Thứ 4, 24/07/2024, 08:26[GMT+7]

Phát triển đội ngũ giáo viên đầu đàn để nâng cao chất lượng giáo dục

Thứ 2, 25/03/2013 | 14:11:12
1,114 lượt xem
Thực tế cho thấy đội ngũ giáo viên đầu đàn đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Ảnh mang tính minh họa

Quyết định số 959/QÐ-TTg ngày 24-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ  về phê duyệt Ðề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông (THPT) chuyên giai đoạn 2010-2020 đã xác định: "Chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên đầu đàn về hoạt động chuyên môn trong hệ thống trường trung học phổ thông  chuyên, tạo điều kiện giúp họ trở thành những nhân tố tích cực, là tấm gương trong việc rèn luyện đạo đức, tự học, sáng tạo...". Thực tế cho thấy đội ngũ giáo viên đầu đàn đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Theo PGS, TS Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên - Ðại học (ÐH) Khoa học tự nhiên (ÐH Quốc gia Hà Nội): Trong mọi hoạt động của hệ thống giáo dục đào tạo luôn cần nhiều thầy giáo giỏi, có kinh nghiệm. Trong xu thế phát triển nhanh của khoa học công nghệ thì kiến thức của người thầy hằng năm luôn phải được bổ sung và nội dung giảng dạy của các trường luôn được chỉnh sửa, bổ sung mới. Kiến thức và phương pháp giảng dạy của các thầy giáo hiện nay khác so với mười năm trước. Song song với việc xây dựng hoàn thiện môi trường giáo dục cho học sinh ở bậc phổ thông như dạy kỹ năng sống, phần mềm, tổ chức các hoạt động ngoại khóa và xã hội thì việc nâng cao, tăng cường nội dung và phương pháp giảng dạy còn là công việc quan trọng hơn.

 

Không chỉ ở Việt Namon> mà ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến cũng đang thiếu và rất cần giáo viên có trình độ cao, giàu kinh nghiệm. Ðể đào tạo đội ngũ giảng dạy cần thiết này có hai cách: Ðào tạo đội ngũ cán bộ trẻ từ các trường đại học và nâng cao trình độ, bổ sung phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giáo viên hiện đang công tác. Cách làm thứ hai được đánh giá có hiệu quả và nhận được thành công trong thời gian ngắn. Không chỉ nước ta mà rất nhiều nước trên thế giới đều nhận ra rằng, cách tốt nhất là đào tạo các giáo viên chủ chốt vì từ mỗi giáo viên này lại đào tạo lại và giúp đỡ các đồng nghiệp của mình trong công tác giảng dạy hằng ngày.

 

Thực tế hiện nay, đội ngũ giáo viên đầu đàn trong các trường chuyên còn bất cập về số lượng, cơ cấu, năng lực tổ chức hoạt động chuyên môn, chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của nhà trường trong giai đoạn mới. Ở nhiều trường chuyên hiện nay vẫn có hiện tượng những giáo viên giữ vai trò chủ chốt vì họ có thâm niên công tác cao, có kinh nghiệm trong giảng dạy nhưng lại hạn chế về khả năng tiếng Anh, tin học và khả năng tiếp cận, cập nhật kiến thức mới. Một số giáo viên trẻ dù được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ và có trình độ tiếng Anh, tin học khá nhưng chưa có những kinh nghiệm chuyên môn sư phạm của các giáo viên đầu đàn. Mặt khác, lực lượng đội ngũ giáo viên đầu đàn trong các trường chuyên còn quá mỏng, hầu hết lại bị chi phối bởi công việc giảng dạy quá tải. Vì vậy, việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn, tự nâng cao nghiệp vụ chưa có hiệu quả. Các hoạt động nghiên cứu khoa học giáo dục, sáng kiến cải tiến chưa được đẩy mạnh; các giáo viên đầu đàn chưa thể hiện được vai trò đi đầu của mình, nên hạn chế nhiều tới việc nâng cao năng lực chuyên môn của các trường chuyên.

 

Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Ðịnh) Cao Xuân Hùng cho rằng: Cần phải xây dựng định hướng về chuyên môn, cải tiến phương pháp giảng dạy để giáo viên luôn có ý thức tự rèn luyện trong từng giờ lên lớp. Với các lớp chuyên, giáo viên cần đa dạng hóa các hình thức dạy học, chú trọng việc dạy theo hướng giao nhiệm vụ tự học, tổ chức thảo luận, kiểm tra và đánh giá, rút kinh nghiệm sau đánh giá. Ðịnh hướng nhiệm vụ như vậy buộc giáo viên luôn tìm tòi các phương pháp và hình thức phù hợp từng đối tượng, từng nội dung  cụ thể trong quá trình dạy. Tạo ra áp lực và động lực vừa đủ để giáo viên có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ và tìm được hứng thú trong công việc. Tổ chức đánh giá định kỳ, nhân điển hình tiên tiến, rút kinh nghiệm những hạn chế sau đánh giá, xây dựng các tiêu chí thi đua, chế độ khuyến khích bằng vật chất và tinh thần phù hợp.

 

Ðể xây dựng, phát triển mạng lưới đội ngũ giáo viên đầu đàn trong các trường chuyên, trước hết cần thay đổi về nhận thức vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển đội ngũ này trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục. Song chúng ta cần phải xác định rõ các tiêu chí chung về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm, khả năng quản lý... từ đó có cơ sở quy hoạch, phát triển đội ngũ giáo viên đầu đàn cho các trường chuyên trong việc lựa chọn xây dựng mạng lưới. Các cơ sở đào tạo bồi dưỡng giáo viên cần từng bước đưa vào chương trình đào tạo một số môn, học phần về khoa học giáo dục hiện đại mà nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã sử dụng. Bên cạnh đó, cần phát hiện những sinh viên có năng khiếu chuyên môn và quản lý để có kế hoạch bồi dưỡng nhằm phát triển các phẩm chất trí tuệ, năng lực hoạt động xã hội và các phẩm chất của người giáo viên đầu đàn sau này.

 

Ðể đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế, việc phát triển đội ngũ giáo viên đầu đàn cho ngành giáo dục và đào tạo, nhất là cho các trường chuyên là hết sức cấp thiết. Ðội ngũ giáo viên này luôn là một trong những nhân tố quan trọng nhất góp phần quyết định sự phát triển của một nhà trường, bởi lẽ chính họ là đầu tàu tham gia tổ chức thực hiện có hiệu quả các khâu của quá trình dạy học, giáo dục và phát triển chuyên môn, phát triển nhà trường.

Nguồn nhandan.com

  • Từ khóa