Thứ 6, 19/04/2024, 19:28[GMT+7]

Ninh Bình: Thành công trong xây dựng nông thôn mới từ trách nhiệm và sự đồng thuận

Thứ 5, 06/02/2020 | 08:13:10
2,725 lượt xem
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương quan trọng của Ðảng và Nhà nước ta nhằm cụ thể hóa Nghị quyết T.Ư 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, các cấp ủy, tổ chức đảng ở tỉnh Ninh Bình đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và cộng đồng trong xây dựng NTM, chất lượng sống của người dân ngày càng nâng cao.

Mô hình sản xuất đa cây, đa con của người dân ở xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) cho thu nhập bình quân hơn 250 triệu đồng/ha.

Vai trò của cấp ủy, chi bộ

Về xã Khánh Thiện (huyện Yên Khánh) dự lễ đón nhận danh hiệu xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Ninh Bình, chúng tôi phấn khởi ngắm nhìn quang cảnh mới mẻ nơi đây. Các ngôi nhà được gắn số, những tuyến đường, ngõ đều có bảng tên. Ðường đi lối lại ở trung tâm xã, ở khu dân cư đã được bê-tông hóa, thảm nhựa và đều rộng, thoáng, có vỉa hè, đèn chiếu sáng, biển báo, hệ thống thoát nước, hai bên là hàng cây xanh, cây hoa. Ðồng chí Phạm Minh Xanh, Bí thư Ðảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Khánh Thiện cho biết: Ðảng bộ xã có 340 đảng viên, sinh hoạt ở 12 chi bộ (tám chi bộ xóm). Kế thừa những kinh nghiệm đã có trong xây dựng NTM, để phát huy tốt hơn nữa vai trò của chi bộ, Ðảng ủy, UBND xã sớm chỉ đạo rà soát, đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu; từ đó tập trung bàn thảo và ra nghị quyết chuyên đề, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá, kế hoạch cụ thể từng tháng, từng quý. Ðảng ủy giao nhiệm vụ cho từng thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng NTM trong kiểm tra, giám sát, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Ðồng thời chỉ đạo các chi bộ thôn, xóm phải phân công đảng viên phụ trách nhóm hộ; MTTQ và các đoàn thể đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia.

Trên tinh thần chỉ đạo ấy, xã Khánh Thiện tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ; khuyến khích mở rộng các mô hình tổ hợp tác cơ khí, mộc, sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển một số vườn mẫu, cánh đồng mẫu sản xuất nông sản sạch, an toàn gắn với chế biến, tiêu thụ. Xã cũng chú trọng khai thác thế mạnh của hai làng nghề cây cảnh và ẩm thực theo hướng du lịch cộng đồng… Cuối năm 2019, Khánh Thiện không còn hộ nghèo; thu nhập bình quân đạt 47 triệu đồng/người/năm, tăng đáng kể so với các năm trước đó. Trước khi được tỉnh xét danh hiệu xã NTM kiểu mẫu, Ðảng ủy xã chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân; kết quả là có 97% số người dân hài lòng về những nội dung đạt được trong xây dựng NTM kiểu mẫu.

Xã NTM Yên Từ (huyện Yên Mô) có hai tuyến quốc lộ qua trung tâm, có sông Vạc, sông Bút chảy qua địa bàn, là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Ðược tỉnh chọn làm điểm xây dựng xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2017-2020, Yên Từ xác định nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2020 phải đạt giá trị sản xuất/ha canh tác là 130 triệu đồng; thu nhập bình quân 50 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%; có hai khu dân cư NTM kiểu mẫu (theo quy định). Ban đầu, một số đảng viên và quần chúng ở xóm Chùa băn khoăn, cho rằng khó có thể nâng được mức thu nhập của người dân khi xóm tồn tại nhiều diện tích lúa năng suất thấp hoặc tình trạng bỏ ruộng không cấy. Ðồng chí Bùi Văn Long, Bí thư Chi bộ xóm Chùa, Trưởng ban phát triển thôn cho biết, nắm rõ tình hình và qua nhiều lần bàn thảo, chi bộ ra nghị quyết chuyển diện tích lúa hiệu quả thấp thành vùng sản xuất cây, nuôi con giống có giá trị kinh tế cao, rồi giao cho Ban công tác mặt trận, trưởng thôn và người có uy tín trong xóm xây dựng kế hoạch chuyển đổi. Thôn tiến hành họp dân để phổ biến kế hoạch; chi bộ phân công đảng viên phụ trách nhóm hộ đi tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện và nêu gương thực hiện. Anh Nguyễn Văn Hòa, một trong 17 người đại diện các gia đình có diện tích thuộc kế hoạch chuyển đổi năm 2017 cho biết: Sau khi xóm tổ chức cho đi tham quan một số mô hình sản xuất nông nghiệp trong vùng, người dân đều tâm đắc mô hình trồng chuối, thả cá. Kết quả của năm đầu chuyển đổi sang trồng chuối, nuôi cá đã cho thu hoạch gần 200 triệu đồng/ha. Người dân phấn khởi, tiếp tục chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, hình thành các khu sản xuất tập trung, góp phần đưa thu nhập bình quân lên hơn 50 triệu đồng/người/năm (năm 2015 là 30 triệu đồng) và sớm hoàn thiện các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu.

