Thứ 2, 20/05/2024, 07:52[GMT+7]

Đông Hưng: Phòng, trừ bệnh đạo ôn hại lúa

Thứ 2, 06/04/2020 | 08:58:15
2,173 lượt xem
Từ giữa tháng 3 đến nay, thời tiết có mưa nhỏ, mưa phùn nhiều ngày, độ ẩm trong không khí cao, tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn hại lúa xuân phát sinh, phát triển nhanh. Mặc dù ngành chuyên môn, các địa phương trên địa bàn huyện Đông Hưng đã chủ động khuyến cáo nông dân phòng, trừ nhưng bệnh đạo ôn vẫn gia tăng, có nguy cơ ảnh hưởng đến nhiều diện tích lúa xuân.

Nông dân huyện Đông Hưng phun thuốc phòng, trừ bệnh đạo ôn cho lúa xuân.

Bệnh đạo ôn phát sinh từ thời kỳ mạ đến lúa chín và có thể gây hại nhiều bộ phận của cây lúa, từ lá, đốt thân, cổ bông đến hạt... Việc cấy dày, bón thừa đạm vào giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm đòng, trỗ bông, chín hoặc ruộng thiếu nước (giai đoạn sau trỗ) là những nguyên nhân khiến cho bệnh đạo ôn phát triển, gây hại mạnh. Bệnh thường phát sinh gây hại mạnh ở vụ lúa xuân, trong điều kiện thời tiết có độ ẩm cao, ban đêm có sương mù, mưa phùn liên tục trong nhiều ngày, biên độ nhiệt độ ngày và đêm cao. Ruộng gieo cấy giống nhiễm hoặc bón thừa đạm thường bị nặng hơn so với ruộng bón phân cân đối.

Vụ xuân năm nay, huyện Đông Hưng gieo cấy 11.463ha lúa, hiện nay lúa xuân sinh trưởng và phát triển tốt, đang trong thời kỳ cuối đẻ nhánh đến phân hóa đòng. Ngay từ đầu vụ, nhận biết những dấu hiệu bất thường của thời tiết, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện đã thường xuyên cử cán bộ về các địa phương để nắm bắt tình hình và đưa ra những giải pháp cụ thể, khuyến cáo tới người dân thông qua hệ thống đài truyền thanh xã, thị trấn và Đài TTTH huyện. Các địa phương trong huyện đã chủ động những biện pháp phòng, trừ sâu bệnh. Ông Trần Minh Bằng, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Trọng Quan cho biết: Với cơ cấu giống nhiễm chiếm trên 40% diện tích gieo cấy nên ngay từ đầu vụ, HTX đã đẩy mạnh tuyên truyền thông qua đài truyền thanh của xã, thông tin cho nhân dân về tình hình sâu bệnh, đặc biệt chú ý bệnh đạo ôn, khuyến cáo những loại thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả cho bà con. Đồng thời, điều tiết nước hợp lý trên các thửa ruộng, hướng dẫn bà con cách bón phân hợp lý: giảm đạm, tăng kali và phân chuồng đã hoai mục. Nhân dân trong xã cũng tăng cường theo dõi các thửa ruộng của gia đình, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo, nhờ đó bệnh đạo ôn được phòng, trừ kịp thời, lúa xuân sinh trưởng tốt.

Ông Phạm Văn Hinh, Giám đốc HTX DVNN xã Phú Châu cho biết: Bệnh đạo ôn hại lá là một trong những loại bệnh nguy hiểm đối với cây lúa từ khi còn là mạ non, thời kỳ đẻ nhánh và trổ bông. Với tình hình thời tiết có độ ẩm cao, mưa phùn nhiều và ít nắng như hiện nay thì chỉ trong thời gian ngắn bệnh đạo ôn có thể bùng phát trên diện rộng. Để bảo vệ sản xuất, HTX đã chủ động khuyến cáo, hướng dẫn nông dân sớm có biện pháp phòng trừ; nông dân cũng tổ chức phun thuốc phòng bệnh theo đúng hướng dẫn tuy nhiên do thời tiết mưa kéo dài khiến cho việc phun thuốc phòng bệnh bị gián đoạn, không phát huy được hiệu quả của thuốc. Xuất hiện một số điểm lúa lùn lụi tại hai hộ thuộc thôn Tăng, đây là diện tích chua, trũng, nông dân lại sử dụng giống nhiễm để gieo cấy. HTX đã hướng dẫn các hộ dân tiến hành vơ sạch lá già bị bệnh, phun 2 lần, cách nhau 4 - 5 ngày khi thời tiết tạnh ráo.

Theo điều tra của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, tỷ lệ bệnh đạo ôn trên đồng ruộng hiện nay trung bình từ 3 - 5%, nơi cao 10 - 15%, cá biệt đến 80 - 90%; trên cánh đồng một số xã xuất hiện điểm lúa lùn lụi: xã Đông Xá, Đông Sơn, Đông Cường, Minh Châu, Đông Vinh, Phú Châu, Hợp Tiến, Thăng Long...

Xác định việc bảo đảm ổn định lương thực, an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, trong đó, việc thực hiện thắng lợi toàn diện sản xuất vụ xuân 2020 có ý nghĩa hết sức quan trọng, những ngày này, cùng với tuyên truyền thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, huyện Đông Hưng lồng ghép khuyến cáo nhân dân không chủ quan khi phát hiện sâu bệnh trên lúa, đặc biệt là bệnh đạo ôn phải xử lý khẩn trương, kịp thời, dứt điểm. Thông báo nhanh tình hình sâu bệnh đến các hộ nông dân để chủ động phòng, trừ kịp thời đối với diện tích có mật độ, tỷ lệ sâu bệnh cao bằng các thuốc đặc hiệu để phun trừ, phun ướt đều 2 mặt lá; những ruộng bị bệnh nặng cần phun kép 2 lần cách nhau 5 - 7 ngày, không để bệnh phát sinh, phát triển ra diện rộng. Khi bệnh đạo ôn xuất hiện và phát triển, nông dân cần dừng ngay việc bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón qua lá, luôn giữ đủ nước trên ruộng. Khuyến cáo nông dân không phun thuốc tràn lan để tránh bùng phát rầy cuối vụ, gây tốn kém và ảnh hưởng tới môi trường.

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày