Thứ 7, 10/08/2024, 08:17[GMT+7]

Khoa học và công nghệ Ðộng lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới

Chủ nhật, 30/12/2012 | 19:02:31
915 lượt xem
Những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ tỉnh ta đã có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, góp sức cùng các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Vũ Mạnh Hiền, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình (người đứng giữa) cùng lãnh đạo ngành Nông nghiệp Thái Bình tham quan mô hình giống lúa chất lượng cao.

Nhân dịp đầu năm mới Quý Tỵ, phóng viên Báo Thái Bình đã có cuộc trò chuyện với ông Vũ Mạnh Hiền – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình về vấn đề này.

 

PV: Trước hết, xin ông cho biết  tình hình hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

 

Ông Vũ Mạnh Hiền: Hoạt  động khoa học và công nghệ năm 2012 tiếp tục được đổi mới và có hiệu quả. Trong năm, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tham mưu UBND tỉnh ký kết chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ với Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020. Đồng thời lên danh mục 39 đề tài, dự án và đã được Bộ duyệt 10 dự án với kinh phí 65 tỷ đồng.  Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2015. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt danh mục 20 chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh thực hiện từ năm 2013. Sở KH&CN đã giúp UBND tỉnh xây dựng và triển khai hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 : 2008 trong các đơn vị hành chính nhà nước.

 

Ngoài ra, Sở đã ký chương trình phối hợp hoạt động với  6 sở, Công an tỉnh và Trường Đại học Y Thái Bình về ứng dụng tiến bộ KHCN cho chương trình xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh trật tự và phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Phối hợp với Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo toàn quốc về KH&CN với sự nghiệp CNH, HĐH và xây dựng nông thôn mới. Tổ chức triển khai chiến lược KHCN giai đoạn 2012 - 2020 và Đề án phát triển KHCN Thái Bình. Đây cũng là năm đầu tiên Sở tổ chức xuất bản Bản tin KH&CN và thành lập doanh nghiệp KHCN đầu tiên tại Thái Bình. Cùng với đó, các công tác khác như quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được triển khai tích cực. Hoạt động sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân, thông tin khoa học và công nghệ được chú trọng, bảo đảm hiệu lực và hiệu quả.

 

PV: Xin ông cho biết rõ  hơn về những kết quả đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua?

 

Ông Vũ Mạnh Hiền: Hoạt động khoa học và công nghệ Thái Bình luôn xác định đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm. Từ năm 2009 đến nay, đã tuyển chọn, khảo nghiệm 150 giống lúa, 68 giống cây màu mới. Đặc biệt từ nguồn kinh phí khoa học và công nghệ của tỉnh đã hỗ trợ Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình chọn tạo và đưa ra sản xuất đại trà 5 giống lúa là CNR36, TBR1, BC15, TBR36, Thái Xuyên 111 và một giống lạc TB25 được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống Quốc gia.

 

Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều giống mới có giá trị kinh tế cao được đưa nhanh vào sản xuất đại trà như: giống lợn có tỷ lệ nạc cao, lợn lai 4 giống, giống gia cầm siêu thịt, siêu trứng, con đặc sản. Đến nay, Thái Bình đã sản xuất thành công nhiều giống thủy hải sản có giá trị kinh tế cao như: cá Chim trắng, cá Chép lai 3 máu, cá Lóc bông, Cua biển. Về chương trình ứng dụng công nghệ cao phục vụ xây dựng nông thôn mới, hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh đã đầu tư kinh phí xây dựng nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đạt  hiệu quả cao như: Mô hình trình diễn giống dưa Thanh Lê; mô hình ứng dụng quy trình kỹ thuật trồng dâu, nuôi giống tằm mới Trung Quốc tại Thái Bình; mô hình nuôi cá Rô phi lai xa thương phẩm; mô hình chăn nuôi giống gà POP 202...

 

Ngoài ra, hoạt động khoa học và công nghệ đã đưa công nghệ thông tin phục vụ quản lý, điều hành tại các xã, phường, thị trấn, nhất là các xã nghề, làng nghề. Đã xây dựng ở 36 xã nghề, mỗi xã 1 trang Website để giới thiệu các sản phẩm làng nghề trên mạng Internet, đồng thời cung cấp cho 12 xã mỗi xã 1 bộ thư viện điện tử gồm 52.000 tài liệu về các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, khoa học, công nghệ, văn hóa, y tế và 300 phim khoa giáo giới thiệu về các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất.

 

PV: Vai trò của khoa học và công nghệ  đã được khẳng định là “then chốt” là “động lực” để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông  thôn mới, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Vậy trong thời gian tới  hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh ta cần có giải pháp gì để khoa học và công nghệ thực sự  trở thành “then chốt” và “động lực” thưa ông?

 

Ông Vũ Mạnh Hiền: Nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội, làm cho khoa học và công nghệ thực sự là động lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2020 Thái Bình trở thành tỉnh nông thôn mới có nền nông nghiệp và công nghiệp theo hướng hiện đại, theo tôi  cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để phát triển khoa học và công nghệ.  Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học và công nghệ. Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ từ tỉnh đến cơ sở, coi trọng nhiệm vụ quản lý khoa học và công nghệ cấp huyện. Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh, Hội đồng khoa học và công nghệ  ngành, huyện, thành phố và cơ sở. Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên cơ sở quy hoạch nông thôn mới và cánh đồng mẫu lớn. Đặc biệt, xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để sản xuất một số loại sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Từng bước xây dựng một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để đẩy mạnh các hoạt động thử nghiệm, trình diễn công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực và sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch. Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh, quốc phòng. Tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ.  Xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học và công nghệ. Tăng cường các nội dung hợp tác nhằm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực và trình độ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực có trình độ cao, hình thành các tập thể nghiên cứu đáp ứng yêu cầu giải quyết nhiệm vụ khoa học và công nghệ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

PV: Xin cảm ơn ông!

Thực hiện: Mai Thư

 

  • Từ khóa