Chủ nhật, 29/12/2024, 06:55[GMT+7]

Nhân rộng mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học

Thứ 4, 04/06/2014 | 07:57:46
6,229 lượt xem
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tiến hành tổ chức thử nghiệm mô hình xử lý rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp tại một số xã trên địa bàn tỉnh.

Nông dân xã Trọng Quan (Ðông Hưng) xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học.

Thái Bình hiện có khoảng 77.090 ha gieo cấy lúa, cùng với đó lượng rơm rạ sau thu hoạch sẽ rất lớn (khoảng 462.000 tấn, 1ha khoảng 6 tấn). Nếu sử dụng hợp lý, đây là nguồn nguyên liệu quý cho sản xuất nông nghiệp. Song do chưa có phương pháp phù hợp nên sau mỗi vụ thu hoạch, rơm rạ được bà con xử lý bằng cách đốt hoặc thả xuống dòng chảy gây ô nhiễm môi trường, phá hủy các công trình thủy lợi đặc biệt gây mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng. Ðể khắc phục tình trạng này, từ năm 2007 đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tiến hành tổ chức thử nghiệm mô hình xử lý rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp tại một số xã trên địa bàn tỉnh.

Trong 6 năm qua (2007 - 2012), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thái Bình đã xây dựng được 297 mô hình trình diễn và tổ chức nhân rộng được 309 mô hình sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau thu hoạch tại 12 xã trong tỉnh đạt kết quả tốt.

Vụ xuân 2012 và vụ mùa 2013, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Thái Bình phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Hà Nội triển khai thí điểm mô hình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học Fito - Biomix RR tại đồng ruộng ở các xã: Trọng Quan, Ðông Hà, Ðông Hoàng (Ðông Hưng) và Thanh Tân (Kiến Xương). Qua đánh giá, quá trình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm này khá đơn giản, dễ thực hiện, thời gian xử lý ngắn, đáp ứng được yêu cầu thời vụ đặc biệt là việc thu được lượng phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng, làm tăng khả năng chống đổ, chống chịu sâu bệnh.

Trọng Quan là xã có truyền thống trồng cây vụ đông, năm 2012 xã chọn 60 hộ thực hiện thí điểm mô hình. Sau khi thu hoạch lúa xong, hộ dân được hỗ trợ 60 gói chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ bằng hình thức đống ủ. Rơm rạ được xử lý giúp có nguồn phân hữu cơ tốt, các hộ nông dân đã chủ động mở rộng diện tích, nhất là diện tích trồng khoai tây.

Ông Trần Minh Bằng, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp xã chia sẻ: Lượng rơm, rạ sau khi được xử lý bằng chế phẩm sinh học giúp cây khoai tây phát triển, ra rễ hình thành tia củ nhanh hơn, thân và lá to, khỏe, sức sinh trưởng tốt; giảm tỷ lệ bệnh; tỷ lệ củ to nhiều, hình thức củ đẹp; năng suất cao hơn đến 20%, tiết kiệm chi phí, giá thành rẻ hơn rất nhiều so với dùng các loại phân hữu cơ vi sinh khác.

Khác với xã Trọng Quan dùng chế phẩm sinh học bằng phương pháp đống ủ, vụ mùa năm 2013, xã Ðông Hoàng được hỗ trợ sử dụng chế phẩm sinh học tại 3 thôn Thái Hòa 1, Thái Hòa 2 và Tống Khê bằng hình thức cày vận rạ trên 8 ha diện tích. Theo ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Ðông Hoàng, sau khi sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm, rạ giúp cho cây lúa vụ sau phát triển tốt, lá to, bản rộng, màu xanh đậm cứng, chiều cao cây lúa phát triển hơn so với ruộng không được xử lý chế phẩm sinh học từ 3 - 5 cm, độ chống chịu sâu bệnh của cây lúa cũng tốt hơn. Bông dài và mẩy, năng suất lúa cao hơn diện tích không sử dụng chế phẩm từ 10 - 15%. Ðặc biệt ở những chân ruộng chua, đất nhanh bạc màu làm cây lúa sinh trưởng chậm, đẻ ít, sau khi sử dụng chế phẩm sinh học, độ phì cho đất tăng cây lúa cao, đẻ nhiều.

Từ hiệu quả của việc xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học, tại một số địa phương như Lô Giang, Thăng Long (Ðông Hưng); Bắc Hải, Nam Cường (Tiền Hải)... bà con nông dân đã tự bỏ tiền ra mua chế phẩm để xử lý rơm rạ. Ðiều đó cho thấy bước đầu người dân đã nhận thức được hiệu quả thực tế mà chế phẩm mang lại.

Vụ mùa năm 2014, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tiếp tục hỗ trợ chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau thu hoạch tại xã Ðông Hoàng (Ðông Hưng) và 2 xã mới Hồng Minh (Hưng Hà), Vũ Ðoài (Vũ Thư). Ở những địa phương này, các hộ nông dân được hỗ trợ chế phẩm, chất  khử để làm đống ủ và cày vận rạ từ nguồn kinh phí chương trình khuyến nông của tỉnh. Ngay khi chuẩn bị triển khai, các hộ nông dân được tập huấn về quy trình xử lý rơm rạ sau thu hoạch; Ðảng ủy, UBND xã giao cho Chi hội Nông dân kết hợp với cán bộ thôn điều hành thực hiện; chỉ đạo đài phát thanh xã tích cực tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng chế phẩm sinh học. Ở những thôn không nằm trong diện thử nghiệm mô hình, nếu các hộ có nhu cầu sử dụng chế phẩm hợp tác xã sẽ hỗ trợ thêm một phần kinh phí để mua chế phẩm.

Việc xử lý rơm rạ trong những năm vừa qua mới chỉ thành công ở mức độ mô hình nhỏ lẻ chưa có tính lan tỏa. Ðể phong trào xử lý phế thải nông nghiệp thành phân hữu cơ vi sinh cung cấp cho sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường được phát triển sâu rộng trong nhân dân, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình đã xây dựng Ðề án “Ứng dụng công nghệ vi sinh xử lý rơm rạ thành phân bón phục vụ phát triển nông nghiệp an toàn và bền vững”. Nếu Ðề án được thực hiện, tình trạng đốt, xả rơm rạ bừa bãi trên đường giao thông, công trình thủy lợi gây mất mỹ quan và ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường sẽ được khắc phục. Ðồng thời, giải quyết và tận dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu rơm, rạ dồi dào, sẵn có ở địa phương góp phần tăng năng suất cây trồng và thực hiện tiêu chí môi trường trong chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Nguyễn Cường

  • Từ khóa