Thứ 6, 17/05/2024, 09:39[GMT+7]

Để thi đua, khen thưởng là động lực cho sự phát triển

Thứ 6, 24/09/2021 | 08:37:23
1,464 lượt xem
17 năm qua, Luật Thi đua, khen thưởng (TĐKT) được các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức thực hiện hiệu quả. Công tác TĐKT đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Công nhân Công ty TNHH New Stars, cụm công nghiệp Đông Phong (Đông Hưng) thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo.

Các phong trào thi đua với hình thức đa dạng gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do các cấp, các ngành tổ chức đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã huy động nhân dân đóng kinh phí, ngày công nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đến nay, 100% số xã, 7/7 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), thành phố Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 4 xã được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Thông qua phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, người nghèo đã được tiếp cận các chính sách, các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2020 còn 2,35%.

Không chỉ tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã vượt khó, nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 2021 của tỉnh tăng 13,6% so với cùng kỳ.

Cùng với phát động, tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua, những năm qua, công tác khen thưởng cũng được các cấp, các ngành chú trọng, bảo đảm đúng người, đúng việc, đúng thành tích. Đồng chí Nguyễn Cảnh Toàn, Trưởng ban Thi đua, khen thưởng, Sở Nội vụ cho biết: Để công tác khen thưởng ngày càng đi vào thực chất, động viên, cổ vũ kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, bảo đảm đúng quy định, bên cạnh việc áp dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa quản lý công tác khen thưởng, việc khen thưởng đã chú trọng vào các sáng kiến, giải pháp có sức lan tỏa, được ứng dụng trong thực tế, khen thưởng người lao động trực tiếp, khen thưởng đột xuất. Vì vậy, các tập thể, cá nhân được khen thưởng thực sự là tấm gương sáng, là nhân tố tích cực thúc đẩy, lan tỏa phong trào thi đua phát triển bền vững. 2 năm 2019 - 2020, UBND tỉnh đã khen thưởng gần 3.300 tập thể, cá nhân, tỷ lệ người lao động trực tiếp được khen thưởng chiếm trên 50%; trên 300 tập thể, cá nhân được khen thưởng cấp nhà nước; 22 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 25 trường hợp được tặng huân chương, huy chương kháng chiến...

Mặc dù công tác TĐKT đạt được những kết quả tích cực song trong quá trình thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng còn bộc lộ nhiều bất cập như: Việc tổ chức triển khai một số phong trào thi đua còn hình thức, chưa thu hút được nhiều lực lượng tham gia; có nơi, có lúc công tác xét khen thưởng còn chạy theo thành tích; điều kiện và tiêu chuẩn xét khen thưởng cho từng đối tượng chưa cụ thể; việc phân cấp trong khen thưởng chưa quy định rõ; tỷ lệ khen thưởng cấp nhà nước chưa cân đối trong từng lĩnh vực... Theo đồng chí Nguyễn Văn Hóa, Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy, nguyên nhân dẫn tới bất cập là do một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự quan tâm, chú trọng phát động phong trào thi đua; việc bình xét thi đua còn có biểu hiện nể nang, cào bằng; đội ngũ làm công tác TĐKT thường xuyên biến động; công tác kiểm tra, giám sát chưa được tiến hành thường xuyên... Để TĐKT thực sự trở thành động lực cho sự phát triển, đồng chí Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho rằng cần sớm sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng, trong đó cần sửa quy định về sáng kiến kinh nghiệm, mức thưởng theo hệ số lương và bổ sung tiêu chuẩn khen thưởng với công nhân, nông dân.

Đồng chí Phạm Xuân Tuấn, Ban Thi đua, khen thưởng, Sở Nội vụ đề xuất sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng theo hướng đơn giản hóa hơn nữa thủ tục đề nghị khen thưởng; bổ sung về thành tích thay thế khác nếu thiếu 1 tiêu chuẩn nào đó khi xét khen thưởng, nhất là khen thưởng thành tích cho quá trình 5 năm, 10 năm; bổ sung quy định về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với tập thể đề nghị khen thưởng; bổ sung cơ chế, quy trình xét tặng danh hiệu thi đua thông qua phát hiện tập thể, cá nhân có nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua nhưng không đăng ký từ đầu năm...

Đồng chí Nguyễn Văn Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh cho biết: Để khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành, bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác TĐKT trong tình hình mới, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai. Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã khảo sát việc thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng tại một số địa phương, đơn vị, kịp thời nắm bắt, tiếp thu những kiến nghị, đề xuất, góp ý vào dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), tổng hợp gửi Quốc hội làm căn cứ xem xét, ban hành Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) bảo đảm phù hợp với thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực.

Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh HINOKI, xã Nguyên Xá (Đông Hưng) vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa duy trì sản xuất hiệu quả.Nông dân xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ) chăm sóc rau màu.

Hiếu Nghĩa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày