Thứ 3, 14/05/2024, 02:14[GMT+7]

Điều tra, giám sát chỉ số véc tơ - chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết

Thứ 4, 08/12/2021 | 08:27:32
1,117 lượt xem
Trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết, việc điều tra, giám sát chỉ số véc tơ định kỳ, tính toán các chỉ số dự báo dịch liên quan đến muỗi và bọ gậy có vai trò rất quan trọng. Hoạt động này nhằm đánh giá nguy cơ xảy ra dịch, kịp thời tham mưu cho địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết nếu chỉ số dự báo dịch vượt ngưỡng cảnh báo.

Nhân viên y tế điều tra chỉ số véc tơ muỗi, bọ gậy.

Nhiều năm nay, một trong những công việc quen thuộc của cán bộ Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Khoa Kiểm dịch y tế quốc tế - ký sinh trùng - côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là điều tra, giám sát chỉ số véc tơ. Đi sớm, về tối, nhân viên y tế phải đến các ngóc ngách, nơi ẩm thấp, kém vệ sinh để tìm bắt bọ gậy, muỗi. Việc điều tra chỉ số véc tơ được thực hiện thường xuyên, định kỳ song khi có ca mắc sốt xuất huyết nội sinh nhân viên y tế sẽ phải tiến hành điều tra, giám sát ngay. Trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm - thời điểm mùa mưa, điều kiện lý tưởng để muỗi sinh sôi, phát triển mạnh, dễ bùng phát dịch, công việc của các cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lại càng vất vả hơn.

Bác sĩ Trương Minh Hùng, Phó Trưởng Khoa Kiểm dịch y tế quốc tế - ký sinh trùng - côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Căn cứ vào đặc điểm sinh học của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết là đốt vào sáng sớm, chiều tối nên thời điểm chúng tôi lựa chọn để đi bắt muỗi, bọ gậy là khoảng 6 giờ sáng và hơn 17 giờ chiều. Hơn 10 năm nay, thực hiện nhiệm vụ điều tra chỉ số véc tơ nên giờ đây, chỉ nhìn vào bọ gậy, muỗi, tôi cũng có thể xác định được đâu là muỗi truyền bệnh bệnh sốt xuất huyết. Khi có ca nội sinh thì phải tìm được ổ nguồn bọ gậy, muỗi, có khi là ở nhà bệnh nhân song cũng có thể là các nhà, khu vực xung quanh nơi bệnh nhân sinh sống. Số lượng bọ gậy nhiều có thể có một hoặc nhiều ổ nguồn. Do đó, việc điều tra phải thực hiện ở nhiều gia đình. Tuy nhiên, có trường hợp đến nơi, người dân không có nhà nên mất nhiều thời gian đi lại. Nhiều người dân đã có ý thức, chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết nhưng vẫn còn có người có tâm lý chủ quan.

Trong quá trình điều tra chỉ số véc tơ tại các nhà dân, cán bộ, nhân viên y tế còn kết hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Một trong những thông điệp được nhắc đến nhiều lần đó là không có bọ gậy sẽ không có sốt xuất huyết. Do đó, cán bộ, nhân viên y tế khuyến cáo người dân thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, lật úp những đồ dùng để đọng nước lâu ngày, tránh để muỗi sinh sôi, truyền bệnh.

Bác sĩ Hà Thị Phương Thảo, Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Sau khi xác định được loại muỗi gì, chúng tôi sẽ tiến hành tìm ổ nguồn bọ gậy, muỗi; tính các chỉ số véc tơ, đánh giá nguy cơ, dự báo khả năng bùng phát dịch, sẽ tiến hành họp với ban chỉ đạo phòng, chống dịch sốt xuất huyết các xã, phường, thị trấn để thông báo tình hình và tham mưu, đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời, có hiệu quả, khống chế bệnh như: tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, loại trừ bọ gậy, phun hóa chất phòng, chống dịch chủ động khi chỉ số dự báo dịch vượt ngưỡng cảnh báo. Nếu kết quả điều tra ghi nhận chỉ dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi Aedes (BI) cao vượt ngưỡng có nghĩa là tại cơ sở giám sát đang có yếu tố nguy cơ cao với khả năng dịch bệnh có thể bùng phát.

Đến nay, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã ghi nhận có ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có Thái Bình. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 33 ca mắc sốt xuất huyết. Chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết, mỗi người dân cần tích cực tham gia diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng; nằm màn khi ngủ; phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch và khi bị sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Một số nhà dân vẫn còn chủ quan khi để dụng cụ chứa nước tồn đọng lâu ngày.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày