Thứ 6, 22/11/2024, 06:30[GMT+7]

Pháo đài đồng bằng

Thứ 2, 29/06/2020 | 16:04:39
4,069 lượt xem

Ảnh minh họa.

Khoắng chân qua loa cho bớt bùn, Đa mặc quần áo. Chui qua gầm cầu, sang bên kia bãi, Đa chúm môi thổi tiếng chim ám hiệu. Anh Tiệm đã đến đây từ nãy. Cả anh Đức, bộ đội 88.

Những bụi cỏ gianh, cỏ lông mọc xen giữa lớp rào gai, chui ngang đan chéo vào từng khe từng kẽ, làm cho bọn lính gác ở các lô cốt chỉ thấy một mảng đen xám. Đa ở đây nhìn rõ lối vào hàng rào. Những lối có thể qua lại không gây tiếng động, Đa đã dòm từ lâu, dòm ban ngày, từ trong đồn ra, từ ngoài bãi vào, rất chắc chắn. Đa nhẹ nhàng bò trước, đưa các anh vào chỗ có mìn.

Cách đây ít lâu, Đa xin ông hàng phở cho về làng ăn giỗ mẹ, rồi học cách gỡ mìn. Các anh bộ đội 88 hướng dẫn. Vậy mà hôm nay nằm bên quả mìn, Đa rờn rợn... Se sẽ dứt cái lá vướng trước mặt, nghiêng mắt nhìn chênh chếch, thấy rõ cái chốt mìn, Đa móc túi lấy kim băng, bật tách. Nhẹ nhàng sờ tìm cái lỗ nhỏ xuyên ngang chốt mìn. Cái chốt chỉ cần thụt xuống một tí là mìn nổ... Đa hồi hộp... Cẩn thận nhá, động khẽ vào nó thôi. Êm, chính xác... Tay trái sờ cái lỗ, tay phải luồn kim băng... Xuyên qua rồi. Gài kim băng lại.
Gỡ quả đầu an toàn, Đa vững tay gỡ quả thứ hai, thứ ba, xếp vào bị cói...
Đêm ấy ba anh em gỡ được hai chục quả.
Hôm sau, Đa ra bờ sông câu cá. Lượn qua xem chỗ gỡ mìn. Đa để lại mấy dấu vết. Một cái lá dứt xuống đất mới héo. Dăm ngọn cỏ non gãy gập... Đa lo có thằng giặc nào nhìn thấy.
Từ sáng đến chiều, không thấy giặc để ý tới chỗ gỡ mìn. Đa bảo Quý đưa tin về cho anh Tiệm.

Đêm thứ hai, anh Tiệm và anh Canh đi gỡ.
Liền những đêm sau nữa, tổ gỡ mìn mang về hơn trăm quả. Chỉ mới hết một phần ba số mìn ở hàng rào phía bãi sông. Anh Tiệm bảo Đa: “Còn phải gỡ nữa. Gỡ hết được càng tốt”.
Hai đêm sau, Đa và anh Canh lại vào. Đa ngồi cách chỗ anh mươi bước. Bỗng một tiếng nổ đánh “ùm”, Đa giật nảy người. Rồi ngay lập tức, những tia lửa cầu vồng vàng lóe, những tiếng “pằng, pằng...” từ lỗ châu mai các lô cốt chĩa vào chỗ mìn nổ, chỗ anh Canh.
Đa vội luồn ra ngoài, trườn thốc xuống ruộng khoai, nép vào một cái rãnh, kéo đám cỏ lông phủ lên người... Những cái lông cỏ nhọn như kim, chọc vào má, vào cổ, không đau nhưng rặm ngứa không chịu được. Đa co cổ, co má để tránh. Tránh chỗ nọ bị cọ chỗ kia. Đa vội chui ra, trườn dọc rãnh... Trên lưng Đa, đạn trung liên, đạn súng trường bay chiu chíu, veo véo...

Giặc bắn một chặp, ngừng lại nghe ngóng. Thấy im ắng, chúng chiếu đèn pin ra chỗ mìn nổ. Rồi bắn cầm canh suốt đêm. Quá nửa đêm, Đa từ rãnh khoai luồn về bếp ông hàng phở.
Hôm sau, Đa đứng lẫn vào đám lính ngụy, nhìn nơi mìn nổ. Anh Canh quỳ lom khom bên đống dây thép gai. Anh chết trong tư thế của người đang gõ mìn. Chúng nó không biết anh là người ở đâu.


*
*     *

Cụ Thụ ngồi bên bếp. Mớ củi gốc nhãn, than đượm đỏ lừ làm cụ nhớ cái lò rèn ở quán chợ Nguyễn năm xưa... Giá còn đôi ống bễ, mình phải làm hàng trăm bàn chống sắt chứ không chịu.

Từ sáng đến giờ, cụ nung mấy chiếc gọng bừa vào bếp, đưa lên đe, vuốt nhọn và cắt ngạnh. Bàn chông này chôn cửa chuồng gà. Thằng giặc nào hám ăn thịt gà bước vào, thụt một phát thủng suốt bàn chân.