Hướng về cơ sở

Ðối với 55 xã trong tổng số 119 xã của tỉnh còn khó khăn trên một số lĩnh vực, mặt công tác, Tỉnh ủy Ninh Bình giao các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh phụ trách, các doanh nghiệp kết nghĩa có biện pháp giúp các xã tiến lên. Bốn năm qua, các cơ quan, đơn vị nêu trên đã thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ các xã đặc thù, đồng thời hỗ trợ hơn 50 tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội.

Ðồng chí Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết: Tỉnh xác định để đời sống mọi mặt của người dân ngày một tốt hơn và trở nên sung túc, nhiệm vụ xây dựng NTM không có điểm kết thúc, các cấp ủy, chính quyền phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng mạnh về cơ sở bằng nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả. Cần tăng cường việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với các tầng lớp nhân dân; phân công cấp ủy viên, trưởng ngành, cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm việc dự sinh hoạt định kỳ với chi bộ thôn, xóm; thực hiện chế độ biệt phái, điều động cán bộ về cơ sở,… Các cấp ủy cũng tập trung nghiên cứu để ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với những cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp, để bảo đảm hiệu quả bền vững trong xây dựng NTM.

Theo đồng chí Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Ninh Bình, thời gian qua, toàn tỉnh huy động được hơn 34.475 tỷ đồng; trong đó vốn hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp khoảng 1.608 tỷ đồng, vốn do nhân dân tự đầu tư và đóng góp hơn 9.818 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách T.Ư và ngân sách tỉnh, huyện, các xã được sử dụng toàn bộ tiền đấu giá quyền sử dụng đất cho xây dựng NTM theo nghị quyết của HÐND tỉnh. Ðến nay, toàn tỉnh có hai huyện đạt chuẩn NTM là Hoa Lư và Yên Khánh. TP Tam Ðiệp đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Có 91 trong tổng số 119 xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 23 xã đặc thù); ba xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 24 thôn được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Thực tế xây dựng NTM ở tỉnh Ninh Bình cho thấy, nơi nào cấp ủy, chi bộ, nhất là người đứng đầu thật sự trách nhiệm, tác phong quyết liệt và mỗi cán bộ, đảng viên có tâm huyết, luôn gần dân, bám sát cơ sở, đều tạo được chuyển biến rõ nét, được nhân dân tích cực ủng hộ. Thí dụ như ở xã Gia Vân (huyện Gia Viễn) - đơn vị thứ ba vừa được công nhận chuẩn NTM kiểu mẫu. Xã có mức thu nhập bình quân năm 2019 đạt gần 50 triệu đồng/người; cả xã có bảy thôn với 2.091 hộ, không còn hộ nào diện nghèo; có 46 hộ chăn nuôi và 129 cơ sở kinh doanh, nuôi trồng thủy sản. Các tuyến kênh, tuyến đường trên địa bàn đều có tổ tự quản đảm trách, giữ vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng... Ðồng chí Nguyễn Văn Hoan, Bí thư Ðảng ủy xã Gia Vân khẳng định, sự nhiệt tình, gương mẫu của cán bộ, đảng viên là động lực rất quan trọng. Nhiều đồng chí đảng viên tuổi đã cao nhưng rất hăng hái và luôn kiên trì vận động con cháu góp công, góp của để xây dựng quê hương. Bởi vậy mà có những đảng viên, đời sống gia đình chưa dư dật nhưng vẫn hiến hàng chục, hàng trăm mét vuông đất, trích lương hưu hàng triệu đồng để xây dựng các công trình mới.

Nâng cao đời sống mọi mặt của người dân vùng nông thôn là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh Ninh Bình quyết tâm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, huy động sự tham gia nhiệt tình của đông đảo người dân, góp phần cùng cả nước xây dựng NTM ngày càng giàu đẹp và văn minh.

Theo nhandan.com.vn