Thứ 6, 17/05/2024, 13:41[GMT+7]

Đông Phương: Thúc đẩy công nghiệp, làng nghề phát triển

Thứ 3, 10/03/2020 | 09:58:41
5,029 lượt xem
Những năm gần đây, Đông Phương là xã có tốc độ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) và làng nghề thuộc tốp đầu của huyện Đông Hưng. Nhờ đó diện mạo nông thôn từng ngày đổi mới, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc đầu tư vào xã Đông Phương. Trong ảnh: Công ty TNHH May Đạt Đăng tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 550 lao động.

Tại cơ sở mây tre đan xuất khẩu của gia đình bà Đỗ Thị Hải ở thôn Nam, không khí làm việc luôn nhộn nhịp. Mọi người tay thoăn thoắt đan từng sợi mây thành những chiếc làn, chiếc giỏ, lẵng hoa đẹp mắt. Bà Phạm Thị Nhuần chia sẻ: Ngày xưa người dân quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” nhưng bây giờ khác rồi. Người thợ thủ công chúng tôi luôn coi tháng Giêng là tháng làm ăn vì đây là dịp nhiều đơn hàng nên chị em bảo nhau tranh thủ làm để tăng thu nhập. Còn bà Đỗ Thị Hải - chủ cơ sở cho biết: Được địa phương tạo điều kiện cho thuê 1.500m2 đất, gia đình đã đầu tư mở rộng nhà xưởng, lắp đặt hệ thống sấy khô sản phẩm bằng điện nên có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sản lượng và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân trong xã. Năm 2019, cơ sở sản xuất được hơn 120.000 sản phẩm mây, cói các loại. Năm 2020, chúng tôi phấn đấu sản xuất, bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu ủy thác trên 200.000 sản phẩm, doanh thu tăng hơn 20% so với năm 2019.

Không riêng cơ sở mây tre đan xuất khẩu của gia đình bà Đỗ Thị Hải, niềm vui lao động sản xuất còn lan tỏa khắp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và các hộ làm nghề TTCN của làng nghề xã Đông Phương. Ông Phạm Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã luôn chú trọng tìm hướng đi phá vỡ thế độc canh cây lúa. Cùng với tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân phát huy nghề truyền thống, du nhập nghề TTCN mới về địa phương, UBND xã còn tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kêu gọi thu hút đầu tư công nghiệp vào địa bàn. Đến nay, Đông Phương có hàng trăm hộ làm nghề TTCN, 5 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu, mây tre đan thủ công mỹ nghệ giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động và mang về cho địa phương mỗi năm trên 92 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế của địa phương có sự chuyển dịch đáng mừng: nông nghiệp 29,3%, công nghiệp - xây dựng cơ bản 53%; thương mại, dịch vụ 17,7%.

Để thúc đẩy CN - TTCN và làng nghề phát triển, kinh nghiệm của xã Đông Phương là tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân; phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức tập huấn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Mỗi năm, địa phương chi hơn 10 tỷ đồng cho đầu tư phát triển kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tín chấp vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngân hàng thương mại và quỹ tín dụng nhân dân với tổng dư nợ 128,9 tỷ đồng. Có kiến thức khoa học kỹ thuật và tay nghề, có vốn đầu tư, có mặt bằng sản xuất, người dân Đông Phương mạnh dạn đầu tư phát triển lĩnh vực CN - TTCN, trở thành phong trào làm giàu chính đáng ở địa phương. Chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được nâng lên. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 55 triệu đồng/năm, tăng 1,37 lần so với thời điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014. Tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm hơn 50%, hộ nghèo giảm còn dưới 1% (chủ yếu là những hộ người già, neo đơn, không còn sức lao động); 90% số hộ có nhà cao tầng, nhà mái bằng kiên cố, không còn hộ phải ở nhà dột nát.

Sự bứt phá trong phát triển CN - TTCN cùng với mở mang ngành nghề, thương mại, dịch vụ đã tạo ra xung lực mới cho kinh tế xã Đông Phương những năm qua, trở thành điểm sáng phát triển công thương của huyện Đông Hưng.

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày