Thứ 2, 06/05/2024, 17:39[GMT+7]

Vững tâm bước vào năm học mới

Thứ 2, 07/09/2020 | 08:48:45
1,297 lượt xem
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc học tập của học sinh bị gián đoạn nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của ngành Giáo dục và các địa phương, năm học 2019 - 2020 khép lại với nhiều kết quả, là nền tảng để toàn ngành bước vào năm học mới.

Tiết mục văn nghệ chào mừng năm học mới của giáo viên, học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình). Ảnh: Thành Tâm

Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Năm học vừa qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai thực hiện đúng kế hoạch năm học, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn trường học, xây dựng trường học an toàn, phòng, chống bạo lực học đường, phối hợp với ngành Y tế thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục điều chỉnh nội dung dạy học học kì II; đồng thời triển khai các phần mềm dạy học trực tuyến, tổ chức dạy học trên truyền hình, xây dựng kho học liệu để hướng dẫn học sinh học tập tại nhà, bảo đảm kết thúc năm học theo kế hoạch. Nhờ đó, năm học vừa qua, các cấp học, bậc học đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. 100% số trẻ suy dinh dưỡng được nuôi ăn phục hồi dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì được khống chế. Toàn tỉnh có 4.358 lớp (đạt tỷ lệ 100%) với 142.561 học sinh (đạt tỷ lệ 100%) được học nhiều hơn 7 buổi/tuần, trong đó học 8 buổi/tuần là 171 lớp với 5.317 học sinh; học 9, 10 buổi/tuần là 4.177 lớp với 136.954 học sinh. Tỷ lệ tốt nghiệp THCS, THPT đều tăng so với năm trước, trong đó cấp THCS đạt 98,68%, tăng 0,42%; cấp THPT đạt 99,61%, tăng 1,78% so với năm trước.


Cùng với chất lượng giáo dục đại trà, công tác giáo dục mũi nhọn tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển. Kết quả, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Thái Bình có 41 giải, trong đó có 11 giải nhì, 8 giải ba và 22 giải khuyến khích. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh có 978 học sinh đạt giải, trong đó có 47 giải nhất, 201 giải nhì, 294 giải ba và 436 giải khuyến khích. Thầy giáo Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thái Bình chia sẻ: Mặc dù số giải năm nay chỉ cao hơn năm ngoái 0,16% nhưng chất lượng giải tăng lên rõ rệt, đặc biệt là số em đạt giải nhì. Đây là kết quả của việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giải. Đối với các môn tự nhiên, bên cạnh việc ôn luyện kiến thức cho học sinh, tại phòng thí nghiệm, các thầy cô giáo phụ trách đội tuyển đã trực tiếp thực hiện thí nghiệm kiểm tra trên tất cả các thiết bị và hướng dẫn học sinh ôn luyện, bảo đảm học sinh đều làm chủ được các thiết bị thí nghiệm thực hành của môn thi. Cùng với đó, trường còn mời các thầy cô giáo có uy tín, các giáo sư đầu ngành của các trường THPT chuyên và các trường đại học, học viện để dạy các đội tuyển, qua đó vừa nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên vừa nâng cao kiến thức cho học sinh. Thầy giáo Trần Duy Sử, Hiệu trưởng Trường THPT Phụ Dực, ngôi trường nằm trong tốp đầu kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh chia sẻ: Mặc dù không phải trường chuyên nhưng trường luôn xác định công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là nhiệm vụ trọng tâm. Điều cốt yếu là trường có đội ngũ giáo viên luôn nhiệt huyết, say mê, chủ động với công tác giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác có hiệu quả các tư liệu giáo dục trên mạng internet để vận dụng vào bồi dưỡng cho học sinh.

Thư viện xanh của Trường Tiểu học Diêm Điền (Thái Thụy) luôn thu hút học sinh.


Cùng với những kết quả về dạy và học, năm học 2019 - 2020 cũng là năm có nhiều đầu tư cho cơ sở vật chất trường học và đội ngũ nhà giáo. Các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án dạy bơi, phòng, chống đuối nước cho học sinh tiểu học và THCS giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030; đề án thí điểm phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và đề án xây dựng thí điểm trường học thông minh cho các trường THPT. Hiện nay, toàn tỉnh đã có trên 156 bể bơi hoạt động, thu hút trên 30.000 học sinh thường xuyên đến bơi và học bơi; 106 trường phổ thông được cải tạo, nâng cấp thư viện theo hướng mở - hiện đại - thân thiện với kinh phí gần 45 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 100% số trường THPT công lập trang bị phòng học ngoại ngữ, học tin học với kinh phí gần 75 tỷ đồng. Các lớp học mầm non đã cơ bản đủ tủ giá trưng bày đồ dùng, đồ chơi, các bảng biểu trang trí, thiết bị đồ chơi ngoài trời cho trẻ mầm non và góc thư viện của bé. Các trường tiểu học, THCS, THPT đã tích cực tranh thủ các nguồn vốn để xây dựng phòng học bộ môn, mua sắm tủ giá đựng thiết bị. 100% phòng học tiểu học có tủ đựng thiết bị theo môn, khối; cấp THCS, THPT đã có từ 2 - 5 phòng học bộ môn. Tỷ lệ phòng học kiên cố toàn tỉnh đạt 92,5%.


Cùng với việc tăng cường hệ thống cơ sở vật chất, năm học 2019 - 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đưa vào khai thác, sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu đội ngũ nhà giáo. Hệ thống đã giúp chủ động hoạch định các chính sách cho đội ngũ nhà giáo cũng như công tác chuẩn bị về số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho công chức, viên chức; triển khai công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển cán bộ đúng quy định. Đặc biệt, trong năm học vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên theo thẩm quyền. Kết quả có 1.181 giáo viên mầm non, phổ thông công lập được thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Sở cũng phối hợp xây dựng đề án xét thăng hạng giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020 trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, dự kiến sẽ có khoảng 2.235 giáo viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện để dự xét thăng hạng năm 2020. Kết quả dạy và học cùng sự đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo của năm học trước sẽ là cơ sở để giáo viên, học sinh vững tâm bước vào năm học 2020 - 2021.

Đặng Anh