Thứ 3, 23/07/2024, 22:25[GMT+7]

Hành trình với miền Trung

Thứ 6, 30/10/2020 | 09:04:19
2,805 lượt xem

Vũ Xuân Mạnh nhận hàng cứu trợ ủng hộ đồng bào miền Trung.

2 giờ chiều hôm trước mới thấy Vũ Xuân Mạnh (thị trấn Kiến Xương, huyện Kiến Xương) đăng trên facebook: sẽ trực tiếp vào miền Trung mang hàng cứu trợ cho đồng bào, đến tối hôm sau đã thấy cậu hồ hởi thông báo bắt đầu cuộc hành trình. Vội vàng gọi điện, tôi hỏi: “Sao em đi gấp thế?”. Cậu trả lời: “Có 1 ngày mà em quyên góp được hơn 2 tấn hàng và 4 xuồng cứu hộ chuyên dụng từ Quảng Ninh gửi sang, phải đi thôi cho kịp!”. Tôi lo lắng: “Ai lái phụ cho em?”. Mạnh bình thản: “Chị yên tâm, em sẽ bình an trở về để còn nhiều chuyến hàng nữa trực tiếp mang vào miền Trung”. Cuộc hành trình hơn 2 ngày đêm với hơn 1.000km của Mạnh bắt đầu.

Mạnh học cùng lớp bồi dưỡng với tôi. Cuối tuần ấy lớp có lịch thi, các anh chị trong lớp đều khuyên Mạnh nên thi xong rồi mới vào miền Trung nhưng cậu quả quyết: Em còn trẻ, còn nhiều thời gian để làm những việc quan trọng còn người dân miền Trung đang cần giúp đỡ. Mình đến với họ vào đúng lúc này mới là đáng quý.

Mạnh kể: Đợt 20/10 em đã có ý định vào miền Trung nhưng rồi cứ băn khoăn vì chưa trực tiếp lái xe đi xa như thế bao giờ. Quyên góp được gần 70 thùng mì tôm, lương khô, sữa, quần áo và nhu yếu phẩm, em quyết định gửi xe khách ủng hộ đồng bào. Vậy nhưng khi xe đi rồi em mới nghĩ: “Của cho không bằng cách cho”. Giá mà mình có thể trực tiếp đến tận nơi để an ủi mọi người, nói với mọi người hãy cố gắng vì cả nước cũng đang hướng về miền Trung. Hơn nữa, mình còn trẻ, còn khỏe, vào trong ấy có thể giúp đỡ được bà con dọn dẹp nhà cửa sau mưa lũ, hoặc có thể trực tiếp bê hàng cứu trợ đến những hộ già cả neo đơn... Trằn trọc mấy ngày liền, em quyết định quyên góp hàng cứu trợ để chạy một chuyến xe vào miền Trung.

Lúc đầu cũng nghĩ quyên góp sẽ rất khó khăn vì chưa có kinh nghiệm làm công việc này. Nhưng không ngờ đã thành công ngoài mong đợi! Công ty Hưng Thịnh tin tưởng cho mượn xe để chở hàng, tài trợ xăng dầu cho cả chuyến đi, đồng thời kêu gọi được 4 xuồng cứu hộ chuyên dụng. Nhân viên tại gần 30 cửa hàng của Công ty đều nỗ lực quyên góp tiền và trực tiếp đi mua, đóng gói hàng cứu trợ. Bên cạnh đó, ngay tại địa phương em đang ở là thị trấn Kiến Xương, khi biết em trực tiếp vào miền Trung, nhiều người đã mang quần áo, nhu yếu phẩm đến ủng hộ. Xúc động nhất là có người gửi tiền mặt nhờ trao tận tay bà con cần giúp đỡ ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình với lời nhắn: “Khó khăn nào rồi cũng sẽ qua đi, chỉ cần chúng ta có niềm tin và cùng cố gắng”.

Những kỷ niệm đáng nhớ

Xe đi mượn, lại chưa có kinh nghiệm chạy đường dài, ngay khi vào đến địa phận tỉnh Quảng Bình, xe của Mạnh xảy sự cố. Nhưng điều may mắn là đều gặp được các đội cứu hộ giao thông tại địa phương kịp thời giúp đỡ. Đây cũng là kinh nghiệm cho những chuyến hàng tiếp theo vào với miền Trung. Ngoài ra, dù không quen đường nhưng trong suốt chuyến đi, cậu liên tục nhận được cuộc gọi của người dân ở miền Trung - những người chưa từng quen biết mà có lẽ đã qua mạng xã hội hoặc người quen ở Thái Bình có được số điện thoại để kịp thời thông tin địa phương nào nước lũ đã rút, địa phương nào đang rất cần giúp đỡ. Cũng chính từ việc được chỉ đường này mà Mạnh quyết định vào xã An Thủy - nơi bị ngập nặng của huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Xe hàng của Mạnh là chuyến xe thứ hai vào đến xã An Thủy vì những ngày trước đó, nước lũ dâng cao nên các đoàn cứu trợ đều rất khó tiếp cận địa phương. Mạnh bảo: Em đã hứa với mọi người ở nhà sẽ trao hàng đến tận tay người cần nó nhất nên khi vào được đến An Thủy mừng vì đã thực hiện lời hứa nhưng cũng không khỏi nghẹn ngào bởi cuộc sống của bà con quá khó khăn!

Xe cứu trợ vào tới nơi, người dân vùng rốn lũ bùi ngùi nhận nhu yếu phẩm. Nhà cửa đều bị nước lũ cuốn trôi, tài sản giờ chẳng còn gì, trâu, bò, lợn, gà cũng đã chết cả,... những cái nắm tay, những cái ôm là lời cảm ơn chân thành nhất sau quãng đường hàng trăm cây số chàng thanh niên Thái Bình đã nhận được từ người dân An Thủy. Để rồi đến khi kết thúc cuộc hành trình trở về nhà, cả đêm ấy cậu cũng không thể ngủ được. Trở đi trở lại trong tâm trí là câu nói “Thèm cơm lắm rồi” của bà con. Mạnh bảo: Thái Bình là quê hương năm tấn nên chuyến hàng tới vào với miền Trung, em đã hứa với chính quyền xã An Thủy sẽ có ít nhất 200 phần quà, mà trong đó chắc chắn có gạo.

Tú Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày