Thứ 2, 20/05/2024, 18:52[GMT+7]

Hội thảo Đạo đức nhà báo trong thời kỳ công nghệ 4.0

Thứ 3, 15/09/2020 | 11:05:50
4,635 lượt xem
Sáng ngày 15/9, Hội Nhà báo Thái Bình tổ chức hội thảo “Đạo đức nhà báo trong thời kỳ công nghệ 4.0” với sự tham gia của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông cùng đại diện lãnh đạo 12 hội nhà báo, cơ quan báo chí khu vực duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ.

Hội thảo tập trung bàn thảo về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trong kỷ nguyên truyền thông số.

Báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua chặng đường 95 năm hình thành và phát triển không ngừng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (năm 1962), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng. Đạo đức đó là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Trong bối cảnh hiện nay, báo chí Việt Nam đã có những bước chuyển mình để phù hợp với thời đại, từ đó đặt ra cho mỗi người làm báo phải giữ vững đạo đức nghề nghiệp, thể hiện đầy đủ khả năng đổi mới, tiếp cận và cập nhật đời sống xã hội.

Đại diện các hội nhà báo, cơ quan báo chí dự hội thảo đã tham luận một số nội dung liên quan đến đạo đức của người làm báo trong thời kỳ công nghệ 4.0 như: Nhà báo và sự trung thực trong khai thác nguồn tin; Báo Đảng địa phương trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; Việc tuân thủ các quy định đạo đức nghề nghiệp và quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo; Báo Thái Bình xây dựng đội ngũ người làm báo có đạo đức nghề nghiệp trong sáng... 

TS. Nhà báo Trần Bá Dung, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ xung quanh vấn đề đạo đức người làm báo hiện nay.

Lãnh đạo Báo Hải Phòng tham luận với chủ đề Báo đảng địa phương trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Lãnh đạo Báo Thái Bình phát biểu tham luận về vấn đề xây dựng đội ngũ người làm báo có đạo đức nghề nghiệp trong sáng. 

Tại hội thảo, Tiến sĩ Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã chia sẻ với các đại biểu một số nội dung liên quan đến đạo đức người làm báo. Hiện nay, do sức ép cạnh tranh thông tin giữa các loại hình báo chí và giữa báo chí với mạng xã hội... nên đã nảy sinh nhiều vấn đề. Để có được những thông tin “sạch”, an toàn, trước hết nhà báo cần có đạo đức nghề nghiệp trong sáng trong tác nghiệp, không vụ lợi, không chạy theo thị hiếu tầm thường, không vì mục đích đạt nhiều truy cập mà bất chấp sự thật... Mặt khác, bản thân nhà báo phải tự nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, hiểu biết quy trình thu thập và xử lý thông tin, hiểu biết và thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật, nhất là Luật Báo chí, quy định về đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam. Đồng thời, nâng cao trình độ mọi mặt, bản lĩnh chính trị và phông văn hóa đủ để nhận biết, sàng lọc thông tin có ích cho xã hội. Đạo đức là vấn đề cốt lõi, văn hóa của người làm báo, là sự sống còn của người làm báo, bởi báo chí có tác động xã hội rất lớn. Vì vậy, người làm báo phải nêu cao đạo đức nghề nghiệp, cũng là thực hiện trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, bảo đảm thông tin cho nhân dân vừa đáp ứng nhu cầu thời sự cuộc sống vừa phải hướng tới những giá trị nhân văn cao đẹp.

Tú Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày