Thứ 6, 26/04/2024, 09:58[GMT+7]

Xây dựng Khu kinh tế Thái Bình trở thành đầu tàu phát triển kinh tế

Thứ 6, 16/10/2020 | 09:09:41
12,691 lượt xem
Diện tích lớn, vị trí đắc địa, quy hoạch đồng bộ, hạ tầng hiện đại, chính sách đầu tư hấp dẫn, Khu kinh tế Thái Bình đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây cũng là địa bàn chiến lược, đầu tàu đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.

Dự án nhà máy Nhiệt điện 1 không chỉ đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước mà còn bảo đảm nguồn năng lượng phục vụ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế.

Khu kinh tế Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 có diện tích tự nhiên 30.583ha trên địa bàn hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển. Ở vị trí kết nối của vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, ngoài phát huy nội lực, Khu kinh tế còn kế thừa các lợi thế hạ tầng kinh tế sẵn có của các địa phương trong vùng để phát triển. 

Ông Phan Đình Dực, Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Để phát huy những tiềm năng, thế mạnh của Khu kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, công tác quy hoạch được tỉnh đặc biệt chú trọng. Đến nay, tỉnh đã và đang hoàn thiện quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 của 26 khu chức năng gồm khu công nghiệp, khu đô thị - du lịch, khu cảng và khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Trong số 18 nhà đầu tư được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương tài trợ sản phẩm quy hoạch, đã có 8 nhà đầu tư được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý thực hiện thí điểm xét chọn nghiên cứu lập quy hoạch phân khu và tài trợ sản phẩm quy hoạch, đồng thời làm căn cứ lựa chọn nhà đầu tư đối với các phân khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Các nhà đầu tư được lựa chọn đều có năng lực lập quy hoạch, kinh nghiệm quản lý vận hành khu công nghiệp, tiềm lực tài chính mạnh; đây là những mô hình điểm tạo sự đột phá cho Khu kinh tế, truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tiếp tục nghiên cứu đầu tư vào Khu kinh tế trong thời gian tới.

Theo quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Khu kinh tế Thái Bình có Trung tâm Điện lực với diện tích 853ha gồm các dự án nhiệt điện và khu điện gió. Hiện nay, ngoài hai dự án nhiệt điện đã và đang hoàn thành phát điện thương mại, có một số nhà đầu tư đăng ký nghiên cứu đầu tư phát triển điện gió, trong đó một nhà đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án nhà máy điện gió Tiền Hải giai đoạn I với quy mô công suất 40MW, tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.

Để Khu kinh tế sớm đi vào hoạt động, Thái Bình đã và đang xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông đối ngoại (đường không, đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ) và giao thông đối nội. Ước tính trong giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu đầu tư của tỉnh là gần 11.000 tỷ đồng cho các công trình hạ tầng Khu kinh tế; trong đó vốn ngân sách trung ương gần 7.000 tỷ đồng, còn lại vốn ngân sách tỉnh. Nhằm tạo sự kết nối cho các khu chức năng, trước mắt tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 5 tuyến đường trục trong Khu kinh tế với tổng nhu cầu vốn gần 1.400 tỷ đồng.

Hiện đã có hơn 10 nhà đầu tư hạ tầng đăng ký và được tỉnh chấp thuận cho nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch chi tiết 15 khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ trong Khu kinh tế với tổng diện tích khoảng 5.000ha, bằng gần 18% diện tích Khu kinh tế. Và để thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư, Thái Bình đang tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cụ thể hóa các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư; có cơ chế đặc thù để khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi cho một số doanh nghiệp tầm cỡ lớn phát triển thành doanh nghiệp đầu tàu, hoạt động đa lĩnh vực, có quy mô khu vực và quốc tế để tạo hiệu ứng lan tỏa, dẫn dắt các doanh nghiệp khác phát triển trong Khu kinh tế. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết ban hành quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình giai đoạn từ năm 2020 - 2030. Theo đó, các doanh nghiệp được thành lập, đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng trong Khu kinh tế thuộc các nhóm ngành, nghề khuyến khích đầu tư của tỉnh sẽ được hưởng 6 chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư gồm: chính sách ưu đãi về đất đai; chính sách hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào; chính sách hỗ trợ san lấp mặt bằng; chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chính sách hỗ trợ đào tạo lao động và chính sách hỗ trợ thủ tục hành chính.

Khu kinh tế Thái Bình không chỉ có thế mạnh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ mà còn là địa bàn giàu tiềm năng phát triển du lịch.

Trong ảnh: Khu du lịch sinh thái cồn Đen (xã Thái Đô, huyện Thái Thụy).

Xác định trong 5 năm tới, Khu kinh tế là động lực phát triển kinh tế của Thái Bình, vì vậy, trong định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế, tỉnh đã chỉ rõ: trên cơ sở quy hoạch chung, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và quy định quản lý thực hiện quy hoạch, tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch tổng thể đầu tư và thu hút đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực trong Khu kinh tế với lộ trình, phương thức đầu tư, nguồn vốn cụ thể. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông kết nối trục giao thông đối ngoại và các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ... trong Khu kinh tế. Đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư có lựa chọn; đa dạng hóa các hình thức đầu tư, huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đô thị hiện đại. Thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh các ngành có công nghệ tiên tiến, hiện đại, giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và ít gây ô nhiễm môi trường. Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có uy tín, thương hiệu, năng lực tài chính, công nghệ, thị trường, bảo đảm sử dụng hiệu quả quỹ đất. Phát triển công nghiệp đóng, sửa chữa tàu, vận tải biển, khai thác đánh bắt và dịch vụ hậu cần nghề cá. Chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển và chủ quyền, an ninh biên giới biển.

Với chủ trương, những giải pháp rõ ràng và làn sóng đầu tư mạnh mẽ, Khu kinh tế Thái Bình được kỳ vọng tạo sự bứt phá, đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Theo tính toán của các chuyên gia, dự báo tăng trưởng kinh tế trong Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 349.847 tỷ đồng, tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP) đạt 14.000 USD. Chính sự phát triển của Khu kinh tế sẽ là động lực thúc đẩy giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đến năm 2025 dự báo đạt 125.301 tỷ đồng, trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng như kế hoạch đề ra.

Khắc Duẩn