Chủ nhật, 28/04/2024, 06:48[GMT+7]

Cựu chiến binh thi đua phát triển kinh tế

Thứ 2, 27/12/2021 | 18:04:12
4,046 lượt xem
Thời gian qua, hội cựu chiến binh (CCB) từ tỉnh tới cơ sở đã thực hiện tốt phong trào “CCB thi đua phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, tạo sự lan tỏa sâu rộng. Nhiều hội viên vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động.

CCB Đỗ Văn Tải (thứ 2 từ trái sang) đầu tư hơn 23 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng xay xát gạo hiện đại.

Tại xã Hồng An, huyện Hưng Hà, mô hình phát triển kinh tế của của thương binh hạng 2/4 Lê Gia Quang với gần 2ha trồng các loại cây ăn quả như mít, xoài, ổi, bưởi, chuối mang lại thu nhập cao. Ông cũng là điển hình CCB làm kinh tế giỏi của xã. 

Ông Quang cho biết: Hưởng ứng phong trào “CCB thi đua phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, bản thân tôi tích cực học hỏi kinh nghiệm làm mô hình trồng cây ăn quả từ những hội viên phát triển kinh tế giỏi của địa phương. Cùng với đó tôi nghiên cứu kỹ đặc điểm thổ nhưỡng, quyết định trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, tái sử dụng nguồn phụ phẩm như vỏ, thân chuối, lá cây ủ với phân vi sinh cho hoai mục để làm phân bón, chính vì thế đã giúp tôi tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập cho gia đình. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm mô hình của gia đình tôi đem lại thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng.

Trở lại thăm mô hình xay xát gạo của CCB Đỗ Văn Tải, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ chúng tôi thực sự khâm phục nghị lực vượt khó, vươn lên làm giàu của ông. Sau gần 2 năm thi công, lắp đặt, nhà máy mới đã hoàn thành nên ông Tải rất phấn khởi, say sưa kể cho chúng tôi nghe về hiệu quả mà dây chuyền đem lại. Từ một cơ sở xay xát nhỏ ban đầu, ông Tải từng bước đổi mới công nghệ, mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Cuối năm 2019, ông dành hơn 23 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng rộng hơn 6.500mvới công suất gần 20.000 tấn gạo/năm. 

Ông Tải chia sẻ: Với mô hình này, gia đình tôi thu về hơn 3 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm ổn định cho 22 lao động thường xuyên với thu nhập từ 15 - 18 triệu đồng/người/tháng. Chính từ việc kịp thời đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm nên Công ty tạo được niềm tin và uy tín với khách hàng, sản phẩm sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Người lao động được đóng bảo hiểm xã hội, mức thu nhập lại cao nên họ yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Quốc Quỳnh, Chủ tịch Hội CCB huyện Quỳnh Phụ: Từ khi Hội CCB huyện triển khai phong trào “CCB thi đua phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã có nhiều hội viên hưởng ứng tích cực bằng những việc làm thiết thực như: động viên nhau phát triển kinh tế, giúp đỡ nhau về giống, vốn, kỹ thuật, tạo việc làm cho người thân hội viên. Toàn huyện hiện có 16 công ty, doanh nghiệp, 81 trang trại, 312 gia trại và tổ sản xuất, 1 hợp tác xã do CCB làm chủ hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho trên 2.000 hội viên và thân nhân CCB. Trong năm 2021, Hội CCB từ huyện tới cơ sở đã tổ chức 22 lớp tập huấn cho gần 2.000 hội viên về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng mô hình kinh tế tập thể. Ngoài ra, hội CCB các cấp đã đứng ra tín chấp với các ngân hàng hơn 76,7 tỷ đồng cho hơn 2.200 hội viên vay vốn phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hội viên nghèo toàn huyện còn 0,34%.

Ông Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Hội CCB tỉnh chia sẻ: Những năm qua, phong trào “CCB thi đua phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã trở thành một trong những động lực lớn thúc đẩy cán bộ, hội viên CCB phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Hỗ trợ hội viên thực hiện phong trào thi đua, hội CCB các cấp đã tổ chức 226 lớp tập huấn cho 11.664 lư­ợt hội viên về kỹ thuật chọn giống và chăm sóc cây trồng, vật nuôi và gieo cấy lúa; phối hợp tổ chức 27 lớp tập huấn nghiệp vụ Ngân hàng Chính sách xã hội với 809 hội viên tham gia; duy trì hoạt động hiệu quả 434 tổ tiết kiệm và vay vốn do hội CCB phụ trách với 12.553 khách hàng, tổng dư nợ đạt hơn 461,7 tỷ đồng, tăng 18 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Được hỗ trợ về mọi mặt, hội viên CCB đã mạnh dạn đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư vốn thành lập công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Tiêu biểu như: CCB Đỗ Văn Tải, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ; mô hình của CCB Ngô Văn Chuẩn, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư tích tụ 20ha đất cấy lúa chất lượng cao thu nhập gần 300 triệu đồng/năm; CCB Phạm Thế Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Mầm non Hoa Thủy Tiên (thành phố Thái Bình) chăm sóc, giáo dục 200 trẻ, tạo việc làm cho trên 20 lao động… Dù ở lĩnh vực nào, mỗi CCB luôn gương mẫu, trách nhiệm với công việc và tích cực tham gia công tác xã hội của địa phương. Phát huy tinh thần tương thân tương ái trong cán bộ, hội viên, năm 2021 hội CCB các cấp trao quà cho 2.459 hội viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 761 triệu đồng; khám, tư vấn chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 400 CCB có hoàn cảnh khó khăn trị giá trên 60 triệu đồng; vận động xây 12 nhà “Nghĩa tình đồng đội” trị giá 580 triệu đồng.

Thương binh Lê Gia Quang, xã Hồng An, huyện Hưng Hà tích cực phát triển kinh tế.

Phát huy kết quả của phong trào “CCB thi đua phát triển kinh tế, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, thời gian tới Hội CCB tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp hội phối hợp với các cơ quan chức năng, tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ CCB đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, tích tụ đất đai, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi và thị trường tiêu thụ để sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh để làm giàu cho bản thân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. 

Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày