Thứ 7, 18/05/2024, 03:25[GMT+7]

Vũ Thư: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ 2, 07/09/2020 | 09:36:01
2,970 lượt xem
Quan tâm, định hướng đúng và có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả, những năm gần đây, ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, dần vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Vũ Thư. Có nhiều chính sách thu hút đầu tư và tranh thủ tốt các nguồn lực phát triển làng nghề là hướng đi huyện Vũ Thư đang thực hiện nhằm phát triển kinh tế CN - TTCN.

Những năm qua, Vũ Thư đã thu hút 35 dự án vào địa bàn với tổng mức đầu tư gần 3.500 tỷ đồng.

Vũ Hội là xã nằm trong tốp đầu của huyện Vũ Thư về phát triển ngành CN - TTCN. Ông Trần Doanh Liễu, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tốt công tác thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động tại cụm công nghiệp Vũ Hội có diện tích 8,3ha. Song song với đó, xã quan tâm phát triển các nghề truyền thống của địa phương thông qua các hoạt động hỗ trợ người dân thủ tục vay vốn đầu tư sản xuất, quảng bá sản phẩm, đặc sản truyền thống. Đến nay, xã có 16 doanh nghiệp và 230 cơ sở sản xuất ở 17 ngành nghề CN - TTCN, trong đó có 51 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, xay xát; 42 cơ sở làm bún, bánh; 30 cơ sở sản xuất rượu truyền thống; 25 cơ sở sản xuất đồ gỗ; 20 cơ sở làm đậu phụ; 15 cơ sở sản xuất đồ cơ khí... thu hút hàng nghìn lao động tham gia. Những năm gần đây có thêm 3 dự án xin đầu tư vào địa bàn xã đã được phê duyệt và đi vào sản xuất, kinh doanh. Nghề và làng nghề tiếp tục được duy trì, phát triển; các sản phẩm như bún, bánh, miến, bánh đa, giò chả; đồ nhôm, đồ đồng, cơ khí vẫn giữ được thương hiệu trên thị trường. Tổng giá trị sản xuất CN - TTCN giai đoạn 2015 - 2020 ước đạt 751 tỷ đồng, tăng bình quân 12,86%/năm. CN - TTCN đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của xã với tỷ trọng 50,7%, nông nghiệp chỉ chiếm 13,8% cơ cấu kinh tế của địa phương.

Nguyên Xá là một trong những địa phương quan tâm phát triển CN - TTCN. Đồng chí Phạm Văn Lưỡng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã và chủ trương phát triển nghề, làng nghề, những năm qua cấp ủy, chính quyền xã đã quan tâm phát triển nghề mộc, mây tre đan truyền thống và đầu tư xây dựng hạ tầng đường giao thông, cải tạo hệ thống lưới điện thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp xã (tại thôn Thái). Hiện cụm công nghiệp đã được lấp đầy với 10 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực đồ gỗ mỹ nghệ, may mặc, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động. Đến nay, toàn xã có 659 hộ (chiếm 30,8% số hộ tại xã) và 2.536 lao động tham gia sản xuất CN - TTCN. Giá trị sản xuất CN - TTCN từ năm 2016 - 2020 của Nguyên Xá đạt trên 910 tỷ đồng, chiếm 66,32% cơ cấu kinh tế. CN - TTCN là ngành kinh tế chủ lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương những năm qua.

Vũ Thư có lợi thế địa bàn tiếp giáp với thành phố Thái Bình, quỹ đất rộng, giao thông thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư; lực lượng lao động trên địa bàn huyện dồi dào; có nhiều làng nghề hoạt động hiệu quả. Đồng chí Lại Trường Sơn, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy cho biết: Tranh thủ tối đa lợi thế này, huyện triển khai sớm, đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển CN - TTCN. Trên tinh thần Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện Vũ Thư ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương từ huyện đến cơ sở quan tâm phát triển CN - TTCN; trong đó, cắt giảm các thủ tục rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, thu hút nhân lực, nguồn vốn. Hàng năm, huyện tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Huyện tập trung các nguồn lực đầu tư để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại 7/7 cụm công nghiệp. Các ngành, địa phương tập trung quảng bá, xúc tiến đầu tư lấp đầy các cụm công nghiệp, trong đó ưu tiên lựa chọn công nghiệp sạch, hiện đại, không khói và giải quyết nhiều lao động. Đối với các làng nghề truyền thống, huyện luôn ưu tiên các cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giải quyết vấn đề quy hoạch điểm sản xuất, kinh doanh, đào tạo nghề, xử lý môi trường, duy trì nghề truyền thống và du nhập nghề mới... 

Với sự quan tâm của huyện và các địa phương, đến nay toàn huyện có 365 doanh nghiệp, tăng 150 doanh nghiệp so với năm 2015; lĩnh vực CN - TTCN thu hút trên 20.000 lao động với thu nhập từ 3,5 - 7 triệu đồng/người/tháng. 5 năm qua đã có 35 dự án đầu tư vào huyện được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 3.500 tỷ đồng; trong đó đã có 22 dự án đi vào sản xuất, kinh doanh thu hút thêm gần 9.400 lao động. Huyện có 7 cụm công nghiệp rộng 211ha, trong đó 3 cụm công nghiệp đã được lấp đầy; 2 điểm công nghiệp quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Huyện duy trì 5 làng nghề truyền thống (theo quy định mới) hoạt động hiệu quả như nghề thêu xã Minh Lãng, thủ công mỹ nghệ xã Nguyên Xá, chế biến thực phẩm Thanh Hương (xã Đồng Thanh)...

Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, tổng giá trị sản xuất CN - TTCN của Vũ Thư giai đoạn 2015 - 2020 ước đạt 13.969,8 tỷ đồng, chiếm 50,2% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Tốc độ tăng trưởng CN - TTCN bình quân đạt 17,45%/năm. Đây là động lực để huyện tiếp tục có nhiều chính sách quan tâm, định hướng đúng nhằm phát triển CN - TTCN thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong những năm tới.

Quỳnh Lưu