Thứ 3, 23/07/2024, 05:23[GMT+7]

Vang mãi bài ca mở đất (Kỳ 4)

Thứ 2, 06/11/2017 | 09:47:54
1,176 lượt xem
Trong cuộc đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, những người con Tiền Hải đã phát huy thế mạnh, lợi thế của vùng biển để phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng mảnh đất mà họ đã mở mang, quật lập ngày càng giàu đẹp.

Nông dân xã Nam Phú khai thác và sơ chế sứa.

Kỳ 4: Biển bạc cho vàng

Làng chài Nam Thịnh nghèo khó trước đây nay từng ngày, từng giờ thay đổi diện mạo. Những con đường thôn được bê tông hóa, giao thông thủy lợi nội đồng phát triển, nhiều ngôi nhà mới khang trang mọc lên, các công trình dân sinh được đầu tư xây dựng kiên cố… Đó là minh chứng cho việc biển đã góp phần mang lại cho người dân cuộc sống sung túc nếu “yêu biển, hiểu biển”. 

Gia đình ông Bùi Xuân Cử, thôn Quang Thịnh (Nam Thịnh) là một trong những hộ đầu tiên trong tỉnh đóng tàu vỏ thép theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. 

Ông Cử tâm sự: Khởi đầu lập nghiệp chỉ với chiếc thuyền gỗ đánh bắt hải sản gần bờ, chiều ra khơi, sáng quay về kiếm con cá, con tôm sống qua ngày. Trên 20 năm với nghề chài lưới, được tiếp cận nguồn vốn theo Nghị định số 67, sau gần 5 tháng thi công, ngày 19/7/2016 chiếc tàu vỏ thép công suất lớn đánh bắt xa bờ mang tên Bình An  được trang bị đồng bộ thiết bị hàng hải, hệ thống làm lạnh bảo quản thủy sản, phương tiện bảo hộ … của gia đình ông được hạ thủy. Cùng với ý nghĩa khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, mỗi chuyến đánh bắt thủy sản trừ chi phí tàu của ông Cử thu về trên dưới 150 triệu đồng. 

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Cử còn chia sẻ kinh nghiệm, tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động. 

Không thể sống mãi trong nghèo khó, trong khi lợi thế nuôi trồng thủy sản và nguồn lao động của vùng ven biển lại dồi dào, đó là tâm sự của anh Đặng Huy Thiêm, xã Đông Minh khi nói về quá trình vươn lên làm giàu chính đáng của bản thân. Khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng, anh Thiêm đã quyết định chọn con ngao, đối tượng nuôi tiềm năng để phát triển. Xuất phát điểm chỉ có khoảng mấy sào nuôi ngao, đến nay diện tích nuôi ngao của anh đã lên đến 20ha, trừ chi phí mỗi năm anh thu về trên 1 tỷ đồng. Khi được hỏi về bí quyết để thành công, anh bảo: Cần nhiều điều kiện, nhưng trước hết phải là tấm lòng nhiệt huyết, “yêu biển, quý ngao”. Không chỉ có nuôi trồng, khai thác thủy hải sản, mà những người dân huyện Tiền Hải còn mạnh dạn đầu tư máy móc để chế biến nguồn thủy sản dồi dào của địa phương xuất khẩu ra nước ngoài, nâng cao giá trị thu nhập. 

Ông Nguyễn Hùng Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Nghêu Thái Bình chia sẻ: Để có thành công thương hiệu ngao Tiền Hải được thị trường nước ngoài chấp nhận là cả một quá trình xây dựng bền bỉ. Được thành lập từ tháng 4/2010, trên diện tích 4.900m2 tại cụm công nghiệp bến cá Cửa Lân, đến nay Công ty TNHH Nghêu Thái Bình đã trở thành một công ty có quy mô lớn trang thiết bị hiện đại, công suất chế biến 20 tấn ngao/ngày, tạo việc làm cho hơn 60 lao động với thu nhập khoảng 5 - 8 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, sản phẩm ngao của Công ty đã xuất khẩu ra thị trường châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… Nếu được hỗ trợ nguồn vốn, Công ty có thể nâng công suất đạt 500 - 700 tấn ngao/tháng và bao tiêu toàn bộ sản lượng ngao thương phẩm đủ tiêu chuẩn của Thái Bình.

Nông dân Tiền Hải thu hoạch tôm thẻ chân trắng.


Không chỉ ông Cử, ông Thiêm, ông Thắng, mặc dù phải đương đầu với nhiều “cơn giận dữ của mẹ biển” nhưng các thế hệ người Tiền Hải vẫn hiên ngang, kiên trì “chung thủy” với biển, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. 

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, trung bình hàng năm giá trị từ kinh tế biển mang lại gần 2.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 50% tổng giá trị trong sản xuất nông nghiệp toàn huyện, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 4,29% (theo chuẩn đa chiều). Đời sống nhân dân được nâng cao đã tạo được niềm tin của nhân dân với Đảng, tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Tiền Hải có 26/35 xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới, riêng 8 xã ven biển đã có 6 xã về đích nông thôn mới.

(còn nữa)

Nhóm Phóng viên




Ông Trần Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải

Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, trong đó mục tiêu phát triển kinh tế tập trung trong lĩnh vực thủy sản như khuyến khích ngư dân đầu tư đóng tàu mới đánh cá xa bờ, đa dạng hóa phương tiện đánh bắt tăng nhanh sản lượng khai thác và gắn khai thác với quốc phòng, an ninh ven biển. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng trại giống thủy sản để đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng con giống. Quy hoạch và sử dụng vùng bãi triều ven biển hiệu quả, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Thượng tá Nguyễn Bá Khởi, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa Lân

Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển của huyện Tiền Hải, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa Lân đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế cũng như tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, làm tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng mối đoàn kết quân dân gắn bó, bền chặt. Bên cạnh đó, Đồn đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, nắm chắc tình hình trên biển, trên địa bàn, xử lý hiệu quả các tình huống xảy ra, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, là chỗ dựa vững chắc cho người dân khu vực biên giới biển huyện Tiền Hải phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Trần Đức Quân, xã Nam Trung (Tiền Hải)

Trong nhiều năm qua, Tiền Hải đã thúc đẩy các phong trào thi đua, phát triển kinh tế hộ gia đình, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…, đặc biệt phát triển kinh tế biển là kinh tế mũi nhọn. Qua đó đã huy động được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân vào phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự… Là người dân chúng tôi thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tích cực tập trung phát triển kinh tế gia đình, không ngừng phát huy đức tính cần cù, sáng tạo của ông cha để lại trong giai đoạn hiện nay mở rộng diện tích canh tác, vươn khơi bám biển làm giàu cho gia đình và xã hội.