Chủ nhật, 19/05/2024, 05:25[GMT+7]

Thái Bình: Kiên định mục tiêu tăng trưởng Kỳ 1: Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép

Thứ 2, 26/07/2021 | 08:35:37
2,554 lượt xem
Hơn một năm rưỡi qua, cùng với cả nước, Thái Bình gồng mình vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh khó khăn, 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế của tỉnh tiếp tục phục hồi với mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và tăng đồng đều ở cả ba khu vực.

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Damsan (khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, thành phố Thái Bình). Ảnh: Thành Tâm

Chủ động phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 6/5 có thể nói là ngày “đặc biệt” của Thái Bình bởi không chỉ là lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh phát sinh ca nhiễm SARS-CoV-2 kể từ khi có dịch Covid-19 đến nay mà còn là tỉnh đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn toàn tỉnh theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ trong đợt bùng phát dịch thứ tư. Ngay khi phát hiện 5 ca dương tính với SARS-CoV-2 vào sáng ngày 6/5, tỉnh đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ từ 12 giờ ngày 6/5. Các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong tỉnh cũng vào cuộc rất quyết liệt với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”; nâng cấp độ phòng, chống dịch lên mức cao hơn, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế địa phương; áp dụng các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch liên quan đến các ca nhiễm Covid-19; phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19” nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực khắc phục khó khăn, đổi mới sáng tạo để thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả trong điều kiện bình thường mới, bảo đảm sự bình yên cho nhân dân; đồng thời, thần tốc truy vết triệt để các trường hợp F1, F2, F3 liên quan đến các ca dương tính để thực hiện khoanh vùng, cách ly theo quy định.

Ông Phạm Quang Hòa, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Y tế tăng cường tuyên truyền tình hình dịch và các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế; huy động 100% nhân lực thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ đã được phân công, phân cấp, phát huy hiệu quả cao trên tất cả các tuyến như điều tra, truy vết, cách ly điều trị, xét nghiệm; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần và đủ để kích hoạt khi có tình huống dịch phức tạp hơn; đồng thời, chuẩn bị nhân lực sẵn sàng chi viện cho các địa phương có diễn biến dịch phức tạp.

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đến nay có thể nói tỉnh ta cơ bản kiểm soát được các ổ dịch trong cộng đồng và đang tiếp tục khoanh vùng xử lý các ổ dịch mới phát sinh. Đến 17 giờ 30 phút ngày 25/7/2021, toàn tỉnh ghi nhận 38 ca nhiễm Covid-19 kể từ ngày 28/4/2021, trong đó có 31 ca trong cộng đồng; 930 trường hợp F1 và 10.077 trường hợp F2 kể từ ngày 28/4/2021; 5.560 trường hợp nguy cơ về từ các vùng có dịch kể từ ngày 26/6/2021; 788 trường hợp nghi nhiễm được cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế và 4.124 trường hợp quản lý tại các khu cách ly tập trung kể từ ngày 1/1/2021.

Duy trì tăng trưởng ở cả ba khu vực

Việc chủ động phòng, chống và kiểm soát tốt dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng giúp các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 để tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó thúc đẩy phục hồi kinh tế của tỉnh.

Thành công nhất phải kể đến trong 6 tháng đầu năm đó là sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp. Ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải hoạt động cầm chừng, một số doanh nghiệp người lao động đi làm thất thường gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, việc thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển và lưu thông hàng hóa... Trước những ảnh hưởng đó, ngành Công Thương đã chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: tham mưu cho tỉnh tổ chức cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; cung cấp thông tin về tình hình thị trường, các đối tác tiềm năng tới doanh nghiệp xuất nhập khẩu; hỗ trợ xuất khẩu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho hàng nông sản của địa phương; tạo điều kiện giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu nhanh chóng, kịp thời đặc biệt là các thủ tục liên quan đến cấp C/O cho doanh nghiệp... Đặc biệt, từ bài học của tỉnh Bắc Giang, Sở Công Thương đã phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh tổ chức diễn tập phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc Covid-19 tại doanh nghiệp, từ đó giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong khu công nghiệp chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch.

