ấm… 

Theo bienphong.com.vn