Thứ 3, 23/04/2024, 18:29[GMT+7]

Huy động các nguồn lực phát triển giao thông nông thôn

Thứ 6, 17/07/2020 | 14:03:08
1,247 lượt xem
Đột phá trong phát triển giao thông nông thôn như một “cú huých” để các tỉnh miền núi phía bắc đánh thức các tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giúp các hộ dân xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, chất lượng và tuổi thọ các công trình còn nhiều hạn chế, cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới, để hạ tầng giao thông nông thôn bảo đảm chất lượng, bền vững.

Khách du lịch tham quan xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Ảnh: TRẦN TUẤN

Đánh thức tiềm năng, lợi thế của địa phương

Trước đây, do giao thông đi lại rất khó khăn, xã Bản Liền, huyện Bắc Hà  (Lào Cai) gần như bị cô lập, kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao. Đời sống người dân lạc hậu, vẫn còn tình trạng tảo hôn cận huyết thống. Sau khi tỉnh đầu tư hàng chục tỷ đồng, mở con đường dài 28 km, trải nhựa phẳng, mặt đường rộng 4,8 m, đồng bào ở bảy thôn trong xã đóng góp 5.000 ngày công, hơn 500 triệu đồng, hiến 2.000 m2 đất để mở mới và nâng cấp, cứng hóa 16,4 km đường liên thôn, liên gia. Đến nay, năm thôn đã có đường bê-tông, rộng 3 m, xe ô-tô tải nhẹ đi lại dễ dàng để vận chuyển hàng hóa; hai thôn còn lại phấn đấu trong năm nay sẽ cứng hóa xong 5 km đường còn lại. Chủ tịch UBND xã Trần Ngọc Phú cho biết, huyện Bắc Hà và xã Bản Liền đã quy hoạch vùng trồng chè và xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp, giúp người dân địa phương đưa cây chè thành mũi nhọn kinh tế địa phương. Nhờ có đường giao thông thuận lợi, HTX chè hữu cơ Bản Liền đã đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất chè hữu cơ ngay trên địa bàn xã với công suất chế biến sáu tấn chè búp tươi/ngày. HTX liên kết với 310 hộ đồng bào dân tộc Tày, H’Mông ở địa phương trồng 500 ha chè Tuyết San theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm chè tuyết Bản Liền được cấp chứng chỉ OCOP (mỗi xã một sản phẩm) năm sao cấp tỉnh. Hằng năm HTX xuất khẩu khoảng 140 tấn chè đã chế biến, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân trong xã, như hộ gia đình ông Vàng A Vận ở đội 3, ông Lâm A Thướng ở đội 2..., mỗi năm thu từ 60 đến 80 triệu đồng. Khá nhất là hộ ông Vàng A Dựng, với 15 ha chè thuần chủng giống Tuyết San, chăm bón theo tiêu chuẩn VietGAP,  hằng năm thu từ 300 đến 400 triệu đồng. 

Xã Kim Lư, huyện Na Rì  (Bắc Kạn) có ưu thế trong phát triển cây ăn quả và chăn nuôi. Tuy nhiên, trước đây vì hạ tầng giao thông kém, cho nên sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. 5 năm qua, xã đã đầu tư và huy động được gần 17 tỷ đồng, hàng trăm ngày công lao động, nhiều diện tích đất từ nhân dân, xây dựng hơn 13 km đường bê-tông các loại. Có đường giao thông tốt, người dân trong xã trồng hơn 40 ha cây cam, quýt và nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao, như: táo, ổi, rau an toàn… Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 28,45 triệu đồng/năm. Xã chỉ còn hơn 9% số hộ nghèo. Xã được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2019 và đang xây dựng xã NTM nâng cao.

Giao thông phát triển qua đó đã đánh thức tiềm năng du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các vùng nông thôn có cảnh quan đẹp. Tà Làng là thôn xa nhất của xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) có gần 40 hộ dân sinh sống dưới chân hẻm vực Tu Sản, điểm du lịch nổi tiếng trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Trưởng thôn Tà Làng, Lù A Tuyên cho biết: “Trước đây, đường đi lại khó khăn, sản xuất và chăn nuôi chỉ mang tính tự cung, tự cấp, hầu hết các hộ dân trong thôn đều nghèo. Một số hộ không chịu được cảnh nghèo đói, đường sá đi lại khó khăn, đã chuyển đến sinh sống ở nơi có giao thông thuận tiện hơn”. Trước mong mỏi của người dân về một tuyến đường kiên cố, xã Pải Lủng đăng ký với huyện Mèo Vạc thực hiện đề án “Một triệu tấn xi-măng”, mở đường xuống thôn Tà Làng. Công trình khởi công từ đầu năm 2018, đến cuối năm 2019 hoàn thành với tổng chiều dài gần 8 km, bề rộng mặt đường 2,5 m, kinh phí đầu tư khoảng ba tỷ đồng, trong đó hai tỷ đồng do Nhà nước hỗ trợ, còn lại do người dân đóng góp. Từ khi có tuyến đường bê-tông, cuộc sống người dân nơi đây như được tiếp thêm luồng sinh khí mới. Lượng khách du lịch đến đây thuê thuyền đi thăm lòng hồ, khu vực hẻm vực Tu Sản tăng đột biến. Vào mùa du lịch, bình quân mỗi ngày có khoảng 100 khách, có thời điểm lên  tới 800 khách. Hiện nay, trong thôn có 36 hộ với 70 lao động làm dịch vụ đưa khách đi thăm lòng hồ. Thời gian cao điểm mùa du lịch, các hộ đầu tư thuyền cho du khách tham quan có thu nhập từ 15 triệu đến 20 triệu đồng/tháng; các hộ làm dịch vụ xe ôm cũng đạt  5 triệu đến 7 triệu đồng/tháng. Đến thời điểm hiện tại, thôn chỉ còn sáu hộ nghèo.

Bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) những năm gần đây trở thành một địa chỉ du lịch cộng đồng nổi tiếng ở vùng Tây Bắc, được nhiều khách du lịch tìm đến. Cách đây 5 năm, khi có chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng góp công, góp của làm đường giao thông trong bản, cán bộ bản đã vận động nhân dân hiến đất, góp công mở rộng hai tuyến đường chính đi vào bản. Tiếp đó, các hộ dân đã họp và thống nhất trích một phần tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của các hộ để mua sắm vật liệu, huy động nhân công làm các tuyến đường nội bản. Nhờ đó, tất cả các tuyến đường nội bản đã bê-tông hóa đến tận cổng các hộ dân, với tổng chiều dài gần 10 km. Có đường bê-tông rộng, xe ô-tô vào được, bản Sin Suối Hồ thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. 5 năm qua, bản đón hơn 73 nghìn lượt khách du lịch, trong đó có 6.200 khách lưu trú qua đêm. Khách du lịch đến nhiều, nông sản địa phương được tiêu thụ mạnh. Người dân trong bản mở rộng diện tích trồng thảo quả, trồng thêm cây hoa địa lan, dệt vải thổ cẩm… đưa thu nhập bình quân của các hộ dân đạt gần 200 triệu đồng/hộ/năm, có hộ thu nhập đạt một tỷ đồng/năm. Từ chỗ 100% số hộ dân trong bản đều là hộ nghèo, đến nay chỉ còn gần 20% số hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới.

Phấn đấu đạt mục tiêu cao hơn

Kết quả phát triển GTNT tại các tỉnh miền núi phía bắc (MNPB) nước ta thời gian qua đã góp phần thay đổi đáng kể đời sống của đồng bào các dân tộc trong vùng. Tại tỉnh Sơn La, năm 2010, hệ thống đường bộ có tổng chiều dài 8.518 km, sau 10 năm con số này đạt 17.627 km. Năm 2010, tỉnh có 72 xã dù có đường giao thông, nhưng không đi được bốn mùa; một xã chưa có đường giao thông đến trung tâm; thì đến nay, tất các các xã đều có đường giao thông đến trung tâm, trong đó có thêm 55 xã có đường giao thông đi được bốn mùa. Tổng số nguồn vốn làm đường GTNT của tỉnh Lạng Sơn từ năm 2016 đến tháng 6-2020 đạt hơn 627 tỷ đồng, trong đó từ nguồn ngân sách là 347,4 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa hơn 279,8 tỷ đồng. Hơn 5.820 km đường GTNT được cứng hóa, đạt tỷ lệ 43,3% so với 28,2% vào năm 2016. Ở tỉnh Điện Biên, đến nay đã tăng thêm 1.376 km đường so với thời điểm năm 2015. Toàn bộ 129 xã đã có đường ô-tô đến được trung tâm xã, trong đó có 121 xã có đường ô-tô đến trung tâm xã đi lại được các mùa trong năm, còn tám xã có đường ô-tô đi được trong mùa khô…

Tuy đạt nhiều kết quả, nhưng việc đầu tư xây dựng mạng lưới GTNT ở các tỉnh MNPB vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Chất lượng mặt đường thấp, tỷ lệ cứng hóa còn ít. Các công trình vượt dòng còn chưa đủ, nhiều tuyến đường phải đi qua ngầm, tràn, rất nguy hiểm khi đi lại vào mùa mưa lũ. Một số thôn, bản chưa có đường ô-tô đến trung tâm. Về vấn đề này, lãnh đạo các địa phương đều cho rằng, nguyên nhân khách quan là do địa hình tự nhiên các tỉnh miền núi bị chia cắt mạnh, nhiều núi cao, khe sâu, cho nên suất đầu tư lớn; địa bàn rộng, dân cư không tập trung, gây khó khăn trong việc lựa chọn danh mục, bố trí vốn đầu tư các công trình. Về chủ quan, các công trình được thực hiện theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tuy nhiên, ngân sách các huyện không hỗ trợ được nhiều, thu nhập của người dân khu vực này còn ở mức thấp so với mặt bằng chung của cả nước, khả năng đóng góp hạn chế, chưa kể một số nơi, người dân còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Do đó, một số xã chỉ sử dụng phần kinh phí hỗ trợ của Nhà nước và công lao động của người dân để triển khai thi công đường, dẫn đến thiếu vật liệu hoặc sử dụng vật liệu không bảo đảm chất lượng. Một số công trình phải cắt bỏ, thực hiện không bảo đảm một số chi tiết kỹ thuật hay giảm chiều dày nền đường. Ngoài ra, các tỉnh MNPB là khu vực có địa chất, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… xảy ra liên tục, làm tăng kinh phí duy tu, bảo trì các công trình đường GTNT. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát trong quá trình thi công. Việc quản lý chất lượng chưa được các chủ đầu tư quan tâm. Các xã thành lập ban Giám sát đầu tư cộng đồng (GSĐTCĐ) để giám sát quá trình làm đường, tuy nhiên số thành viên trong ban GSĐTCĐ thông thạo về lĩnh vực này không nhiều, dẫn đến việc kiểm tra, phát hiện chưa kịp thời, hiệu quả.

