Thứ 5, 09/05/2024, 12:22[GMT+7]

Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh nghe báo cáo kết quả triển khai thí điểm công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án

Thứ 5, 14/03/2019 | 15:07:37
1,494 lượt xem
Sáng ngày 14/3, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh tổ chức hội nghị nghe báo cáo về tình hình, kết quả triển khai thực hiện thí điểm đề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Thái Bình.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 31619_banchidaodathem.mp3

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thí điểm công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án nhân dân hai cấp tỉnh chủ trì hội nghị.

Ngày 4/10/2018, Tòa án nhân dân Tối cao đã quyết định thực hiện thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án nhân dân. Thái Bình là 1 trong 16 tỉnh, thành phố được lựa chọn thực hiện thí điểm. 

Để thực hiện thành công thí điểm đổi mới về hòa giải, đối thoại, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án nhân dân hai cấp, đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy làm trưởng ban. Ngày 1/11/2018 đã thành lập và ra mắt 5 trung tâm hòa giải, đối thoại với 19 hòa giải viên tại Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình và các tòa án nhân dân: thành phố Thái Bình, huyện Đông Hưng, Tiền Hải, Thái Thụy. 

Qua 4 tháng triển khai thực hiện thí điểm, các trung tâm hòa giải đã thụ lý giải quyết 380 vụ, tỷ lệ hòa giải thành đạt 74,8%, qua công tác hòa giải đã giúp các tòa án không phải đưa ra xét xử 324 vụ án; trong đó, 299 vụ tranh chấp về hôn nhân gia đình, 18 vụ tranh chấp về dân sự, 7 vụ tranh chấp kinh doanh thương mại. Công tác hòa giải, đối thoại đã giúp các tòa án các cấp không phải mở các phiên tòa, giúp nhân dân không phải đi lại nhiều lần, qua đó giảm bớt các khiếu kiện về dân sự và phát sinh các mâu thuẫn trong nhân dân.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thành Tâm 

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ những kết quả đạt được, đồng thời nêu lên những thuận lợi, khó khăn, đóng góp nhiều ý kiến nhằm làm tốt hơn công tác hòa giải, đối thoại trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo thí điểm công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án nhân dân hai cấp tỉnh đã ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực của ngành Tòa án chỉ trong thời gian ngắn đã triển khai và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để 5 trung tâm hòa giải, đối thoại được thành lập và chính thức đi vào hoạt động đạt hiệu quả cao. 

Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải, đối thoại trong thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành cần tập trung tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác hòa giải đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại tòa án. Các trung tâm hòa giải phải sâu sát, cụ thể, phân công hòa giải viên, đối thoại viên phù hợp với năng lực, kinh nghiệm trong từng vụ việc cụ thể. Tòa án nhân dân hai cấp phải cử thẩm phán theo dõi đối với từng vụ án cụ thể, giúp hòa giải viên, đối thoại viên về mặt pháp lý và phương án hòa giải, thời gian cụ thể. Đối với các hòa giải viên ngoài việc nghiên cứu kỹ các tài liệu, chứng cứ, tham khảo thêm các ý kiến của các cơ quan chuyên môn đối với từng vụ việc, qua đó vận dụng các quy định của pháp luật, quy định của địa phương giải thích cho các bên đương sự thấu hiểu, qua đó có được tiếng nói chung. Các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố tích cực phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện để việc triển khai thực hiện thí điểm công tác hòa giải, đối thoại thành công, hiệu quả.  

Nguyễn Tùng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày