Thứ 5, 02/05/2024, 00:07[GMT+7]

Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội

Thứ 4, 11/02/2015 | 19:34:30
788 lượt xem
Ngày 05 tháng 02 năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh ra Công văn số 374/UBND-VX về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

 

Toàn văn như sau:

 

Trong những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, tập trung chỉ đạo và đã có nhiều chuyển biến tích cực, các hoạt động lễ hội diễn ra an toàn, mang tính giáo dục truyền thống, tuyên truyền về mảnh đất và con người Thái Bình với du khách trong và ngoài tỉnh.

 

Tuy vậy, trong công tác tổ chức lễ hội còn bộc lộ một số tồn tại, các hoạt động không phù hợp với truyền thống, bản chất của lễ hội làm ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội, gây mất mỹ quan tại lễ hội. Nhằm hạn chế tình trạng trên, bảo đảm cho nhân dân tham dự các lễ hội trong không khí phấn khởi, vui tươi, an toàn và tiết kiệm; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công điện số 01/CÐ-UBND ngày 08/02/2014 và triển khai một số nhiệm vụ sau:

 

1. Tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và phổ biến pháp luật, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội và tham gia các hoạt động lễ hội; tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm; phát huy giá trị các di tích lịch sử

 

- văn hóa, không để tình trạng xây dựng, sửa chữa di tích, tiếp nhận công đức, tiến cúng bằng hiện vật đưa vào bài trí trong khuôn viên di tích khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; chủ động có kế hoạch di dời các hiện vật đưa vào trái phép ra khỏi di tích.

 

2. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời việc buôn bán, lưu hành các ấn phẩm văn hóa - tín ngưỡng, đồ chơi mang tính kích động bạo lực không được phép lưu hành, các hoạt động không phù hợp với truyền thống, bản chất của lễ hội làm ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội như: Lên đồng, xem bói, xóc thẻ, đốt mã, đốt hương tràn lan không đúng nơi quy định; không để hiện tượng ăn xin, xả rác tùy tiện, thả tiền, ném tiền, đặt tiền, đánh bạc... gây mất mỹ quan tại lễ hội.

 

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt các quy định trong tổ chức các hoạt động lễ hội; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên và kịp thời để chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong lễ hội. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, quy chế trong tổ chức các hoạt động lễ hội.

 

4. Công an tỉnh: Chỉ đạo lực lượng trong ngành phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các địa phương, các ngành liên quan xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và có biện pháp xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật như: trộm cắp, cờ bạc, trò chơi mang tính cờ bạc trá hình... tại các lễ hội.

 

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các tệ nạn xã hội, giải quyết các trường hợp ăn xin gây phản cảm tại các lễ hội.

 

6. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thái Bình, Ðài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân về các quy định quản lý và tổ chức lễ hội; mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của lễ hội trong đời sống xã hội; biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình trong việc quản lý và tổ chức tốt lễ hội. Tập trung tuyên truyền những nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội gắn với bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

 

7. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố:

 

- Chỉ đạo, quản lý, tổ chức và hướng dẫn các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tổ chức lễ hội theo đúng quy định, phù hợp với thuần phong, mỹ tục và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, an toàn và tiết kiệm;

 

- Chỉ đạo Ban tổ chức lễ hội bố trí, sắp xếp hàng quán, dịch vụ, nơi trông giữ phương tiện giao thông gọn gàng, thuận tiện cho nhân dân, tránh gây ùn tắc mất an ninh trật tự, tăng cường công tác vệ sinh môi trường (thu gom rác thải kịp thời, xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng hợp chuẩn); phòng chống cháy nổ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho di tích và nhân dân tham gia lễ hội;

 

- Nghiêm cấm các hoạt động thương mại hóa lễ hội, lợi dụng không gian lễ hội để kinh doanh những dịch vụ không phù hợp. Không để tình trạng vi phạm quy chế và các quy định trong tổ chức, hoạt động lễ hội; kiên quyết loại bỏ các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, nạn đốt đồ mã tràn lan, ăn xin, trộm cắp, tranh giành, đeo bám khách, tăng giá cả hàng hóa dịch vụ, đổi tiền lẻ, đốt pháo nổ, thả đèn trời, trang trí đèn lồng không rõ nguồn gốc xuất xứ... diễn ra trong lễ hội.

 

8. Ðề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể phối hợp với các cơ quan, chính quyền các cấp tham gia tuyên truyền vận động, giám sát và hướng dẫn nhân dân thực hiện việc quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng quy định của Ðảng và Nhà nước.

 

Nhận Công văn này, yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện.

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày