Thứ 3, 23/07/2024, 05:35[GMT+7]

Tăng cường bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trước cổng trường

Thứ 6, 11/12/2020 | 14:34:24
2,732 lượt xem
Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) từ thức ăn ở những hàng rong, quán cóc trước cổng trường học đã nhiều lần được cảnh báo. Song do giá rẻ, sự tiện lợi và hấp dẫn, thực phẩm trước cổng trường luôn có sức hút đối với học sinh. Do đó, cần có những giải pháp hiệu quả hơn để bảo vệ trẻ trước nguy cơ mất ATVSTP đang hiện hữu hàng ngày, hàng giờ trước cổng trường.

Mẫu thực phẩm tại các quán hàng rong trước cổng Trường Tiểu học Quang Trung (thành phố Thái Bình) được lấy để xét nghiệm.

Thức ăn trước cổng trường - tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm

Đa dạng chủng loại với màu sắc bắt mắt, những mặt hàng như: xúc xích, trà sữa, bim bim, cá viên chiên, nem chua rán... luôn là thực phẩm được học sinh yêu thích và lựa chọn. Vào đầu giờ hoặc cuối giờ tan học, không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh tụm  năm, tụm  ba mua đồ ăn tại các quán hàng rong, quán cóc trước cổng trường khiến nhiều bậc phụ huynh không khỏi lo lắng. 

Chị Nguyễn Thị Liễu, thành phố Thái Bình cho biết: Mỗi lần đón con, thấy các cháu chen nhau mua đồ ăn tại một số hàng quán bán cạnh cổng trường, tôi thấy rất lo. Các món ăn ở đây có nhiều đồ chiên, nướng có mùi thơm nên dễ cuốn hút các cháu. Dù thường dặn con không được mua đồ ăn trước cổng trường nhưng gia đình cũng khó kiểm soát việc cháu có mua hay không.

Bà Tạ Thị Diễm Hương, Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế cho biết: Các quầy bán hàng rong, thức ăn, đồ uống quanh các cổng trường được xếp vào các quầy kinh doanh thức ăn đường phố. Do đó, phải tuân thủ các quy định bảo đảm ATVSTP của Luật An toàn thực phẩm. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết hoặc vì lợi nhuận, một số người bán hàng rong đã quên hoặc phớt lờ những quy định này. Các quầy bán rong thức ăn trước cổng trường nói riêng thường có nguy cơ mất ATVSTP bởi thực phẩm được để trên xe đẩy, bày bán trên vỉa hè, không có đầy đủ giá kệ hay tủ kính rất dễ bị ô nhiễm bởi tác nhân từ môi trường xung quanh như: khói, bụi, vi khuẩn, virus... Thiết bị bảo quản thực phẩm không đầy đủ, cách bảo quản không đúng cách cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng. Nguyên liệu thực phẩm bị ô nhiễm, không tươi mới, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hoặc sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép. Bên cạnh đó, người chế biến thực phẩm không tuân thủ các quy định về ATVSTP trong chế biến như: đeo khẩu trang, găng tay, mũ, tạp dề... Người bán hàng rong cũng thường không có giấy chứng nhận bảo đảm về sức khỏe, nếu không may mắc bệnh truyền nhiễm thì nguy cơ lây bệnh cho học sinh là rất cao.

Không biết nguyên liệu chế biến thực phẩm từ đâu, có bảo đảm hay không? Bất chấp những ảnh hưởng tới sức khỏe, nhiều học sinh, thậm chí có một số phụ huynh vẫn vô tư mua cho con ăn bởi giá rẻ, tiện lợi và các món ăn được bày bán trông rất hấp dẫn. 

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, mỗi năm cả nước xảy ra hơn 1.000 vụ ngộ độc, có nhiều vụ ngộ độc liên quan đến thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn nguy hại như: E.coli, vi khuẩn gây tiêu chảy... Vi khuẩn tồn tại ở các môi trường khác nhau, trong đó thức ăn đường phố được coi là những ổ vi khuẩn nguy hiểm nhất, gây nguy hại tới sức khỏe và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng.

Cần sự chung tay vào cuộc quyết liệt hơn

Theo quy định hiện hành, việc quản lý loại hình kinh doanh này thuộc trách nhiệm của các địa phương. Để nâng cao nhận thức cho học sinh, người bán hàng rong, quán cóc trước cổng trường, các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền và mở các lớp tập huấn về ATVSTP. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tiến hành điều tra, giám sát mẫu thực phẩm. 

Cụ thể, 4 năm gần đây, Chi cục đã tổ chức nói chuyện chuyên đề về ATVSTP, treo poster hướng dẫn quy trình rửa tay 6 bước và phát tài liệu hỏi đáp về ATVSTP tại các trường tiểu học ở các huyện: Đông Hưng, Thái Thụy, Kiến Xương và thành phố Thái Bình. 

Tính riêng năm 2020, ngoài việc tổ chức 15 buổi nói chuyện chuyên đề về ATVSTP cho gần 7.500 học sinh tiểu học trên địa bàn huyện Kiến Xương, cán bộ Chi cục còn phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố và trạm y tế các xã, phường thành lập 3 đoàn điều tra thực trạng tại các hàng rong, quán bán thực phẩm ở cổng các trường tiểu học trên địa bàn. Các đoàn đã tiến hành lấy mẫu thức ăn, đồ uống và mẫu bàn tay của những người chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, cán bộ Chi cục đã đánh giá kiến thức, hiểu biết kiến thức về ATVSTP đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn, yêu cầu các hàng rong, quán cóc thực hiện các quy định về ATVSTP. Qua đợt điều tra, hướng dẫn, một số chủ hàng rong, quán cóc đã có thêm kiến thức về ATVSTP.

Chị Hoàng Thị Mai Anh, bán hàng tại cổng Trường Tiểu học Quang Trung (thành phố Thái Bình) chia sẻ, trung bình mỗi ngày chị bán được khoảng 40 - 50 chiếc bánh mỳ và có nấu thêm trà sữa để bán. Qua hướng dẫn của cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, chị đã hiểu hơn về việc lựa chọn nguồn nguyên liệu, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng cũng như phải thực hiện đeo khẩu trang, găng tay, tạp dề khi chế biến... Chị sẽ chấp hành nghiêm để bảo đảm ATVSTP cho các cháu.

Các giải pháp đã được đưa ra song vẫn còn một số khó khăn trong quản lý, giám sát ATVSTP trước cổng trường. Bà Tạ Thị Diễm Hương, Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế cho biết thêm, hiện nay đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSTP còn thiếu cả về số lượng lẫn năng lực chuyên môn, nhất là tuyến cơ sở; hàng quán kinh doanh mang tính chất nhỏ lẻ, không có giấy phép kinh doanh, một số hàng rong bán theo giờ, không cố định, kinh doanh theo thời vụ nên khó quản lý. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác ATVSTP. Do vậy, thời gian tới, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về ATVSTP, đồng thời tiếp tục tổ chức giám sát, điều tra mẫu thực phẩm tại các hàng rong, quán cóc trước cổng trường. Tuy nhiên, để việc bảo đảm ATVSTP trước cổng trường được thực hiện hiệu quả cần có sự chung tay vào cuộc quyết liệt hơn từ các cấp, ngành, địa phương, đơn vị liên quan và ý thức, trách nhiệm của người bán hàng cũng như nhận thức của người tiêu dùng.

Như Hoàng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày