Thứ 6, 22/11/2024, 11:44[GMT+7]

Hà Nội: Hỗ trợ các huyện sớm về đích nông thôn mới

Thứ 3, 14/12/2021 | 12:58:05
608 lượt xem
Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có 12 trong số 18 huyện, thị xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM). Thành phố đang tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ các huyện còn lại cán đích huyện NTM vào năm 2022. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhiều mục tiêu trong xây dựng huyện NTM đang đứng trước nguy cơ khó hoàn thành.

Trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn 3, xã Ba Trại, huyện Ba Vì cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: VŨ SINH

Các huyện Ba Vì, Mỹ Đức và Ứng Hòa là ba trong số sáu địa phương còn lại của thành phố đã sớm lập kế hoạch cán đích huyện NTM vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Thời điểm hiện tại, những công đoạn cuối cùng như nghiệm thu, đánh giá, chấm điểm các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM đang được thực hiện, nhằm hoàn tất hồ sơ, chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, ghi nhận chung tại các địa phương, những tiêu chí về cơ sở hạ tầng, thu nhập... dù cơ bản đạt, nhưng vẫn còn ở mức thấp, thậm chí có nguy cơ bị phá vỡ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Để bảo đảm tiến độ hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện NTM, từ đầu năm 2021, huyện Ba Vì đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc ưu tiên nguồn lực cho các xã chưa đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, do nguồn lực đối ứng dành cho xây dựng NTM tại các xã còn hạn chế, công tác vận động, khai thác mọi nguồn thu từ đất, ngày công, xã hội hóa còn chậm, cho nên nhiều hạng mục thuộc cơ sở hạ tầng vẫn phụ thuộc vào kinh phí của huyện, thành phố. Tại huyện Mỹ Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang cũng cho biết, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các xã chưa đạt chuẩn NTM, yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án đã được phê duyệt theo đúng thời gian, kế hoạch được ký kết. Đồng thời tăng cường thực hiện việc liên doanh, liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ nông sản, kết hợp xây dựng NTM với chương trình giảm nghèo bền vững, tiếp tục mở lớp đào tạo nghề nông thôn, xuất khẩu lao động để tăng thu nhập cho người dân.

Không chỉ có huyện Ba Vì, Mỹ Đức gặp khó khăn về vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tại huyện Ứng Hòa, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ngô Tiến Hoàng, nhu cầu về vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng NTM của huyện là rất lớn, cần huy động từ nhiều nguồn lực, nhiều thành phần kinh tế, bằng nhiều kênh huy động mới có thể đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển trong giai đoạn 2021-2025.

Hiểu rõ những khó khăn của các huyện chậm về đích NTM, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025. Thành phố đã tập trung huy động các nguồn lực của Nhà nước và xã hội với tổng nguồn vốn dự kiến khoảng 92.680 tỷ đồng (tăng khoảng 15% so với giai đoạn 2016-2020) theo kế hoạch trung hạn. Tuy nhiên, nguồn lực này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Do đó, thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) phối hợp các sở, ngành, địa phương tiếp tục đánh giá tác động của đại dịch, trên cơ sở rà soát lại các tiêu chí đề xuất thành phố có “gói” hỗ trợ riêng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho chương trình xây dựng NTM.

Theo Giám đốc Sở NN và PTNT thành phố Chu Phú Mỹ, trong lộ trình từ nay đến hết năm 2022, thành phố tiếp tục đầu tư để hỗ trợ hai huyện Ba Vì, Mỹ Đức hoàn thiện các tiêu chí NTM chưa đạt hoặc cơ bản đạt để hai địa phương này về đích NTM trong năm 2022 theo đúng mục tiêu, kế hoạch. Từ nay đến cuối năm 2022 là khoảng thời gian đủ dài để hai huyện Ba Vì, Mỹ Đức nói riêng, các huyện còn lại của thành phố có những giải pháp hiệu quả nhằm đẩy nhanh xây dựng NTM. Đi cùng với đó, những nút thắt về cơ chế, nguồn vốn đầu tư như: Tích tụ ruộng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phê duyệt quỹ đất hình thành các khu công nghiệp, cắm mốc giới quy định phạm vi an toàn đê điều… cũng cần được tháo gỡ.

Ngoài tháo gỡ từng bước khó khăn chung của các huyện chậm về đích NTM, thành phố Hà Nội cũng chủ trương đánh giá một cách toàn diện, bao quát các chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025, từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm, trên tinh thần tạo điểm nhấn trong xây dựng NTM. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ đánh giá kỹ hơn kết quả, hiệu quả các chính sách đang thực hiện trước khi ban hành chính sách mới. Việc ban hành chính sách mới bảo đảm đúng quy định của pháp luật, phù hợp thực tiễn và căn cứ vào nguồn thu của thành phố nhằm bảo đảm tính khả thi và thành công của chương trình xây dựng NTM.

Theo nhandan.vn