Thứ 7, 23/11/2024, 15:16[GMT+7]

Phổ cập mầm non 5 tuổi: Thiếu trường, thiếu thầy

Thứ 6, 13/08/2010 | 09:52:20
1,215 lượt xem
Mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trong sáu năm nằm trong đề án Thủ tướng phê duyệt đã được thảo luận tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố do Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì.

Các em lớp lá 1 Trường Sơn Ca 9 (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) trong giờ sinh hoạt văn nghệ - Ảnh: THUẬN THẮNG

Tại cuộc họp này, đại diện nhiều tỉnh thành đã bày tỏ băn khoăn về những khó khăn sẽ vấp phải khi giáo dục mầm non của các địa phương còn không ít bất cập.

Không nóng vội rút ngắn lộ trình

14.600 tỉ đồng để thực hiện

Theo đề án đã được phê duyệt, dự kiến năm 2012 có 85% tỉnh đạt phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi và năm 2015 là 100%. Đến năm học 2014- 2015, nâng lên 95% trẻ 5 tuổi được học hai buổi/ngày, 100% trẻ trong các cơ sở mầm non được học chương trình giáo dục mầm non mới, 100% giáo viên dạy trẻ mầm non 5 tuổi đạt chuẩn về trình độ đào tạo... Để thực hiện mục tiêu này, đề án đưa ra bảy giải pháp chính: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường huy động trẻ 5 tuổi đến lớp mầm non để thực hiện chăm sóc, giáo dục hai buổi/ngày; đổi mới chương trình, phương pháp giáo dục; xây dựng, nâng cao đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non; xây dựng chính sách hợp lý và đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non; xây dựng đủ phòng học cho các lớp mầm non 5 tuổi; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; tăng cường hợp tác quốc tế.

* Kinh phí thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi dự kiến 14.600 tỉ đồng, bao gồm kinh phí chi cho việc xây dựng trường học, phòng học chức năng; mua sắm thiết bị, đồ chơi; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và hỗ trợ trẻ em nghèo; xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Riêng năm 2011, tổng đầu tư cho việc thực hiện này là 3.312 tỉ đồng.

Đại diện tỉnh Cao Bằng dự tính phải xây gần 1.000 phòng học trong vòng bốn năm mới có thể “đuổi kịp tiến độ phổ cập”. Như vậy, mỗi năm tỉnh này phải xây trên 200 phòng học. Con số của Cao Bằng đưa ra được nhiều đầu cầu trong cuộc họp trực tuyến chia sẻ bởi vì không riêng Cao Bằng, nhiều địa phương, dù được cấp đủ và cấp kịp kinh phí, cũng phải “vắt chân lên cổ” chạy. Hiện tỉnh Cao Bằng là địa phương đứng đầu cả nước với 125 xã “trắng trường mầm non”, phường không có trường mầm non.

Khó khăn không kém, Đắk Lắk hiện còn đến 300 buôn chưa có trường, lớp mầm non, 31 xã không có trường mầm non độc lập mà phải ghép với trường tiểu học. Cả tỉnh chỉ có khoảng 20% số trường học kiên cố. Để đáp ứng yêu cầu phổ cập, theo đại diện tỉnh Đắk Lắk, sẽ phải xây dựng thêm ít nhất 858 phòng học.

Tại điểm cầu Hà Nội, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, dù hiện tại có những phường của Hà Nội có đến 2-3 trường mầm non nhưng cơ sở vật chất vẫn không đáp ứng được nhu cầu. Các quận nội thành không còn quỹ đất xây trường. Khu vực ngoại thành Hà Nội còn trên 1.000 phòng học tạm.

Chỉ với bài toán lo đủ chỗ học cho trẻ 5 tuổi, một số địa phương cho biết không thể nóng vội rút ngắn lộ trình thực hiện phổ cập. Theo dự tính khi xây dựng đề án phổ cập mầm non 5 tuổi, kinh phí chi cho mỗi phòng học là 100 triệu đồng thì đến thời điểm hiện tại mức kinh phí đã là 380 triệu đồng/phòng. Đại diện nhiều tỉnh cho biết mục tiêu đặt ra trên giấy, còn khi thực hiện có hàng ngàn khó khăn: giao thông khó khăn, chi phí vận chuyển vật liệu ở các địa hình phức tạp quá cao, thiên tai...

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng cũng khiến nhiều địa phương băn khoăn. Hà Nội là nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, dễ thu hút giáo viên nhưng hiện tại theo số liệu của Sở GD-ĐT, để đáp ứng yêu cầu phổ cập Hà Nội còn thiếu 3.000 giáo viên. Tại cuộc họp trực tuyến, một số tỉnh vùng khó khăn nêu ra tình trạng căng thẳng giáo viên, nhất là giáo viên có trình độ đạt chuẩn.

Không thể quên trẻ 3, 4 tuổi

Trước cuộc họp trực tuyến, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện sở GD-ĐT một số địa phương băn khoăn: ưu tiên cho mầm non 5 tuổi trong điều kiện muôn vàn khó khăn, có nghĩa sẽ phải “hi sinh” trẻ 3, 4 tuổi sao? Thực tế trước năm học 2010- 2011, trường mầm non công lập ở nhiều địa phương đã phải từ chối trẻ 3, 4 tuổi để giữ chỗ cho trẻ 5 tuổi.

Đề cập vấn đề này, giáo sư Trần Xuân Nhĩ - phó chủ tịch Hội Khuyến học VN - đã bày tỏ quan điểm: chúng ta không thể vì mục tiêu phổ cập giáo dục đối với trẻ 5 tuổi mà không tính đến lứa tuổi lên 3, lên 4. Nếu như vậy, mục tiêu phổ cập có đạt được ở một thời điểm nào đó thì cũng không bền vững.

Giáo sư Nhĩ đề xuất trước mắt nên phát triển nhiều loại hình trường, nhóm, lớp mầm non. Trong đó có mô hình lớp mẫu giáo gia đình. Về lâu dài, các địa phương cần có quy hoạch đất cho trường mầm non, trong đó tính đến nhu cầu học của tất cả lứa tuổi.

Về điều này, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: những địa phương xây dựng trường mới đương nhiên phải tính quy hoạch đối với cả mầm non 3 tuổi, 4 tuổi chứ không chỉ lo cho 5 tuổi. Nhưng trước mắt thì ưu tiên hơn cho 5 tuổi.

Phó thủ tướng đề nghị các địa phương cần rà soát kỹ những yêu cầu cụ thể về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giáo viên... để có thể dự trù được kinh phí phải chi, số lượng giáo viên cần bổ sung, cần tiếp tục đào tạo. Việc này cần báo cáo trước năm học mới để có định hướng phù hợp trong việc thực hiện mục tiêu phổ cập.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng để đạt được mục tiêu của đề án phổ cập, cần sử dụng đúng bộ máy chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học trước đây đã làm và thành công. Các địa phương cần chú ý việc phối hợp thực hiện các chương trình, mục tiêu khác nhau để đạt đến đích chung. Ví dụ phối hợp mục tiêu phổ cập, nâng chất lượng chăm sóc trẻ 5 tuổi với chương trình chống suy dinh dưỡng của ngành y tế.

Theo Tuổi Trẻ

  • Từ khóa