- Cu con ơi!... Tìm chú Tuyền sang ông bảo cái này nhá!
- Vơơng! - Thằng cu con đang chơi cù, vội chui tọt qua giậu ruối, chạy biến.
Một lúc sau, Tuyền sang, tay cầm con dao và mớ thanh tre.
Gì đấy cụ? Vào đây... Chú! - Cụ Thụ nhìn cái bàn chông năm mũi nhọn hoắt, rồi nhìn Tuyền - Thủng giày xăng đá chứ?
Tuyền cầm mũi chông lay lay:
- Thủng! Vào gan bàn chân thì có giời rút. Ngạnh sâu thế này.
Cụ Thụ cười, hể hả nhìn thứ vũ khí chính mình tạo ra:
- Này, tôi bàn với anh. Có cách nào xoay cho tôi đôi bễ...
- Bễ cụ đâu?
- Giặc đốt nhà, cháy cả bễ... Than cũng hiếm. Xoay được hai cái ấy, ta nhặt nhạnh bừa cùn, dao mẻ, làm phải được hàng trăm bàn chông... Chông tre cũng cần làm. Tre già, vót nhọn, ngâm nước giải trâu, chỉ sứt da cũng sưng vù, mâng mủ... Nhưng phải làm thêm chông sắt.
Tuyền nghĩ, tay vót vót thanh tre... Những thứ khó mua lâu nay phải nhờ bà Bát... Bễ rèn, than đá, giặc sợ ta rèn giáo mác, không cho đem từ vùng tề ra vùng căn cứ. Nhất là cái ống bễ lềnh kềnh khó mang...

- Cụ xem có cách nào?... Tôi chỉ còn cách nhờ bà Bát... Nhưng cũng khó...
Cụ Thụ vê điếu thuốc đưa lên môi vừa thổi vừa nghĩ. Điếu thuốc khô hanh mềm ra. Cụ nhét vào điếu, ngón tay vun vun, dặt dặt, mắt nhìn đi đâu đâu. Một lúc sau, cụ bảo Tuyền:
- Cái khoản bễ... anh bàn với ông phó Mật. Kiếm bốn mảnh gỗ xoan ghép vào thành cái ống vuông. Lá khoai giã nát trộn cám, trít tha hồ kín... Thế là được rồi!... Còn than, nhờ bà Bát xoay. Mua lại của cánh thợ rèn chợ Bo. Đắt cũng phải mua... Xem ra giáo mác, mã tấu cũng cần sửa lại đấy... Phá tề là cần đến nó...

Tuyền ra ngõ, sải chân một mạch đến nhà ông phó Mật: Ông ngồi bên ngưỡng cửa. Chiếc kính lão mắt bằng lá khế trễ xuống sống mũi, ông cặm cụi “rửa” cưa. Tiếng giũa cọ vào răng cưa cọt cọt... Bên cạnh ông, một hòn đá nháp nâu già và hòn đá màu xanh xám. Sáu bảy lưỡi bào, lưỡi chàng vừa mài sắc lẻm. Dưới bếp, bác phó Thiết cặm cụi lướt lưỡi bào vào cạnh chiếc cửa hầm bí mật hình chữ nhật, thoạt trông như cái phướng đựng cám cho lợn ăn. Thấy Tuyền, bác Thiết vẫy vẫy:
- Anh vào đây tí đã... Tôi vuốt cạnh thế này, anh xem được chưa?
Tuyền khom lưng vào bếp, lồng cái nắp hầm vào khung cửa hầm, vừa khít, cạnh sắc và mỏng... Anh xuýt xoa:
- Khéo lắm! Bác cứ làm cho thế này.
Rồi anh đứng lên, chụp chiếc khung cửa hầm vào đầu, đưa qua vai xuống hông, lọt thỏm.
- Vừa lắm... Nhưng con gái... khéo chật, bác ạ. Có lần cái The dưới hầm lên, lưng lôi theo cả cửa hầm, trông như Đổng Trác đeo đai. Chết cười được!
- Tôi phải làm riêng cho nữ một loại đấy! Rộng hơn.

Bác Thiết gạt đống rơm góc bếp, cho Tuyền xem hai loại cửa hầm mới làm. Gỗ lim, gỗ xoan đủ thứ, bào gọt nhẵn nhụi. Đôi chỗ còn vết than cháy. Tổ mộc nhặt nhạnh gỗ đình chùa cháy dở, đóng hàng trăm cửa hầm cho du kích... Tuyền nhớ hồi giặc mới đánh, kinh nghiệm làm hầm của ta còn ít, cửa hầm khoét tròn như miệng hố cá nhân, nắp hầm là rổ đựng đất. Khó hóa trang, giặc dễ tìm thấy. Sau đấy, chả biết ai nghĩ ra cửa hầm gỗ, rất tốt, nhưng phải thợ mộc mới làm được. Thế là, bác Mật, bác Thiết đứng ra. “Chúng tôi già rồi, không đánh giặc được thì làm cửa hầm cho các anh. Việc đánh giặc, lúc đầu tưởng chỉ có bắn súng, giật mìn, chỉ cần có du kích. Lâm sự mới thấy nhiều cái phải làm. Mấy anh trong chi ủy không lường hết được. Huyện, tỉnh hướng dẫn vẫn chưa đầy đủ. Có nhiều việc dân nghĩ ra, gợi cho cán bộ cùng nghĩ, rồi cùng làm. Có việc bình thường, có việc rất quan trọng.

Tuyền bàn việc đóng ống bễ. Hai ông thợ mộc nhận làm ngay: “Tưởng gì chứ cái ấy chúng tôi làm một ngày là xong”.

Bút Ngữ 
(Thành phố Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày