Xây dựng nông thôn mới trên quê hương cách mạng
Nâng chất nông thôn mới
Trong khuôn viên Khu di tích lịch sử Láng Le - Bàu Cò (xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) rợp mát bóng cây, ông Nguyễn Thế Hùng - người gắn bó với mảnh đất Tân Nhựt trong cả giai đoạn chiến tranh và hòa bình chia sẻ: Quê hương Bình Chánh nói chung, xã Tân Nhựt nói riêng giờ đã đổi thay, phát triển rất nhiều.
Từ trung tâm thành phố về tới huyện, xuống xã rất tiện lợi nhờ hệ thống giao thông được kết nối đồng bộ từ quốc lộ, đại lộ, tỉnh lộ; những con đường liên xã, liên ấp được nâng cấp hoặc làm mới, tráng nhựa hoặc trải bê-tông. Dọc các tuyến đường đê bao, thương lái chạy xe tải, xe máy đến tận ruộng, ao để thu mua lúa, cá. Nhiều vùng sình lầy xưa đã thành khu công nghiệp, khu đô thị...
Theo lãnh đạo UBND xã Tân Nhựt, trước đây do bom đạn chiến tranh tàn phá và ảnh hưởng của đặc điểm địa lý là vùng trũng, sình lầy, nhiễm mặn, Tân Nhựt - vùng căn cứ xưa như một vùng xa xôi, hẻo lánh, cơ sở hạ tầng nhất là hệ thống giao thông chưa hoàn thiện. Năm 2010, Tân Nhựt là một trong 6 xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2010 – 2015. Xác định mục tiêu cao nhất của xây dựng nông thôn mới chính là nâng cao đời sống nhân dân, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân đồng lòng, kinh phí được huy động từ nhiều nguồn, diện mạo nông thôn vùng căn cứ xưa đã đổi thay nhanh chóng. Người dân trong xã đã hiến trên 100.000 m2 đất để mở đường và xây dựng các công trình. Nhiều mô hình chuyển đổi từ trồng lúa năng suất thấp sang các mô hình nuôi cá cảnh, trồng rau an toàn phù hợp với vùng ven thành phố được thực hiện, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, Tân Nhựt tiếp tục thực hiện đề án Nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Thành phố Hồ Chí Minh và đã được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn “nông thôn mới nâng cao” năm 2019. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 63 triệu đồng/người/năm. Trước đó, thời điểm năm 2010, khi mới bắt tay vào thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân của người dân Tân Nhựt chỉ đạt khoảng 12 triệu đồng/năm.
Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt Phan Thị Mỹ Khuyên cho biết, hiện nay, trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh ở các vùng ven thành phố, việc xây dựng nông thôn mới như ở Tân Nhựt đòi hỏi phải có những bước chuyển phù hợp. Với mục tiêu tiếp tục nâng cao đời sống nhân dân, thời gian tới xã Tân Nhựt tiếp tục thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp sạch, không gây ô nhiễm môi trường, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học.
Xã cũng xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm của địa phương, đảm bảo gắn kết cung - cầu, đẩy mạnh ứng dụng và hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật sản xuất hiện đại cho nông dân. Bên cạnh đó, xã tiến hành cải tạo và nâng cao chất lượng phục vụ của chợ Tân Nhựt theo hướng văn minh, hiện đại, đưa các đơn vị bán hàng bình ổn vào chợ truyền thống.
Một mô hình chăn nuôi bò sữa hiệu quả tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Ảnh: Phan Minh Hưng/TTXVN
Cùng thuộc địa bàn huyện Bình Chánh, xã Vĩnh Lộc A – “vành đai lửa” trong kháng chiến chống Mỹ xưa, nay cũng đã có những bước đổi thay rất đáng kể. Với mục tiêu cao nhất là cải thiện nâng cao chất lượng sống cho người dân, cấp ủy Đảng, chính quyền ở địa phương tập trung thực hiện việc xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng...; trong đó có việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống cấp nước sạch tập trung trên các tuyến đường chính, các khu dân cư, tăng số hộ dân được sử dụng nước sạch. Đến hết năm 2019, trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A, đã có trên 32.800 hộ dân được tiếp cận và sử dụng nước sạch, đạt tỷ lệ 100%. Các công trình trường học, chợ, cơ sở khám chữa bệnh, nhà sinh hoạt văn hóa xã… được xây dựng khang trang. Các tuyến đường liên xã, liên ấp được thường xuyên được mở rộng, nâng cấp, tạo thuận lợi cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Đơn cử, trong năm 2019 vừa qua, từ nguồn ngân sách thành phố, huyện và xã, cùng một số nguồn hỗ trợ, sự đồng lòng của nhân dân, con đường mang tên đường Dân Công Hỏa Tuyến và đường Liên ấp 5 - 6 với chiều dài hơn 2.300m được nâng cấp với tổng mức đầu tư trên 128 tỉ đồng; nâng cấp tuyến đường Quách Điêu với tổng chiều dài 3.400m, chiều rộng mặt đường 7,5m, đáp ứng 2 làn xe, góp phần mang lại diện mạo mới cho địa phương vùng ven đô.
