Thứ 4, 24/07/2024, 08:19[GMT+7]

Phòng Giáo dục và Ðào tạo Kiến Xương Chú trọng thực hiện quy chế dân chủ

Thứ 2, 06/05/2013 | 09:31:35
1,241 lượt xem
Nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa, tác dụng của việc phát huy quyền làm chủ của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Phòng Giáo dục và Ðào tạo Kiến Xương đã phổ biến đến tất cả các đơn vị trực thuộc Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị định số 71/1998/NÐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 04/2000/QÐ-BGD&ÐT của Bộ Giáo dục và Ðào tạo về việc ban hành và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở.

Ðồng chí Nguyễn Anh Minh, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo Kiến Xương báo cáo kết quả thực hiện QCDC với Ðoàn công tác của Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở tỉnh.

Lãnh đạo Phòng xác định, thông qua việc ban hành và thực hiện QCDC với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” sẽ góp phần bảo đảm cho mọi cán bộ, giáo viên, nhân viên được quyền giám sát, kiểm tra, đóng góp ý kiến, tham gia vào mục tiêu xây dựng và phát triển của trường nói riêng, của toàn ngành nói chung.

Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Anh Minh, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo, những năm qua, các trường trên địa bàn huyện đã quan tâm, thực hiện khá tốt việc tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức từ tổ công đoàn đến cấp trường. Ðây thực sự là diễn đàn dân chủ, là cơ hội tốt để cán bộ, công chức, viên chức tham gia đóng góp ý kiến trong các lĩnh vực mà họ quan tâm mà không nặng nề, hình thức hóa. Ðồng thời, họ cũng biết rõ hơn quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình cũng như của thủ trưởng cơ quan, từ đó nghiêm chỉnh chấp hành các quy chế, quy định về thực hiện dân chủ và tham gia giám sát việc thực hiện trách nhiệm của thủ trưởng trong toàn bộ các hoạt động của cơ quan.

Hàng năm, Phòng và các trường đều công bố công khai kế hoạch về phát triển, tuyển sinh, dạy học, xây dựng cơ sở vật chất và các hoạt động khác, các báo cáo sơ kết, tổng kết, nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức… Nội dung công khai bao gồm: cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; kế hoạch xây dựng cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia và kết quả đạt được qua từng mốc thời gian; các điều  kiện bảo đảm chất lượng giáo dục (cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên, vấn đề thu chi tài chính). Với công tác tài chính, các trường đã công khai kinh phí hoạt động (kinh phí do ngân sách cấp và các nguồn tài chính khác) và quyết toán kinh phí hàng năm, quy chế chi tiêu nội bộ; các khoản đóng góp của học sinh, khoản nào được thu theo quy định, khoản nào thu theo thỏa thuận. Việc sử dụng các khoản đóng góp đó đều được các trường bàn bạc, thống nhất với phụ huynh học sinh, có tờ trình và được sự đồng ý của HÐND, UBND các xã, thị trấn.

Thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp hoặc qua các tổ chức đoàn thể, các trường đã thực hiện tốt những việc cán bộ, giáo viên, nhân viên được biết, tham gia ý kiến, giám sát, kiểm tra. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Ban Thanh tra nhân dân của các trường thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ giám sát của mình - nhất là đối với việc thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước, việc bảo đảm quyền và lợi ích của đội ngũ cán bộ, giáo viên, việc sử dụng kinh phí hoạt động, quản lý và sử dụng tài sản của cơ quan… Cấp ủy, ban giám hiệu các trường luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho ban chấp hành công đoàn và các đoàn thể tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước và của ngành; phát động các phong trào thi đua động viên cán bộ, đoàn viên hăng hái học tập, nâng cao trình độ, thi đua dạy tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; chú ý lắng nghe, ghi nhận, tiếp thu những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, đoàn viên, trên cơ sở đó phản ánh, tham mưu với cấp ủy, ban giám hiệu có biện pháp giải quyết kịp thời, góp phần giữ vững ổn định, thúc đẩy nâng cao chất lượng các hoạt động chuyên môn.

Ðối với công tác quản lý, chỉ đạo việc dạy thêm, học thêm trong các nhà trường, Phòng Giáo dục và Ðào tạo Kiến Xương đã triển khai các quyết định của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Ðào tạo chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm, quy trình cấp giấy phép dạy thêm, học thêm, đồng thời xây dựng kế hoạch thanh tra việc tổ chức dạy thêm, học thêm của các đơn vị. Qua thanh tra cho thấy, các đơn vị đều thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trên, không có hiện tượng dạy thêm, học thêm trái quy định. Các trường đều có đủ hồ sơ được phê duyệt của Phòng Giáo dục và Ðào tạo, đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

Việc tổ chức dạy thêm, học thêm chủ yếu nhằm phụ đạo cho những học sinh có học lực yếu, kém, bồi dưỡng học sinh giỏi và những học sinh có nguyện vọng củng cố, bổ sung kiến thức để thi vào THPT. Mức đóng góp đều có sự thỏa thuận, nhất trí giữa nhà trường với phụ huynh học sinh. Trong toàn huyện không có đơn thư về dạy thêm, học thêm vượt cấp, không có hiện tượng bắt ép học sinh học thêm. “Nhìn chung, việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn huyện đã được quản lý chặt chẽ” - Trưởng phòng Nguyễn Anh Minh khẳng định.

Bài, ảnh: MINH SƠN

  • Từ khóa