Chính vì thế, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp nhưng trong 6 tháng đầu năm, lĩnh vực công nghiệp vẫn có mức tăng trưởng lớn nhất với giá trị sản xuất ước đạt 36.163 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 45,3% kế hoạch năm; trong đó công nghiệp khai thác mỏ tăng 10,6%, công nghiệp chế biến tăng 11,4%, sản xuất truyền tải và phân phối điện tăng 3,2%, cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Số lượng doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện được thành lập mới vẫn tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020 với tổng số hơn 420 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện; tổng vốn đăng ký mới 3.800 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Việc tháo gỡ kịp thời các khó khăn, bảo đảm duy trì tốt hoạt động của các doanh nghiệp không chỉ giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế của tỉnh mà còn tạo nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước. Trong tổng thu ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm, thu nội địa đạt 67% dự toán với số thu hơn 4.565 tỷ đồng, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm 2020. Từ nguồn thu đó, tỉnh có điều kiện chi kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội cũng như các nhiệm vụ cấp bách, đột xuất của tỉnh, đặc biệt là chi giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản với tổng chi 6 tháng đầu năm đạt 77% dự toán năm - đứng thứ hai cả nước (sau Hải Phòng) về giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2021.

Không chỉ có khu vực công nghiệp, khu vực nông, lâm, thủy sản và khu vực dịch vụ cũng tăng trưởng nhưng ở mức thấp hơn, tăng 1,71% ở khu vực nông, lâm, thủy sản và 4,35% ở khu vực dịch vụ. Trong bối cảnh toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 6/5 đến ngày 20/5 đã ảnh hưởng đến doanh thu một số dịch vụ như: dịch vụ lưu trú (giảm 0,2%), du lịch lữ hành (giảm 81,4%), dịch vụ tiêu dùng khác (giảm 5,6%), nhưng do dịch vụ bán lẻ hàng hóa có mức doanh thu lớn, đạt 21.707 tỷ đồng, tăng 9% nên giá trị sản xuất khu vực dịch vụ vẫn tăng, đạt 46,8% kế hoạch năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 24.409 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong sản xuất nông nghiệp, dưới điều kiện thời tiết thuận lợi nên vụ lúa xuân năm 2021 của tỉnh đã giành thắng lợi lớn với tổng diện tích gieo cấy đạt 76.532ha, tăng 280ha so với vụ xuân năm 2020, trong đó diện tích lúa cấy máy chiếm 10,6% và diện tích lúa chất lượng cao chiếm 49,8% tổng diện tích gieo cấy; năng suất ước đạt 71 tạ/ha, tăng 0,42% so với vụ xuân năm 2020. Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác khoanh vùng, dập dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao, từ đó hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh để khôi phục sản xuất chăn nuôi.

Mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ và Sản xuất Toàn Anh (cụm công nghiệp An Ninh, huyện Quỳnh Phụ) vẫn duy trì sản xuất, tạo việc làm ổn định cho 320 lao động.

Một số kết quả phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm 2021:

  • Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP ước đạt 26.947 tỷ đồng, đạt 46,1% kế hoạch năm, tăng 4,92% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 1,71%, khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 7,93%, khu vực dịch vụ ước tăng 4,35%;
  • Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm 24,7%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 40,1%, khu vực dịch vụ chiếm 29,8% và thuế sản phẩm chiếm 5,4%;
  • Tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 11.548 tỷ đồng, đạt 78,9% dự toán, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu ngân sách địa phương đạt hơn 9.935 tỷ đồng, đạt 81,5% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 67% dự toán; tổng chi ngân sách địa phương đạt hơn 6.625 tỷ đồng, đạt 54% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển chiếm 44,2% tổng chi ngân sách địa phương;
  • Ước thực hiện giải ngân vốn đầu tư công hơn 2.043 tỷ đồng, đạt 62,8% kế hoạch vốn tỉnh phân bổ.

(còn nữa)
Minh Hương