Thứ 5, 02/05/2024, 14:11[GMT+7]

Vũ Thư Xây dựng xã hội học tập

Thứ 6, 26/11/2010 | 09:05:39
2,264 lượt xem
Vũ Thư - miền quê giàu truyền thống hiếu học. Trước cách mạng tháng 8, toàn huyện có 21 vị đỗ Đại khoa, 12 làng được suy tôn “làng có truyền thống hiếu học”. Làng Lạng, xã Song Lãng được vinh danh là làng văn hiến. Hiện nay, hệ thống giáo dục huyện Vũ Thư có 107 trường, thu hút gần 6 vạn học sinh, bằng ẳ dân số của huyện

Cô Nguyễn Thị Quế Trường THCS Tân Hòa giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, học sinh của cô - em Vũ Thu Thảo, thủ khoa, hoa trạng nguyên xã Tân Hòa

Chắp cánh ước mơ

Chủ tịch hội khuyến học huyện , ông Lê Anh Quản cho biết: Chưa năm nào, Vũ Thư lại vinh dự như năm nay vì hàng trăm em đỗ đại học, cao đẳng, có 3 học sinh thủ khoa, được nhận giải thưởng Hoa trạng nguyên và quà của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Đó là em Đinh Thị Thu Trang (thôn Trung Hòa, Vũ Vinh).

Em thi đỗ 2 trường đại học (Đại học kinh tế 26,5 điểm, Đại học y Thái Bình 25 điểm). Bố mẹ em đều làm nông nghiệp, nuôi 2 con ăn học và một người chị gái bị khiếm thị. Do kinh tế hạn hẹp nên hầu như Trang không học thêm mà chủ yếu tự học. Liên tục 12 năm, Trang đều là học sinh giỏi.

Em Vũ Ngọc Hùng (thôn Thái Phú Đoài, Hồng Phong), thi Đại học Bách Khoa đạt 28,5 điểm, Đại học y Thái Bình 28 điểm. Xã Hồng Phong cách trung tâm huyện khá xa nên em Hùng học ở trường PTTH Lý Tự Trọng, huyện Nam Trực, Nam Định. Hàng ngày, đi qua con phà sang sông.

Ngày mưa, ngày nắng, Hùng vẫn chuyên cần học tập và năm nào em cũng là học sinh đứng đầu lớp. Em Vũ Thu Thảo (thôn Nam Bi, Tân Hòa) thủ khoa lịch sử - trường Đại học sư phạm I Hà Nội với 27,5 điểm (văn 8,5; sử 9,75, địa 9,25). Bố mẹ làm nông nghiệp, từ năm học cấp 2 Thảo đã mắc chứng bệnh đau đầu liên miên nhưng em vẫn vượt lên hoàn cảnh bằng nghị lực hiếm có.

Năm lớp 11, bác sỹ phát hiện em bị u não gây ứ phù gai thị, mắt mờ, ù tai. Sau 2 tuần Bệnh viện Việt Đức mổ xong, điều trị thêm ở Bệnh viện Đa khoa Thái Bình 1 tuần, em lại đạp xe đến trường. Để theo kịp các bạn những ngày nghỉ học em phải cố gắng rất nhiều với sự giúp đỡ, động viên của thày cô và các bạn.

Thảo có thành tích học tập thật đáng trân trọng, ở môn Lịch sử: Năm lớp 9 em đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; lớp 10 thi học sinh giỏi khu vực duyên hải bắc bộ, Thảo đạt giải 3; năm lớp 11, Thảo được giải nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh; lớp 12, Thảo giành 3 giải cao: giải nhất tỉnh và giải nhất kỳ thi Olympic, giải nhì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ phải bỏ học đã được các thày cô giáo, các bạn và hội khuyến học tiếp sức để vượt lên khó khăn. Đó là em Đào Thị An lớp 9C trường THCS Vũ Vân  nhà nghèo, không thể đi dự bồi dưỡng học sinh giỏi ở huyện. Nhà trường, dòng họ đã mua cho em 1 xe đạp trị giá hơn 300 ngàn đồng, hỗ trợ em kinh phí sách vở...

Em An đã vượt qua khó khăn đạt giải nhì môn ngữ văn toàn tỉnh. Em Trần Thị Tân, mẹ mất sớm, bố ốm yếu, em được Hội khuyến học chùa Tống Linh (xã Xuân Hòa) cấp học bổng khuyến học và động viên em suốt chặng đường vượt khó đến trường, thi đỗ vào trường Đại học sư phạm 2.

Cuộc vận động do công đoàn ngành giáo dục phát động “mỗi giáo viên đỡ đầu một học sinh”, năm học 2009-2010, Khối THCS có 798 cán bộ giáo viên đỡ đầu 810 em.

Các nhà trường xây dựng quỹ hỗ trợ học sinh nghèo số tiền 77,94 triệu đồng, trích quỹ giúp đỡ 225 em khắc phục khó khăn đến lớp. Bậc tiểu học có 845 học sinh nghèo được các thầy cô thường xuyên giúp đỡ. Qua 5 năm, các thầy cô đã đỡ đầu 5.784 em, hỗ trợ các em trị giá 385 triệu đồng, hàng trăm bộ quần áo, hàng ngàn cuốn sách vở, dụng cụ học tập.

Hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", nhiều phòng ban của Huyện ủy, UBND huyện đã làm hòm tiết kiệm, số tiền này được dùng trợ giúp người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Trong 5 năm (2005 - 2010), toàn huyện đã trao 8.531 suất học bổng trị giá 614 triệu đồng, tặng thưởng 25.708 lượt học sinh đạt thành tích cao trong học tập với tổng số tiền gần 1,3 tỷ đồng. Các nhà tài trợ còn trao 44 suất học bổng trị giá trên 13 triệu đồng cho con em đối tượng chính sách xã hội.

Nhân rộng mô hình khuyến học

Qua 10 năm thành lập Hội Khuyến học huyện, hiện nay toàn huyện có 45 hội Khuyến học của 30 xã, thị trấn, 15 cơ quan xí nghiệp, 207 chi hội thôn, 99 chi hội trường học, thu hút 42.526 hội viên, bằng 17,5% dân số huyện.

Toàn huyện có 298 dòng họ làm khuyến học, 192 dòng họ được công nhận. Gần đây có thêm 2 nhà chùa, 6 xứ đạo hoạt động khuyến học. Với mục tiêu xây dựng xã hội học tập, Vũ Thư đang tập trung đầu tư chuẩn hóa cơ sở vật chất hệ thống giáo dục mầm non, tiểu học và THCS, chuẩn hóa và trên chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên.

Tại các xã, lấy  trung tâm học tập cộng đồng là nòng cốt xây dựng xã hội học tập. 4 năm qua, các trung tâm học tập cộng đồng thu hút 654.720 lượt người tới học các lĩnh vực, góp phần chủ động nâng cao trình độ pháp luật và kiến thức khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Để phục vụ công tác khuyến học có hiệu quả, toàn huyện đã huy động quỹ khuyến học 3,913 tỷ đồng (quỹ xã và chi hội 1,927 tỷ đồng; quỹ dòng họ 1,498 tỷ đồng; khối cơ quan xí nghiệp 444 triệu; quỹ huyện 43 triệu đồng).

Trong 5 năm tới, 2010-2015, Vũ Thư phấn đấu phát triển hội viên khuyến học đạt 18,5% dân số toàn huyện; có 20% số hộ đạt gia đình hiếu học, toàn huyện có 252 dòng họ khuyến học. Tiếp tục xây dựng mô hình thôn làng khuyến học, xã khuyến học, cơ quan đơn vị đạt danh hiệu xã hội học tập cấp cơ sở.

Bài, ảnh: Bảo Linh

  • Từ khóa