Thứ 6, 19/04/2024, 19:22[GMT+7]

Thái Thụy: Giải pháp phát triển sản phẩm OCOP

Thứ 2, 05/10/2020 | 08:49:52
7,631 lượt xem
Thời gian qua, huyện Thái Thụy đã tích cực thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển các sản phẩm đặc thù trên địa bàn huyện vẫn còn khiêm tốn và hạn chế nhất định, cần sớm được khắc phục.

Nông dân xã An Tân (Thái Thụy) thu hoạch tỏi.

Thái Thụy là huyện ven biển có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản với nhiều sản phẩm đặc trưng. Thực hiện chương trình OCOP, huyện đã ban hành đề án triển khai trong giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện được xác định với các nhóm chủ lực như: nhóm thực phẩm (hành, tỏi, khoai lang Bái Thượng, gạo nếp cái hoa vàng, dưa hấu, dưa gang, gà ri, nước mắm Diêm Điền, gỏi nhệch, cá lanh một nắng, sản phẩm chiết xuất từ hoa hòe); nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí (các mặt hàng về may mặc, mây tre đan, nón lá, các sản phẩm từ cói, rèn, lưới); nhóm dịch vụ du lịch nông thôn (khu du lịch sinh thái cồn Đen, khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn gắn với du lịch tâm linh). Qua nghiên cứu, huyện đã lựa chọn xây dựng thí điểm hai sản phẩm đặc thù là tỏi Thái Thụy và nước mắm Diêm Điền với mục tiêu trước mắt đạt 3 sao cấp tỉnh. Trong đó, sản phẩm tỏi Thái Thụy mới thực hiện được việc rà soát vùng sản xuất tại các xã Thụy Trường, An Tân, thị trấn Diêm Điền..., tổng diện tích dự kiến 150ha, sản lượng ước đạt 2.200 tấn. Đồng thời, đã tiếp nhận ý tưởng, đăng ký sản phẩm, thành lập HTX Trường An (đơn vị thực hiện sản phẩm) và lập phương án kế hoạch kinh doanh sản phẩm, thu thập hồ sơ tài liệu minh chứng như giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, mẫu hệ thống tem nhãn, mẫu bao bì sản phẩm. Đối với sản phẩm nước mắm Diêm Điền mới thực hiện tuyên truyền tới các doanh nghiệp sản xuất nước mắm trên địa bàn huyện, đã tiếp nhận 1 đơn vị đăng ký tham gia.

Có thể thấy, kết quả bước đầu trong phát triển sản phẩm đặc thù trên địa bàn huyện Thái Thụy còn khiêm tốn. Các cơ sở sản xuất và các sản phẩm tham gia chương trình OCOP còn ít, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh vốn có của mỗi địa phương nói riêng và của huyện nói chung. Nguyên nhân được ngành chức năng huyện nhận định là do các cấp, ngành trong huyện chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện chương trình OCOP; công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế, tuy đã được thực hiện ở hội chợ, triển lãm song vẫn chưa làm nổi bật về hình ảnh, chất lượng sản phẩm; sản xuất kinh tế hộ chiếm tỷ lệ rất cao, mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến (doanh nghiệp, HTX) thiếu cả số lượng và chất lượng; quản lý chất lượng sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, quản lý nhà nước còn bất cập về định hướng quy hoạch sản xuất, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, kết nối thị trường...

Theo ông Nguyễn Thành Đồng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Để phát triển hiệu quả các sản phẩm OCOP trên địa bàn, Phòng đã đề xuất, tham mưu các cấp, ngành của huyện tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể là làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình OCOP, từ đó kích cầu tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tập trung chỉ đạo quyết liệt, đưa chương trình OCOP vào nghị quyết của cấp ủy; thành lập ban điều hành, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể xây dựng, thực hiện hiệu quả đề án, kế hoạch của chương trình. Các địa phương rà soát, xác định cụ thể các tổ chức kinh tế, các hộ sản xuất tham gia chương trình để có phương án hỗ trợ, khôi phục, xây dựng, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp, làng nghề, HTX, tổ hợp tác hoặc các cá nhân có đủ năng lực về vốn, kinh nghiệm để phát triển sản phẩm đặc trưng, có lợi thế được ổn định, lâu dài. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình khoa học công nghệ, chương trình mỗi xã một sản phẩm phục vụ xây dựng nông thôn mới bằng những đề tài, mô hình đóng góp thiết thực cho tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư, cũng như cho các chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững, đề án phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP. Nhà nước bố trí nguồn vốn ngân sách phù hợp, kịp thời thông qua các chính sách để hỗ trợ cộng đồng đầu tư sản xuất, tổ chức dịch vụ thực hiện; phối hợp thực hiện hiệu quả việc tư vấn và hỗ trợ ngân sách, đưa tín dụng thương mại sâu rộng vào sản phẩm. Phát triển sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc tiếp cận theo thị trường, trong đó đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch gắn kết chặt chẽ trong các chuỗi sản phẩm OCOP là giải pháp để tiêu thụ và nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm.

Trần Tuấn