Thứ 3, 23/07/2024, 06:24[GMT+7]

Đông Hưng: Vụ đông đến sớm

Chủ nhật, 02/10/2022 | 22:05:17
1,321 lượt xem
Vụ đông năm nay, huyện Đông Hưng phấn đấu gieo trồng 2.520ha cây ưa ấm trở lên. Những ngày này, nông dân các xã trên địa bàn huyện thực hiện phương châm “sáng lúa, chiều cây vụ đông”, tranh thủ thời tiết thuận lợi tập trung nhân lực, vật lực khẩn trương thu hoạch lúa mùa, đưa cây vụ đông ưa ấm ra đồng.

Nông dân xã Đông Xá (Đông Hưng) chăm sóc cây bí sau khi đưa ra ruộng.

Hàng chục năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Thìn, thôn An Nạp, xã An Châu đều trồng cây vụ đông. Năm 2021, bà trồng 1 mẫu bí đỏ, bí xanh và dưa chuột, sau thu hoạch trừ các khoản chi phí thu được trên 30 triệu đồng. Vì thế, năm nay bà Thìn quyết định mượn thêm ruộng mở rộng diện tích lên 1,8 mẫu trồng bí đỏ, dưa chuột. Bà được hỗ trợ 100% giống bí, còn giống dưa chuột nhà tự để từ vụ trước, vì vậy tiết kiệm được một khoản chi phí. Bà Thìn chia sẻ: Kinh nghiệm nhiều năm nay của chúng tôi là cấy lúa sớm ngắn ngày, cấy để rãnh thưa, từ giữa tháng 9  tranh thủ làm bầu bí, dưa, khi lúa chín đỏ đuôi thì rẽ lúa đặt bầu xuống. Lúa chín khoảng 85% thì gặt để tập trung chăm sóc cho bí, dưa phát triển nhanh. Trồng sớm sẽ cho thu hoạch sớm, dễ bán lại được giá cao. Từ một xã trắng cây vụ đông, giờ đây An Châu đã trở thành xã dẫn đầu, “thủ phủ” cây vụ đông của huyện Đông Hưng, diện tích không ngừng được mở rộng. Vụ đông năm nay, xã An Châu phấn đấu gieo trồng 180ha, trong đó cây ưa ấm 110ha. Bí vẫn là cây chủ lực được bà con nông dân lựa chọn trồng với diện tích 70ha. 

Ông Bùi Đức Thản, thôn An Nạp, xã An Châu cho biết: Nhà tôi thường gặt sớm để trồng bí. Năm nay gia đình phấn đấu trồng 2 mẫu bí và dưa chuột, tăng gần 1 mẫu so với vụ đông năm ngoái. Để cây phát triển, sinh trưởng tốt, ngay từ đầu năm tôi đã ủ vôi bột với phân lân, phân chuồng hoai mục, lót xuống dưới rồi đặt bầu lên. Thời tiết thuận lợi, chăm sóc tốt, bán được giá thì lãi gấp 2 - 3 lần cấy lúa. Năm ngoái gia đình tôi thu từ bí và dưa chuột 30 triệu đồng. Năm nay trồng nhiều hơn, bí đã lên xanh, hứa hẹn một vụ đông bội thu.

Lợi nhuận do trồng bí đông cao, vì vậy nông dân xã Đông Xá luôn chủ động, tích cực trong chọn thời điểm trồng, có cách chăm sóc hợp lý để bí cho thu hoạch sớm. Một trong những cách đó là tranh thủ làm bầu tại nhà, rẽ lúa trồng trước, khi gặt lúa thì bí đã lên xanh và có hoa. 

Đến nay, bà Nhâm Thị Tiên, thôn Tây Bình Cách đã có 15 năm kinh nghiệm trồng bí. Bà Tiên chia sẻ: Để rút ngắn thời vụ, tôi làm bầu sớm, rẽ lúa đặt cây bí ra ruộng trước, bí lên 3 - 4 lá thì gặt lúa. Nếu thời tiết thuận lợi khoảng 1 tháng nữa bí sẽ cho thu hoạch lứa đầu. Năm nay, xã Đông Xá có kế hoạch trồng 180ha cây vụ đông, trong đó cây bí trên 100ha. Huyện cấp phát hạt giống bí kịp thời đã giúp nông dân chủ động về mùa vụ. Bên cạnh đó, HTX DVNN xã cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ trồng vụ đông. 

Ông Nguyễn Văn Đông, Phó Giám đốc HTX DVNN xã Đông Xá cho biết: HTX điều chỉnh cơ cấu giống lúa phù hợp, vận động 100% xã viên cấy giống ngắn ngày, để rãnh lúa rộng; khuyến khích bà con gặt lúa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để giải phóng đất trồng cây vụ đông sớm; chủ động khơi thông dòng chảy nhằm tiêu thoát nước nhanh tránh bí bị ngập úng khi có mưa lớn. HTX cũng cấp phát giống bí ngay sau khi tiếp nhận, hướng dẫn kỹ thuật cách làm bầu, trồng, chăm sóc bí; phối hợp với các thương lái tiêu thụ bí cho bà con.

Vụ đông năm nay, huyện Đông Hưng phấn đấu tăng diện tích trồng cây vụ đông lên 200ha so với năm 2021; trong đó trên 2.500ha cây vụ đông ưa ấm, chủ lực là ngô, dưa, bí, khoai lang, rau màu các loại và 2.500ha cây vụ đông ưa lạnh. Theo ông Đỗ Tiến Lâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Đến đầu tháng 9/2022, huyện đã hoàn thành việc cấp giống hỗ trợ cho các xã, gồm giống bí xanh, bí đỏ và ngô nếp các loại. Tập trung chỉ đạo các xã làm bầu cây vụ đông ưa ấm, hướng dẫn các hộ nông dân sản xuất bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt là biện pháp phòng, trừ sâu bệnh, sử dụng các loại phân bón hữu cơ an toàn sinh học đối với cây trồng, tạo luống, làm rãnh thoát nước kịp thời khi có mưa lớn.

Vụ đông là vụ sản xuất có thời gian ngắn, dễ trồng, dễ chăm sóc, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, huyện Đông Hưng và các địa phương đang sát sao đôn đốc, chỉ đạo và khích lệ người dân tập trung thu hoạch lúa mùa, làm đất trồng cây vụ đông quyết tâm giành thắng lợi cả về diện tích và giá trị thu nhập.


Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày