Thứ 6, 17/05/2024, 16:56[GMT+7]

Ghi nhận sau chiến dịch phòng, trừ sâu bệnh

Thứ 6, 04/09/2020 | 10:07:09
8,398 lượt xem
Từ ngày 5 - 15/9 là thời điểm lúa mùa trỗ bông tập trung. Đây cũng là giai đoạn quan trọng trong bảo vệ, phòng, trừ sâu bệnh để có được vụ mùa thắng lợi. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương, nông dân đã rất tích cực, sát sao các biện pháp chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa mùa.

Nông dân huyện Kiến Xương phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh cho lúa mùa.

Trước những diễn biến phức tạp của sâu bệnh hại lúa mùa, đặc biệt là mật độ sâu cuốn lá nhỏ cao hơn từ 2 - 3 lần so với vụ mùa năm 2019, ngày 25/8/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Công điện khẩn số 26-CĐ/TU về công tác phòng, trừ sâu bệnh. UBND tỉnh có Công văn số 4132/UBND-KTNN ngày 24/8/2020 về việc tập trung chỉ đạo phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa vụ mùa năm 2020. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về việc triển khai các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ sản xuất nông nghiệp vụ mùa năm 2020, các huyện, thành phố đã triển khai đồng loạt kế hoạch phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hai chấm và rầy. 

Theo đó, chiến dịch phòng, trừ sâu bệnh được thực hiện từ ngày 25 - 31/8/2020, trong đó các huyện phía Bắc triển khai chiến dịch đầu lịch, các huyện phía Nam tổ chức phun cuối lịch. 8/8 huyện, thành phố đều có công điện, chỉ thị chỉ đạo các xã, phường, thị trấn có sản xuất nông nghiệp tổ chức phòng, trừ theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn; đồng thời huy động, phân công cán bộ phụ trách cụm, xã để đôn đốc phòng, trừ sâu bệnh. Ngoài ra, các xã, phường, thị trấn còn tổ chức họp triển khai đến cán bộ thôn và tuyên truyền bằng nhiều hình thức tới từng hộ dân về thực hiện chiến dịch phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh. Các huyện, thành phố đã phát huy tối đa thời lượng phát sóng của đài TTTH, đài truyền thanh xã đưa tin phòng, trừ sâu bệnh vào các giờ cao điểm để nông dân nắm được; một số huyện còn dùng xe ô tô đi tuyên truyền lưu động. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phân công các đồng chí lãnh đạo về cơ sở đôn đốc thực hiện chiến dịch; thành lập các tổ công tác tăng cường cho cơ sở để chỉ đạo phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng.

Diện tích đề xuất phòng, trừ sâu đục thân hai chấm, sâu cuốn lá nhỏ toàn tỉnh là 78.000ha (100% diện tích); trong đó phòng, trừ sâu đục thân hai chấm xấp xỉ 20.000ha; sâu cuốn lá nhỏ 58.000ha; phun trừ rầy nơi có mật độ 800 con/m2 trở lên ước khoảng 40.000ha. Trong suốt thời gian phát động chiến dịch, thời tiết tạnh nắng, thuận lợi cho công tác phòng, trừ. 

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hết ngày 31/8, toàn tỉnh phun được 77.577ha (bằng 99,43% diện tích cần phòng, trừ). Kết quả điều tra sâu bệnh sau phun trừ cho thấy, sâu non trên diện rộng trước khi triển khai chiến dịch có mật độ hàng trăm con/m2, sau phun mật độ sâu con 5 - 12 con/m2 (điều tra tại diện tích phun theo đúng khuyến cáo); đối với rầy, diện tích phun trừ cùng đợt với sâu cuốn lá cơ bản sạch.

Tuy nhiên, diện tích phun không theo khuyến cáo, mật độ sâu cuốn lá nhỏ còn 50 - 70 con/m2, cá biệt, tại những ruộng không phun, mật độ sâu từ 200 - 400 con/m2, sâu non chủ yếu tuổi 1 - 4. Dự kiến, diện tích phải phun lại lần 2 đối với sâu cuốn lá nhỏ toàn tỉnh khoảng 4.000ha. Sâu đục thân hai chấm cũng đang đe dọa trà lúa trỗ bông từ ngày 5 - 10/9 ở những vùng có nguồn sâu đục thân cao, trứng nơi cao 0,1 - 0,2 ổ/m2; cá biệt 0,5 ổ/m2; trứng chủ yếu là trứng trắng và trứng chuyển màu; dự kiến diện tích phải phòng, trừ khoảng 12.000ha. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật giao các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật các huyện, thành phố chủ động ra thông báo phòng, trừ sâu cuốn lá, sâu đục thân trên địa bàn.

Bà Lê Thị Thu Hồi, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vũ Thư cho biết: Huyện Vũ Thư phát động đợt phòng, trừ sâu bệnh từ ngày 25 - 28/8/2020. Nhìn chung các địa phương đã thực hiện khá tốt, đến hết ngày 28/8 diện tích phòng, trừ ước đạt 99% diện tích lúa mùa toàn huyện. Theo kết quả kiểm tra ngày 1/9, mật độ sâu cuốn lá nhỏ còn lại trên đồng ruộng từ 5 - 12 con/m2 bảo đảm ngưỡng an toàn; tuy nhiên một số diện tích chưa được phun trừ hoặc phun trừ kém (khoảng 300ha) mật độ sâu còn lại từ 40 - 70 con/m2 (sâu tuổi 1 đến tuổi 3) sẽ gây hại lá đòng và lá công năng, mật độ trứng còn 5 - 12 quả/m2. Trạm đã có thông báo tới các địa phương tiếp tục phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ từ ngày 4 - 5/9 đối với diện tích chưa được phun hoặc phòng, trừ kém ở đợt 1; ngoài ra, phát động nông dân thường xuyên thăm đồng, phòng, trừ rầy, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Cũng như ở Vũ Thư, những ngày này, cán bộ ngành Nông nghiệp huyện Quỳnh Phụ đang ngày đêm bám đồng, lội ruộng theo dõi tình hình sâu bệnh, không quản ngày nghỉ, ngày lễ để có những tham mưu, chỉ đạo kịp thời.

 Bà Nguyễn Thị Hân, Quyền Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Qua kiểm tra của Trạm, diện tích phun trừ sâu cuốn lá nhỏ tốt, mật độ sâu còn lại thấp, từ 7 - 10 con/m2, cá biệt tại một số ruộng xanh non, trà muộn mật độ sâu còn khá cao. Tuy nhiên, trưởng thành sâu đục thân hai chấm đã vũ hóa rộ từ ngày 27/8 - 2/9, dự kiến sâu non sẽ ra rộ từ ngày 4 - 9/9, gây bạc bông cho trà lúa trỗ trước ngày 10/9. Trạm đã có thông báo, hướng dẫn kỹ thuật phun, liều lượng, các loại thuốc khuyến cáo tới các địa phương, thời gian phòng, trừ từ ngày 5 - 9/9; đồng thời phân công cán bộ về cơ sở kiểm tra, đôn đốc nông dân, tránh tư tưởng chủ quan sau khi phun đợt 1.

Xác định việc thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ mùa và kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2020 có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần bảo đảm thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2015 - 2020, đặc biệt là trong bối cảnh các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, các cấp, ngành, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh. Hy vọng vụ mùa năm 2020 sẽ bội thu, tạo đà cho sản xuất vụ đông sắp tới.

Ngân Huyền