Hiện nay, các tỉnh MNPB đều đưa chỉ tiêu làm đường GTNT là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của cả nhiệm kỳ 2020-2025, với mục tiêu chung là tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp, kết hợp xây dựng mới một cách đồng bộ mạng lưới GTNT đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của bà con các dân tộc ở vùng nông thôn, vùng biên giới. Từ đó, mỗi địa phương có kế hoạch cụ thể. Tỉnh Lào Cai tập trung xây dựng hệ thống đường GTNT theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM tại 144 xã trong tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 6.500 km đường giao thông liên thôn, bê-tông hóa 80% tổng số đường; ước kinh phí đầu tư khoảng 2.275 tỷ đồng. Thực hiện tốt việc duy tu bảo dưỡng, bảo đảm giao thông thông suốt bốn mùa… Tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025 đầu tư hơn 900 tỷ đồng từ vốn ngân sách, vốn xã hội hóa và nguồn vốn nhân dân đóng góp, xây dựng hơn 915 km đường GTNT, góp phần hoàn thành tiêu chí về giao thông trong xây dựng NTM cho 60 xã, nâng tổng số xã đạt tiêu chí này lên 95 xã, chiếm 85% số xã… Tỉnh Lạng Sơn phấn đấu đến hết năm 2025, tỷ lệ cứng hóa đường GTNT đạt ít nhất 60%; 100% đường đến trung tâm xã được  thảm nhựa hoặc bê-tông; 70% thôn có đường ô-tô đến trung tâm thôn được cứng hóa... Tỉnh Lai Châu tập trung củng cố các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến liên xã, liên bản. Ngoài ra, ưu tiên mở các tuyến đường vào các vùng sản xuất đã quy hoạch để người dân phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa. Tỉnh Điện Biên có kế hoạch cân đối nguồn lực, ưu tiên đầu tư các tuyến đường đến trung tâm xã bảo đảm đi lại được các mùa trong năm…

Để thực hiện những mục tiêu nêu trên, đồng thời khắc phục những hạn chế trong  đầu tư, xây dựng, vận hành đường GTNT, các địa phương cần tập trung triển khai năm giải pháp. Một là, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, sát với tình hình thực tế; nhất là giải pháp hỗ trợ các thôn, bản ở các địa bàn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của vùng. Hai là, có chính sách đột phá, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hoàn thiện kết cấu hạ tầng trên địa bàn những xã ĐBKK, trong đó, chú trọng đầu tư cho các công trình cấp thôn, bản, nhằm cải thiện trực tiếp điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân ở đây. Ba là, tăng cường bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng GTNT các cấp, nhất là ở cấp xã, thôn để nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách có tính sáng tạo, đột phá phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng. Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân để khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm là, tập trung nguồn lực theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm để mở mới, nâng cấp và duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường GTNT ở địa phương, hoặc theo phương châm nhân dân làm thì Nhà nước hỗ trợ như ở tỉnh Sơn La thời gian qua để khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại tại một số địa phương.  Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời về chính sách thuế đối với doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng đường GTNT, cũng như các cơ chế, giải pháp vận động, khuyến khích người dân tự nguyện hiến đất, đóng góp tài sản, sức lao động… phát triển GTNT.

Mặc dù còn nhiều bất cập, hạn chế, nhưng không thể phủ nhận, phát triển GTNT đã trở thành phong trào quần chúng rộng lớn, mang tính xã hội hóa cao tại các tỉnh MNPB nước ta trong thời gian qua, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội to lớn. Trong thời gian tới, các tỉnh MNPB cần tiếp tục phát huy những thành quả, kinh nghiệm đã đạt được, có những giải pháp linh hoạt, hợp lòng dân để huy động các nguồn lực trong cộng đồng, phát triển hạ tầng GTNT bảo đảm chất lượng, bền vững, góp phần xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng và bảo đảm an ninh - quốc phòng tại các khu vực trọng yếu.

Theo nhandan.com.vn