Thứ 6, 03/05/2024, 12:32[GMT+7]

Phòng, chống tác hại của thuốc lá cho nhóm lao động tự do

Thứ 2, 15/06/2020 | 10:10:53
1,467 lượt xem
Việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đã được tăng cường thực hiện nhiều năm nay, qua đó góp phần làm giảm mạnh số người hút thuốc lá trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc giảm số lượng người hút thuốc lá trong nhóm người lao động tự do chưa có nhiều chuyển biến.

Thợ xây hút thuốc trong giờ giải lao.

Nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh năm 2018 cho thấy, nhóm làm nghề tự do có tỷ lệ hút thuốc lá cao thứ hai sau nhóm nông dân. Độ tuổi có tỷ lệ hút thuốc nhiều nhất là nhóm từ 50 - 59 tuổi và có 91,2% người bắt đầu hút thuốc trước 25 tuổi. Cùng với tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng, việc tuyên truyền cho từng nhóm đối tượng như nông dân, học sinh, sinh viên, lái xe... đã được thực hiện phù hợp, song với nhóm lao động tự do, việc tiếp cận tuyên truyền còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân do tính chất công việc, thường xuyên thay đổi địa điểm, nơi làm việc, thời gian làm việc nên bản thân người lao động tự do ít có thời gian tiếp nhận các thông tin về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Khi hết giờ làm lại ở xa nhà, nhiều lao động tự do thường tìm đến thuốc lá, rượu như một cách để quên đi mệt nhọc.

Anh H.K.D (Vũ Thư) chia sẻ, từ ngày đi làm thợ xây anh bắt đầu làm quen với thuốc lá. Thời gian đầu, mỗi ngày anh hút khoảng 5 điếu nhưng rồi thành quen, số lượng thuốc hút cứ tăng dần. Đến nay, mỗi ngày anh hút gần 1 bao. Không chỉ hút ở công trường, khi về nhà anh cũng hút thuốc. Anh D chia sẻ: Công việc nặng nhọc, môi trường làm việc nóng bức, đôi khi phải đối mặt rủi ro, thậm chí là tai nạn nếu bất cẩn... nên thợ xây tự do chúng tôi thường tìm đến thuốc lá để hút cho đỡ căng thẳng. Khi đã hút rồi thành thói quen, khó bỏ. Trong giờ giải lao, thấy người bên cạnh hút, mình không có điếu thuốc cũng thấy buồn nên lại hút. Nhiều lần muốn bỏ thuốc lá, song đến nay anh D vẫn chưa thành công.

Công việc làm thuê, mức thu nhập bấp bênh nên các loại thuốc lá mà thợ xây hay nhiều lao động tự do lựa chọn thường là thuốc lá rẻ tiền. Bên cạnh thuốc lá, nhiều người còn hút thêm cả thuốc lào.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam hiện nay có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Đến năm 2030, con số này có thể tăng lên tới 70.000 người/năm. Ngoài ra, hút thuốc cũng làm suy yếu hệ miễn dịch cơ thể và là tác nhân gây ra các bệnh về tim mạch và nguy cơ viêm đường hô hấp.

Bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của các sản phẩm thuốc lá và các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở một số địa phương trồng cây thuốc lào và thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát liên ngành việc xây dựng môi trường không khói thuốc, việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đồng thời khen thưởng, nhân rộng những mô hình, điển hình và xử lý những đơn vị, địa phương chưa thực hiện tốt quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Riêng đối với nhóm lao động tự do, trong thời gian tới sẽ tập trung tuyên truyền về tác hại của thuốc lá với sức khỏe con người, có những video hình ảnh gây bệnh ung thư, tim mạch, bệnh phổi cấp và mạn tính... gây tử vong để mọi người nhận thấy tác hại của thuốc lá, từ đó nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tiến tới giảm hút hoặc không hút thuốc lá.

Thu Hà


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày