Thứ 4, 01/05/2024, 11:35[GMT+7]

Nam Định: Xã Trung Đông - Điểm sáng văn hóa nông thôn mới nâng cao

Thứ 6, 24/09/2021 | 13:27:35
464 lượt xem
Xã Trung Đông (Trực Ninh) là vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Phát huy những thành tựu đạt được trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2015, từ khi triển khai xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020, Đảng ủy, UBND xã Trung Đông đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các nguồn đóng góp từ cộng đồng để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội; trong đó phát huy hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa - thể thao, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Làng quê nông thôn mới xã Trung Đông.

Về xã Trung Đông những ngày này, chúng tôi cảm nhận được sự vui mừng, phấn khởi của cán bộ, đảng viên và người dân khi địa phương là 1 trong 10 xã, thị trấn của huyện Trực Ninh được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020. 

Nói về sự đổi thay của quê hương, đồng chí Bùi Minh Kỳ, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trung Đông cho biết: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh, của huyện về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với xây dựng NTM nâng cao, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/ĐU về “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa cơ sở giai đoạn 2016-2020”, Nghị quyết số 55-NQ/ĐU về “Thực hiện chương trình xây dựng xã NTM nâng cao năm 2020”; UBND xã đã ban hành Đề án (sửa đổi, bổ sung) về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và quản lý nghĩa trang nhân dân giai đoạn 2016-2020”. Hàng năm, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” xã đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện tiêu chí về văn hóa (tiêu chí số 11) trong xây dựng NTM nâng cao. Hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao ở xã được xây dựng, cải tạo theo phương châm “Tận dụng tối đa công trình có sẵn, kết hợp bổ sung, nâng cấp từ nguồn xã hội hóa”. Đến nay, 13/28 xóm của xã đã xây dựng được nhà văn hóa (NVH); 15 xóm còn lại sử dụng các nhà thờ giáo họ làm địa điểm sinh hoạt cộng đồng. Tại các NVH, địa điểm sinh hoạt cộng đồng đều trang bị đồng bộ hệ thống âm thanh, ánh sáng, bàn, ghế, tủ sách, bảng tin, nội quy hoạt động, hương ước xóm… 

Giai đoạn 2018-2020, từ sự đóng góp của nhân dân, nhiều hạng mục công trình của các NVH tiếp tục được cải tạo, nâng cấp với kinh phí từ 20-50 triệu đồng/NVH; NVH xóm 13 được xây mới với tổng kinh phí 700 triệu đồng. Các NVH sau khi hoàn thiện có diện tích trên 300m2, từ 100-150 ghế ngồi, có đầy đủ sân thể thao mi ni và các thiết bị tập luyện TDTT như: sân bóng đá, sân cầu lông, sân bóng chuyền, bàn bóng bàn, bàn cờ tướng, xà đơn, xà kép… Ban chủ nhiệm NVH ở 28 xóm được thành lập gồm các đồng chí trưởng xóm, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác Mặt trận có vai trò quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động của các NVH. Các thiết chế văn hoá - thể thao ở Trung Đông phát huy được công năng sử dụng là tiền đề để phong trào văn hoá, văn nghệ, TDTT cơ sở phát triển rộng khắp. Toàn xã có 60% dân số tham gia luyện tập thể thao, 30% dân số tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Hơn 10 CLB thể thao các môn: cầu lông, bóng đá, bóng bàn, chạy việt dã, đi xe đạp chậm, kéo co, yoga, dưỡng sinh được thành lập; gần 20 tổ, đội, CLB văn hóa, văn nghệ các loại hình: hát chèo, hát ca khúc cách mạng, thơ ca, dân vũ... 

Hàng năm, vào các dịp mừng Đảng - mừng xuân, lễ hội tại các di tích, Tết Trung thu, Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày thành lập Đoàn (26-3), Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh  (2-9), Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), Ban Văn hóa xã phối hợp với Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và các trường học trên địa bàn tổ chức các hoạt động hội diễn, giao lưu nghệ thuật quần chúng và các giải thể thao phong trào thu hút đông đảo người dân tham gia. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT ở Trung Đông đã góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, nâng cao chất lượng công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của quê hương. Các chương trình văn hóa, thể thao tại địa phương còn được gắn với tuần lễ “Văn hóa - Giáo dục” hàng tháng, hàng quý với các hoạt động: tọa đàm, kể chuyện, học tập chuyên đề, giáo dục truyền thống tại các di tích lịch sử - văn hóa, địa chỉ cách mạng tại địa phương.

Thành công trong thực hiện tiêu chí về văn hoá trong xây dựng NTM nâng cao ở xã Trung Đông đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc giữ vững và ngày càng nâng cao chất lượng các phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá”, “Khu dân cư văn hóa - NTM”. Các danh hiệu văn hóa đã trở thành mục tiêu phấn đấu của mọi gia đình, thôn xóm. Năm 2020, toàn xã có 4.336/4.738 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (đạt tỷ lệ 91,5%); trong đó 84,6% số gia đình văn hóa giữ vững danh hiệu 3 năm liên tục; cả 28 xóm đều được công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa - NTM”, 16/28 xóm giữ vững danh hiệu “Khu dân cư văn hóa - NTM” 5 năm liên tục. Nhiều xóm có tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 90% như các xóm: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 9, 13, 16, 18, 19, 20, 28. Các phong trào, cuộc vận động đã góp phần củng cố tình đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ dân. Thực tế, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” đã tạo được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và sự tham gia hưởng ứng của nhân dân. 

Người dân với vai trò là chủ thể đã xác định được quyền lợi, trách nhiệm, tích cực, chủ động trong việc đóng góp xây dựng NTM nâng cao. Việc quy hoạch xây dựng hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn luôn được công khai, minh bạch, lấy ý kiến từ nhân dân. Các hộ dân luôn chủ động chỉnh trang khuôn viên, nhà ở, ao vườn; tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh… Trung Đông trở thành điển hình của huyện trong xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn với 100% các tuyến đường được nhựa hóa, bê tông hóa kiên cố, khang trang, sạch đẹp. Các mô hình “trồng hoa, cây xanh”, “sáng hóa nông thôn”, “làng quê không rác”… được xã phát động đến từng hộ dân. Hiện, 90% các tuyến đường giao thông trong xã được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng; 100% các tuyến đường trục xã, liên xóm được trồng hoa ven đường xen lẫn những hàng cau bên bờ ruộng lúa. Đời sống tinh thần của người dân được nâng cao, các công trình phát triển kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, người dân Trung Đông tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Cơ cấu kinh tế ở xã chuyển dịch từ nông nghiệp sang kinh doanh, dịch vụ, thương mại và sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Các nghề thêu ren xuất khẩu, mộc mỹ nghệ, mây tre đan truyền thống được duy trì phát triển sôi động tại khu vực chợ Trung Lao, xã Trung Đông kéo theo một số ngành nghề mới như chế biến lâm sản, cơ khí, xây dựng đi vào hoạt động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Do tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế, số hộ khá và giàu trong xã tăng nhanh, hộ nghèo giảm chỉ còn 1,76%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 54 triệu đồng/năm.

Để duy trì và phát huy các kết quả đạt được, năm 2021, xã Trung Đông tiếp tục đề ra các mục tiêu phát triển văn hóa đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng NTM theo hướng bền vững và ngày càng phát triển. Với sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, xã Trung Đông phấn đấu trở thành xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trước năm 2025./.

Theo baonamdinh.com.vn