Nông dân xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp sang trồng rau màu nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và thổ nhưỡng trong vùng. Ảnh: Phan Minh Hưng/TTXVN
Theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, Phan Thanh Nhã: Xã Vĩnh Lộc A đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình nâng chất nông thôn mới Thành phố Hồ Chí Minh; tốc độ đô thị hóa rất nhanh với số dân của xã lên tới 124.000 người. Tiểu thủ công nghiệp hiện phát triển nhanh ở địa phương với tổng số trên 540 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nhưng cũng có hệ lụy là nhiều cơ sở còn chưa đảm bảo tiêu chí về môi trường. Năm 2020, xã đặt mục tiêu tiếp tục hoàn thành 2 tiêu chí còn lại trong bộ tiêu chí nâng cao chất lượng nông thôn mới của thành phố, trong đó có tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm.
Mặt trận nào cũng chiến thắng
Là người đã từng tham gia chiến đấu ở căn cứ Láng Le - Bàu Cò trong những năm chống Mỹ, sau năm 1975 tiếp tục công tác tại địa phương và từng có thời gian là Bí thư Đảng ủy xã Tân Nhựt (giai đoạn 1983-1991), cựu chiến binh Nguyễn Thế Hùng luôn trăn trở: Sau khi đất nước thống nhất, cuộc sống của người dân phải được sung túc, được quan tâm, chăm lo nhiều hơn. Vùng đất sình lầy nhiễm phèn, nhiễm mặn của quê hương Tân Nhựt dù có khó khăn, nhưng nếu quyết tâm và kiên trì chuyển hướng sản xuất, đời sống sẽ khấm khá. Vì vậy ông đã quyết tâm đi tiên phong, chuyển đổi mô hình sản xuất của gia đình. Nhờ chuyển từ canh tác cây lúa chỉ đủ nuôi sống gia đình sang mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp vườn - ao - chuồng, sau nhiều năm nỗ lực nay gia đình ông đã có cơ ngơi khang trang, thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông còn sẵn sàng hỗ trợ những gia đình khác về cây, con giống sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để giúp nhau cùng thoát nghèo.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Hùng không muốn nói nhiều về mình, ông bảo mấy năm nay tuổi đã cao nên việc phát triển kinh tế chủ yếu giao lại cho con cháu. Còn ông vẫn luôn phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên đã 52 năm tuổi Đảng, đóng góp tích cực trong công tác hội đoàn thể như Cựu chiến binh, Ban liên lạc Cựu tù chính trị...
Nói về đảng viên cao tuổi Đảng Nguyễn Thế Hùng với sự trân trọng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Nhựt Trương Vĩnh Thọ cho biết: “Chú Nguyễn Thế Hùng nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Tân Nhựt. Là thế hệ đi trước, chú luôn là tấm gương để các cán bộ, đảng viên ở địa phương học tập, làm theo. Nhiều năm qua, đặc biệt là trong thời gian xây dựng nông thôn mới, mặc dù đã nghỉ hưu, chú Hùng là người đi đầu trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất kinh tế nông nghiệp với mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng, trồng các loại hoa màu như rau cải, chăn nuôi lợn, cá... Chú đã được công nhận là Nông dân sản xuất giỏi của huyện Bình Chánh trong nhiều năm. Không những thế, chú luôn tích cực tham gia các hoạt động chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi; hỗ trợ cung cấp con giống để giúp nông dân ở địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp. Chú rất tích cực tham gia công tác tuyên truyền, vận động nông dân trong xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phù hợp hơn khi vùng đất trồng lúa ở xã Tân Nhựt đã bị nhiễm phèn.
Với vai trò là Trưởng Ban liên lạc Cựu tù chính trị và Cựu chiến binh huyện Bình Chánh và Phó Ban liên lạc của xã Tân Nhựt, chú cùng các đồng đội của mình thường xuyên đóng góp, tham gia tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về lịch sử và truyền thống yêu nước của nhân dân huyện Bình Chánh nói chung, xã Tân Nhựt nói riêng, chú và gia đình luôn gương mẫu chấp hành và tích cực vận động người dân cùng chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương”.
Theo baotintuc.vn
Tin cùng chuyên mục
- Một số giải pháp thúc đẩy CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội 28.10.2024 | 11:31 AM
- Mường Thàng trước cơ hội bứt phá: Bài 1 - Những điểm sáng thực hiện nghị quyết của Đảng 11.10.2023 | 16:52 PM
- Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới 04.06.2022 | 23:54 PM
- Giải bài toán rác thải sinh hoạt nông thôn 22.12.2021 | 13:55 PM
- Hà Nội: Tích cực triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025 19.07.2021 | 09:47 AM
- Tuổi trẻ cả nước ra quân làm đường, xây cầu thắp sáng những miền quê 18.07.2021 | 20:55 PM
- Đồng lòng hiến đất để làm đường liên thôn, liên xã ở Đắk Nông 17.07.2021 | 15:47 PM
- Hà Nội sẽ ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao 17.07.2021 | 15:47 PM
- Huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An): Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực phấn đấu về đích huyện nông thôn mới năm 2021 16.07.2021 | 15:00 PM
- Nam Định: Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên ở xã vùng giáo 15.07.2021 | 14:49 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh